Sau nhiều thập kỷ tiến hành nghiên cứu và phân tích mẫu thiên thạch Allende từng rơi xuống khu vực thuộc bang Chihuahua, miền Bắc Mexico vào năm 1969, các nhà khoa học đã phát hiện ra loại khoáng chất hoàn toàn mới với tên gọi panguite.
Sau nhiều thập kỷ tiến hành nghiên cứu và phân tích mẫu thiên thạch Allende từng rơi xuống khu vực thuộc bang Chihuahua, miền Bắc Mexico vào năm 1969, các nhà khoa học đã phát hiện ra loại khoáng chất hoàn toàn mới với tên gọi panguite.
Panguite được cho là một trong những khoáng vật lâu đời nhất trong hệ mặt trời, có niên đại khoảng 4,5 tỷ năm. Thuộc nhóm vật liệu chịu lửa, panguite nhiều khả năng hình thành dưới điều kiện vô cùng khắc nghiệt với nền nhiệt độ rất cao của hệ mặt trời buổi sơ khai.
Panguite – khoáng vật mới được tìm thấy trong mẫu thiên thạch Allende.
(Ảnh: Caltech/Chi Ma)
Hiệp hội Khoáng vật học Quốc tế đã phê chuẩn và công nhận khoáng vật mới này dưới cái tên Pan Gu – vị thần trong thần thoại Trung Quốc có công tạo ra thế giới bằng cách chia tách âm – dương, hình thành trái đất và bầu trời.
Sử dụng kính hiển vi điện tử quét (SEM), các nhà khoa học nhận thấy thành phần hóa học và cấu trúc tinh thể của panguite hoàn toàn mới. “Phát hiện này đặc biệt thú vị vì nó là loại vật liệu mà trước đó người ta chưa bao giờ biết đến”, Chi Ma, nhà khoa học cấp cao tại Caltech, phát biểu trên số ra tháng 7 của tạp chí American Mineralogist.
Thiên thạch Allende thuộc nhóm chondrit cacbon lớn nhất được tìm thấy trên Trái đất, là loại thiên thạch nguyên thủy hiếm còn sót lại từ buổi ban đầu hình thành hành tinh, có thể có nguồn gốc từ một hành tinh nhỏ nằm ở giữa quỹ đạo sao Hỏa và sao Mộc.
Nghiên cứu panguite cũng như các thành phần khác của thiên thạch Allende góp phần cung cấp những hiểu biết về nguồn gốc của hệ mặt trời, Chi Ma cho biết. Trên thực tế, nhóm chuyên gia đã phát hiện được 9 khoáng vật mới, bao gồm panguite, trong mẫu đá vũ trụ Allende.
Theo Datviet, Livescience