Sự kiện hot
8 năm trước

Bắt giữ người trái pháp luật: Khởi tố và miễn trách nhiệm hình sự như thế nào?

Hành vi bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản sẽ bị khởi tố. Dù có đơn miễn trách nhiệm hình sự của bị hại thì cơ quan tố tụng vẫn phải xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật

Để giải đáp vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường – trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

- Theo quy định của pháp luật, trong một sự việc có dấu hiệu của tội Bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản thì có nhất thiết phải khởi tố vụ án hay không thưa luật sư?

Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định quyền tự do thân thể, tự do đi lại, cư trú. Mọi hành vi xâm hại tới quyền tự do thân thể của công dân đều là hành vi vi phạm pháp luật. Việc bắt, giữ hoặc giam người phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Theo đó, chỉ có người phạm tội quả tang, người bị truy nã, người phải chấp hành án phạt tù mới có thể bị bắt. Việc bắt, tạm giam, tạm giữ người cũng theo trình tự, thủ tục luật định.

Vì vậy, nếu người nào tự ý bắt, giam, giữ người trái pháp luật thì hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền tự do thân thể, tự do đi lại, cư trú của công dân. Hành vi vi phạm pháp luật này sẽ bị xử lý hình sự về tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Pháp luật cũng quy định cụ thể đối với hành vi hủy hoại tài sản: Tài sản và quyền sở hữu là một chế định quan trọng của luật dân sự của bất kỳ quốc gia nào. Pháp luật Việt Nam cũng quy định rất rõ về chế độ tài sản và các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu tài sản, trong đó có thể áp dụng chế tài hình sự.

Nếu người nào cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì hành vi này là nguy hiểm cho xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Trong trường hợp hành vi hủy hoại tài sản vì lý do công vụ của người bị hại là tính tiết định khung tăng nặng hình phạt theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 143 BLHS.

Trong trường hợp người có hành vi bắt giữ người trái pháp luật mà tụ tập đông người, phá hoại tài sản, nếu người nào tham gia hò hét, cổ động gây huyên náo, dù không bắt giữ người khác, không đập phá tài sản thì cũng vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 245 BLHS.

Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được quy định cụ thể, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội...

Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không để xử lý theo quy định.

Như vậy, một sự việc có dấu hiệu của tội Bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản thì việc khởi tố vụ án là cần thiết, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hiện nghiêm kỷ cương phép nước.

Ảnh minh họa

- Xin ông có thể cho biết, trong trường hợp người bị hại có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị xử lý như thế nào?

Sau khi ra quyết định khởi tố vụ án, cơ quan điều tra sẽ tiến hành các hoạt động điều tra để làm rõ nguyên nhân, động sơ, hành vi, hậu quả của vụ việc và đối với hành vi của từng người, từng bên có liên quan để có những hình thức xử lý cho phù hợp.

Theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật thì bất cứ phía chính quyền hay công dân sai trái, vi phạm pháp luật thì đều cần phải được làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật để đảm bảo pháp chế và đảm bảo nguyên tắc bình đẳng.

Với những người mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp, vai trò thứ yếu thì có thể xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 25 Bộ luật hình sự.

Còn đối với những người có sai phạm nghiêm trọng, những người chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực gây hậu quả xấu cho an ninh trật tự, an toàn xã hội thì cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vì vậy, nếu cơ quan tố tụng không xử lý vụ việc có dấu hiệu phạm tội bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản thì người có thẩm quyền của cơ quan này cũng sẽ bị xem xét theo Điều 294 BLHS.

Cũng cần nói thêm là với các tội danh như tội bắt giữ người trái pháp luật, tội hủy hoại tài sản, tội gây rối trật tự công cộng thì không thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại.

Vì thế nếu người bị hại không có đơn hoặc rút đơn thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng vẫn xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.

Trong quan hệ pháp luật hành chính, pháp luật hình sự cũng không cho phép thỏa thuận để miễn trừ trách nhiệm pháp lý. Vì vậy, thỏa thuận giữa cơ quan hành chính, người đứng đầu cơ quan hành chính với những người vi phạm cũng không phải là căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Xin cảm ơn luật sư!

Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 có quy định tại Điều 294 về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội như sau:

1. Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng;

b) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Nhật Anh

VNM.PLXH

Từ khóa: