Khi mẹ bận rộn và vẫn muốn chăm con một cách chu toàn, lại giúp con tự trèo lên ghế và xúc ăn vui vẻ, học thêm được nhiều kỹ năng mới, hãy cho con ăn dặm theo phương pháp BLW.
Những món ăn chị Thu Thủy chế biến cho con đều rất đơn giản vì chị không có nhiều thời gian để làm những món cầu kỳ. Vì thế, chị khuyên rằng, với những người mẹ bận rộn như chị có thể tham khảo những món ăn đủ chất, đủ màu sắc bắt mắt và chịu khó trang trí một chút, con sẽ vui vẻ và hợp tác cùng mẹ.
Cho con quyền tự chủ khi ăn uống ngay từ đầu
Chị Thu Thủy chia sẻ về lý do chọn phương pháp BLW cho con ăn dặm: “Điều mình thích ở BLW nhất đó là bé khá tự lập trong ăn uống và mẹ cũng rất nhàn trong việc cho con ăn. Mẹ không áp lực nặng nề về vấn đề ăn uống của con. Bé làm quen thức ăn cũng rất nhanh. Phân biệt thích ghét rất nhanh.
Ví dụ bé rất thích ăn cam, mình đưa 2 miếng 1 miếng cam và 1 miếng đu đủ bé sẽ chọn miếng cam, hoặc bé sẽ tỏ thái độ rất quyết liệt. Còn món bé không thích hoặc cho bé ăn quá nhiều bé sẽ ngán không muốn ăn nữa thì khi nhìn thấy nó, hoặc phát hiện nó bằng vị giác, sau đó làm thinh với miếng đó và không thèm để ý tới nữa.
Cho con ăn BLW thì các giai đoạn tập thìa dĩa cho bé cũng nhanh hơn. Thường thì mình sẽ lên thực đơn trước 2 tuần, sau đó sẽ rà soát lại các món được và không được. Cuối cùng chốt lại và in ra dán dưới bếp”.
Chị Thu Thủy bên con gái nhỏ của mình.
Kinh nghiệm sau một thời gian cùng con ăn dặm theo phương pháp BLW của chị Thu Thủy đó là, thường xuyên dành thời gian học hỏi các mẹ đi trước, đồng thời đọc sách thật kỹ. Bên cạnh đó, chị luôn quan sát phản ứng của con xem có thực sự hợp với phương pháp này hay không.
Chị Thu Thủy cho biết: “Mình nghĩ thành công của BLW một phần là do mẹ thật sự hiểu bé và quan sát bé trong suốt quá trình ăn dặm. Vì mình được biết là vẫn có một số bé không hợp với phương pháp này nên nhiều mẹ thấy phương pháp này hay, bé ăn tốt rồi cứ theo nhưng đến khi thực hành nó lại không giống như trong mơ, không giống như suy nghĩ của mẹ lúc ban đầu, khiến mẹ dễ nản và bỏ cuộc giữa chừng".
Không ép con ăn khi bé không muốn ăn
Những giai đoạn biếng ăn sinh lí, giai đoạn phát triển kĩ năng, wonder weeks..., bé sẽ lười ăn và không hợp tác. Nếu như mẹ không hiểu con mình thì giai đoạn này sẽ rất dễ nản và bỏ cuộc. Vậy nên chị Thu Thủy khuyên những mẹ nào chuẩn bị cho con ăn dặm và nhất là ăn dặm BLW thì nên tìm hiểu quá trình tâm lí của bé, đặc biệt là quan sát theo dõi và thật sự hiểu con mình để khi bước vào giai đoạn ăn dặm hai mẹ con không bị áp lực và bỏ cuộc giữa chừng.
Có một số bé đã sẵn sàng ăn dặm từ 5 tháng rưỡi - 6 tháng. Nhưng có bé đến 8 tháng vẫn nhởn nhơ và không hứng thú với đồ ăn nên mẹ cũng đừng sốt ruột. Dưới 1 tuổi sữa vẫn là quan trọng nhất đối với bé nên mẹ đừng ép con phải ăn được nhiều trong giai đoạn này rất dễ stress cho cả mẹ lẫn con.
Vì bé ăn thô từ đầu nên chị Thu Thủy bắt đầu cho con ăn thịt cá trắng từ tháng thứ 7. Đến tháng thứ 8 chị cho con làm quen với thịt đỏ. 8,5 đến 9 tháng bắt đầu làm quen với cơm. Đến thời điểm hiện tại, món yêu thích của bé là cơm trộn trứng ăn với canh rau muống.
Mỗi bữa ăn là một trải nghiệm thú vị của con.
Chế biến đồ ăn càng đơn giản càng tốt
Quan điểm khi chế biến đồ ăn cho con của chị Thủy đó là, càng đơn giản càng tốt để bé thoải mái và “dễ tính” trong việc ăn uống ngay từ nhỏ. Nhà ăn gì bé sẽ ăn nấy. Tuy nhiên, khi chế biến đồ ăn cho cả nhà, chị Thủy thường không nêm nếm để phần cho con trước khi chế đúng vị cho cả nhà.
Để có được thành công ban đầu khi cho con ăn dặm, chị Thu Thủy được cả hai bên nội ngoại ủng hộ, tự quyết định trong việc chăm con. Hiện tại, bé hơn 1 tuổi và đã tự xúc thìa được và ăn uống rất nề nếp. Mỗi khi đến giờ ăn, chị Thủy thưởng bảo "măm măm" và chỉ vào ghế để con biết là đến giờ ăn. Từ khi bé 6 - 7 tháng, chị thường bế bé ngồi vào ghế vào nói măm măm. Vì thế, hành động lặp đi lặp lại này cho bé thói quen, mỗi khi mẹ nói măm măm là con biết đến giờ ăn sẽ tự ngồi vào ghế ngay ngắn.
Bé tự xúc ăn và ngồi vào ghế khi mẹ nói "măm măm".
Hãy để con được đói
“Muốn con ăn ngon miệng thì nên để con được đói. Bản năng sinh tồn của các bé ghê lắm nên cứ để bé thật đói bé sẽ đòi ăn, không nên nhồi nhét thức ăn quá vì như vậy sẽ gây cho bé tâm lí sợ ăn, sợ thức ăn, sợ phải ngồi vào bàn ăn. Mẹ không nên mất bình tĩnh, sốt ruột vì con không ăn được gì sợ con đói lại tìm đủ mọi cách cho bé ăn như đi rong, xem tivi, ipad,... rồi dần dà thành thói quen bé sẽ có những đòi hỏi cao hơn. Rồi mẹ lại phải đau đầu stress vì con mình sao cứ biếng ăn.
Tuy có những lúc bé rơi vào giai đoạn khủng hoảng, giai đoạn phát triển kĩ năng… khiến bé vô cùng biếng ăn thì mình vẫn không ép bé, bé ăn được bao nhiêu thì ăn, bé không muốn ăn nữa thì mình dọn thức ăn đi và chờ tới bữa kế tiếp giới thiệu thức ăn với bé”, chị Thu Thủy đưa ra lời khuyên.
Ngoài ra, chị Thu Thủy luôn tự tay chế biến những món ăn đảm bảo vệ sinh, nguồn gốc rõ ràng cho con. Chị thường tránh những thức ăn đóng hộp, các chế phẩm công nghiệp, bột ngọt, bột mặn… vì theo chị đây cũng là một trong những nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ.
Tham khảo thêm thực đơn ăn dặm đơn giản dễ làm của chị Thủy dành cho con:
Mỹ Anh - (Ảnh NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi