Với hơn 4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành ngân hàng sẽ dùng 3.217 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8% (tức 1 cổ phiếu được nhận 800 đồng).
Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) vừa thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2019.
Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt là 4/1/2021. Ngày thanh toán là 3/2/2021. Với hơn 4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành ngân hàng sẽ dùng 3.217 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8% (tức 1 cổ phiếu được nhận 800 đồng).
Sau khi chia cổ tức và trích các quỹ, lợi nhuận còn lại là hơn 2.073 tỷ đồng, BIDV sẽ sử dụng để chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Về kết quả kinh doanh, luỹ kế 9 tháng, nguồn thu chính sụt giảm 4% về mức 25.232 tỷ đồng. Tương tự lãi thuần hoạt động khác cũng giảm 22% về còn 2.813 tỷ.
Đáng chú ý, BIDV ghi nhận hơn 1.008 tỷ lãi thuần từ chứng khoán đầu tư, trong khi cùng kỳ âm 266 tỷ đồng.
Thêm vào đó, lãi thuần từ ngoại hối vàng tăng 16% lên 1.254 tỷ đồng; mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 83% lên 479 tỷ đồng; lãi thuần từ dịch vụ tăng 21% lên 3.667 tỷ đồng.
Kỳ này, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm nhẹ 2% về 16.119 tỷ đồng. Tuy vậy, lãi ròng của BIDV vẫn không hề tăng trưởng mà dậm chân tại chỗ với 5.501 tỷ đồng.
BIDV đã thực hiện được 56% so với kế hoạch 12.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 sau 9 tháng.
Tổng nợ xấu của BIDV tính đến ngày 30/9 tăng 16% so với đầu năm, chiếm 22.526 tỷ đồng. Trong đó nợ nghi ngờ tăng 15% và nợ có khả năng mất vốn tăng 16%, trong khi nợ dưới tiêu chuẩn giảm 15%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của BIDV tăng từ mức 1,75% đầu năm lên 1,97%.
Lan Anh
Theo KTDU