Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Hữu Thuyên về tội ngược đãi con.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Hữu Thuyên về tội ngược đãi con.
Đồng thời, Thuyên còn bị tạm giam 2 tháng để phục vụ công tác điều tra. Hiện tình trạng sức khỏe của Thuyên bình thường và tỉnh táo khi trả lời cơ quan điều tra. Thiếu tá Phạm Quang Hoành, Đội trưởng Đội Tổng hợp (Công an huyện Sóc Sơn) cho biết.
Bé Thúy sẽ được điều trị miễn phí về tâm lý và hỗ trợ chi phí
đi lại nếu có sự hợp tác của người mẹ.
Huyện nói một đằng, xã nói một nẻo?
Cũng theo Thiếu tá Phạm Quang Hoành, Thuyên là đối tượng đã có tiền án tiền sự. Năm 1995, Thuyên bị phạt 78 tháng tù giam về tội cướp tài sản.
Năm 2004, sau lần đánh con gái bị chấn thương ở tay, Công an huyện đã lập hồ sơ cho đi giáo dục tại cơ sở địa phương rồi cho về. Nhưng đến năm 2006, Nguyễn Hữu Thuyên không tiến bộ, vẫn tiếp tục tái diễn bạo hành với con. Công an huyện đã lập hồ sơ khởi tố bị can về tội ngược đãi con. Thuyên bị xử 12 tháng tù treo và 24 tháng thử thách.
Trả lời câu hỏi của PV về việc tại sao Công an huyện từng khởi tố vụ án năm 2006, trong khi chính quyền địa phương xã Đức Hòa lại nhất mực cho rằng chuyện Thuyên bạo hành với con gái đã "ngủ yên" từ năm 2004 tới nay, Thiếu tá Phạm Quang Hoành cho biết: "Đồng chí Hưng - Trưởng công an xã Đức Hòa mới được bổ nhiệm nên không nắm rõ được vụ việc".
Cũng theo thông tin từ Thiếu tá Hoành, hiện công an đang tiến hành điều tra, củng cố hồ sơ vụ án. Thời gian tới, cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác định hành vi bạo lực của Thuyên; giám định tỷ lệ thương tật của cháu Thúy. Ông Hoành cũng khẳng định cơ quan Công an cũng sẽ phối hợp với Báo GĐ&XH để cung cấp thông tin kịp thời tới dư luận.
Trước câu hỏi của PV về việc có thể cũng giống như lần trước, mẹ cháu Thúy có đơn xin cho đối tượng nên Thuyên được miễn truy tố hình sự, chỉ bị quản lý giáo dục tại địa phương, Thiếu tá Hoành cho biết: Đơn của gia đình là một yếu tố xem xét trong quá trình khởi tố bị can, không phải là quyết định.
Cần sự hợp tác của mẹ để giúp đỡ cháu Thúy
Gia cảnh của cháu Thúy hiện nay rất khó khăn. Mấy năm nay, Nguyễn Hữu Thuyên bị bệnh nên kinh tế gia đình chủ yếu trông vào gánh đồng nát của chị Miện vợ Thuyên. Gia đình Thuyên thuộc diện hộ nghèo, được xã cho vay vốn để chăn nuôi, được miễn giảm toàn bộ học phí cho con cái khi đi học... Cũng chính vì kinh tế khó khăn mà tai cháu Thúy bị viêm đến chảy mủ, có thể bị điếc nhưng chưa một lần nào được đưa đi bệnh viện kiểm tra.
Ngày 19/6, bà Lê Thị Mai Quyên, Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, cơ quan này sẽ hỗ trợ điều trị miễn phí về tâm lý và chi phí đi lại cho cháu Thúy. Đường dây sẽ liên hệ với Ngôi nhà bình yên để bố trí chỗ ăn ở cho cháu, vì đây là nạn nhân của bạo lực gia đình. Tuy nhiên, theo bà Quyên, hiện tại việc kết nối để giúp đỡ cháu Thúy đang bị "tắc" vì chưa nhận được sự phối hợp của Phòng LĐ,TB&XH huyện Sóc Sơn. "Chúng tôi chỉ có thể kết nối, giúp đỡ cháu Thúy khi có sự hỗ trợ của "ngành dọc", cụ thể ở đây là Phòng LĐ,TB&XH huyện Sóc Sơn. Khi chúng tôi đặt vấn đề thì Phòng trả lời rằng họ đang đợi kết quả của cơ quan điều tra", bà Quyên cho biết.
Một việc khác, giúp đỡ cháu Thúy từ phía Đường dây cũng gặp khó vì chưa nhận được sự hợp tác từ phía gia đình nạn nhân. Mẹ cháu Thúy vẫn coi việc bạo hành của chồng với con gái là... chuyện bình thường.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thúy, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Thông tin tư liệu về bạo lực giới (thuộc SAGA), để giúp đỡ, bảo vệ cháu Thúy trong lúc này việc đầu tiên là phải tư vấn làm thay đổi nhận thức của bà mẹ. Nếu chính quyền, đoàn thể địa phương không làm được thì nên giới thiệu lên cấp cao hơn. "Trung tâm chúng tôi sẵn sàng tư vấn miễn phí nếu địa phương đề nghị giúp đỡ. Hiện tại cháu Thúy cần phải được ổn định về tâm lý, bởi cháu không chỉ là người bị hại mà còn là nhân chứng trong vụ án bạo lực gia đình này", bà Thúy cho biết.
Bạo lực sẽ tinh vi hơn nếu sống chung
Bà Nguyễn Thị Thu Thúy, Giám đốc Trung tâm tư vấn và Thông tin tư liệu về bạo lực giới cho hay, khi kẻ gây ra bạo lực và người bị hại sống trong một nhà, bạo lực gia đình có thể diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi hơn, làm tổn thương trầm trọng hơn.
Thực tế, cháu Thúy bị đánh nhiều đến mức trơ lì cảm xúc. Lúc chúng tôi gặp cháu ở đầm tôm, khi nghe câu chuyện của cháu Thúy kể, lòng chúng tôi quặn thắt. Cả mấy đứa trẻ chăn bò chứng kiến Thúy kể cũng đã không nén nổi thương tâm. Các cháu mắt đỏ hoe rồi nhìn nhau hỏi "sao lại có người bố dã man đến như vậy!". Nhưng điều lạ là, Thúy kể lại những câu chuyện đó bằng một giọng tỉnh queo, không cảm xúc. Dường như Thúy đã mất đi những phản ứng bản năng nhất của một đứa trẻ...
Võ - Thuận - Hưng (theo Giadinh)