Dù không phải cứ lập Ban chỉ đạo là xoay chuyển ngay được tình hình như "một chiếc đũa thần" (lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng), song việc đặt Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị là một sự thay đổi hợp lý.
Dù không phải cứ lập Ban chỉ đạo là xoay chuyển ngay được tình hình như "một chiếc đũa thần" (lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng), song việc đặt Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị là một sự thay đổi hợp lý.
Đó là quan điểm của một số chuyên gia về mô hình cơ quan phòng, chống tham nhũng (PCTN), vừa được Trung ương quyết định đặt trực thuộc Bộ Chính trị; đồng thời lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của BCĐ Trung ương về PCTN.
Tránh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng đây là sự thay đổi sáng suốt và tích cực. “Đối với chúng tôi thì điều này không có gì ngạc nhiên, vì trước đây, chúng tôi đã gửi công văn tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khi Quốc hội đang thảo luận Luật Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí - PV), cho rằng cần phải có Ban Chỉ đạo PCTN, nhưng dứt khoát không phải do cơ quan hành pháp thực hiện. Nhưng đề nghị này khi đó đã không được chấp thuận”, ông Hùng nói và cho rằng việc chuyển đổi mô hình từ trực thuộc Chính phủ sang thuộc Bộ Chính trị là phù hợp với quy luật quản lý, tránh được tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
|
Việc đặt BCĐ phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị sẽ tránh được tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi". Trong ảnh: Hội nghị biểu dương cá nhân điển hình phòng chống chống tham nhũng toàn quốc năm 20010. Ảnh: Mỹ Hà.
|
Mặt khác, việc đưa Ban Chỉ đạo PCNT về Bộ Chính trị, nói chung là trực thuộc Đảng, có một yếu tố hợp lý nữa vì hiện nay, hầu hết những người có cơ hội tham nhũng đều rơi vào những người có chức có quyền và đa phần họ là Đảng viên. Vì thế, Đảng chỉ đạo, điều hành lực lượng của mình, giám sát lực lượng của mình là hợp lý. Bên cạnh đó, việc chuyển Ban Chỉ đạo PCTN như vậy sẽ tạo điều kiện để Chính phủ hoạt động tốt hơn bởi với cơ chế như cũ, sẽ rất khó cho những người thực thi, do nó trái với quy luật tự nhiên. Các đảng viên, thành viên của Chính phủ sẽ dành toàn bộ thời gian vào việc điều hành kinh tế - xã hội. “Bên cạnh đó, cũng luôn có một người khách quan đứng ngoài giám sát, nhắc nhở, bảo vệ mình để mình không mắc sai lầm và như vậy, hiệu quả PCTN sẽ lớn hơn”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Ngô Hai, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đồng tình với việc chuyển Ban Chỉ đạo PCTN trực thuộc Bộ Chính trị là hợp lý. “Trước khi thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tôi đã đề xuất hai phương án: một là trực thuộc Đảng, hai là thuộc Quốc hội chứ không nên để trực thuộc Chính phủ vì đối tượng tham nhũng chính là cán bộ, quan chức thuộc cơ quan hành chính của Nhà nước. Để như vậy là rất vô lý”, ông Hai nói và cho rằng vấn đề còn lại hiện nay là phương pháp làm việc của Ban Chỉ đạo này như thế nào. Nếu không độc lập, không lắng nghe dân thì cũng sẽ khó phát huy hiệu quả. Phải tạo ra các kênh thông tin, để nắm được thông tin xác thực, đặc biệt là từ quần chúng nhân dân.
Cần cơ chế hoạt động độc lập
Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, dù trực thuộc tổ chức nào thì Ban Chỉ đạo PCTN vẫn phải có sự đan xen, phối hợp nhịp nhàng, hài hòa giữa các tổ chức Đảng và Nhà nước mới có thể hợp thành sức mạnh tổng lực để chống lại tham nhũng. Nếu Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị và Tổng bí thư là Trưởng Ban thì vẫn phải định kỳ báo cáo Quốc hội theo luật định. Tới đây, trong khi thiết kế, xây dựng cơ chế, chức năng, quyền hạn nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, một phần không thể thiếu là sự giám sát của Quốc hội. Về bộ máy cơ quan PCTN cấp địa phương, ông Hùng cho rằng, nên để đích thân Bí thư tỉnh thư tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo, đồng thời có sự tham gia chặt chẽ của Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh. Như thế, bộ máy cơ quan PCTN sẽ gọn nhẹ.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng cho rằng, PCTN thật ra cũng là một nội dung quan trọng trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, quyết định về mặt tổ chức mới chỉ là một phần. Theo ông Hương, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận tại sao từ trước tới nay vẫn hô hào quyết tâm PCTN mà tham nhũng vẫn phát triển; Có phải cơ chế, chính sách lỗi thời nên tạo ra tham nhũng hay không? Nếu đúng thế thì phải thay đổi cơ chế, chính sách đồng bộ với việc PCTN thì cuộc chiến chống tham nhũng may ra mới khả quan được.
“Khi tham nhũng trở thành đại hoạ của đất nước, ảnh hưởng tới vận mệnh của quốc gia thì Đảng phải gánh vác trọng trách nặng nề này, phải chỉ đạo, lãnh đạo cuộc chiến PCTN. Đảng viên phải là người đi đầu trong công cuộc PCTN”, Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
|
Mạnh Đồng
Theo Baodatviet