Sự kiện hot
3 năm trước

'Biến đổi khí hậu' tại các ngân hàng trung ương

Qua nghiên cứu mạng lưới Xanh hóa Hệ thống Tài chính, Isabelle Mateos Y Lago thấy rằng hiện tại, ý tưởng các ngân hàng trung ương nên kết hợp nghiên cứu về khí hậu vào trong những chính sách của họ, đã đi từ một khái niệm có vẻ cấp tiến sang điều giống như lẽ thường.

Ngày nay gần như ở khắp mọi nơi, tại các tòa soạn, trong các tuyên ngôn công ty, trên các nghị trình của chính phủ, vấn đề biến đổi khí hậu đã chuyển từ cánh gà vào trung tâm sân khấu. Các ngân hàng trung ương, sau một thời gian dài đứng bên lề, gần đây đã bắt đầu đóng vai chính.

Kêu gọi đưa rủi ro khí hậu vào chính sách mua trái phiếu doanh nghiệp

Ví dụ, Ngân hàng Trung ương Anh quốc BOE vừa trở thành ngân hàng đầu tiên đưa vào chính sách hối khoản một bản tham khảo để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải ròng (net-zero carbon emission - cam kết đạt được sự cân bằng giữa lượng khí nhà kính phát sinh ra và lượng khí đào thải được khỏi khí quyển bằng phương pháp tự nhiên hoặc nhân tạo).

Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB cũng đang thảo luận về việc làm thế nào để đưa những cân nhắc về khí hậu vào chính sách tiền tệ của mình (chứ không đơn thuần là có làm điều này hay không). Và mạng lưới Xanh hóa Hệ thống Tài chính (NGFS - Network for Greening the Financial System), một nhóm gồm các ngân hàng trung ương và giám sát tài chính toàn cầu, đã tăng gấp đôi số thành viên của mình trong 2 năm qua. Tính tới 19/3/2021, mạng lưới này đã có 89 ngân hàng trung ương cùng với 13 quan sát viên tham gia.

ngfs01meeting

Thành viên cấp cao của NGFS nhóm họp vào năm 2018. Chỉ 2 năm sau, số thành viên của tổ chức này đã tăng lên gấp đôi. Ảnh: NGFS.

Một sự thay đổi nhanh chóng như vậy chắc chắn sẽ kéo theo những cuộc tranh luận sôi nổi cần thiết. Nhưng tiền đề tổng thể cho sự thay đổi là những hành động cẩn thận, chính xác, đầy đủ và hoàn chỉnh. Nếu không, rủi ro lớn hơn là các ngân hàng trung ương vẫn hành động quá ít hơn là can thiệp quá nhiều đối với vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong vài năm qua, giữa các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương đã xuất hiện sự đồng thuận về những rủi ro khí hậu đối với sự ổn định tài chính. Cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS cho thấy: trong năm 2018, chỉ có 4 thống đốc ngân hàng trung ương có bài phát biểu về tài chính xanh, thì đến 2020 con số này là 13 người. Và hiện tại, theo nghiên cứu của Blackrock, có gần một nửa số thành viên NGFS đã đánh giá những rủi ro về khí hậu, cùng với hơn 1/10 thành viên đã thực hiện những bài kiểm tra căng thẳng khí hậu.

Hoạt động đầu tư của các ngân hàng trung ương đã diễn ra theo đúng quy trình. Gần 60% ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển, hiện đầu tư dựa vào các tiêu chuẩn bao quát môi trường, xã hội và quản trị . Và các ngân hàng trung ương trong Eurosystem đã đồng ý với một quan điểm chung về các khoản đầu tư liên quan tới khí hậu trong các danh mục chính sách phi tiền tệ.

Cuối cùng, ngay cả bản thân chính sách tiền tệ cũng đã bắt đầu đứng thành hàng với những vấn đề khí hậu. Cuối năm ngoái, ngân hàng Thụy Điển Riksbank đã công bố chính sách loại trừ mới liên quan đến khí hậu. Tương tự, BOE dự kiến sẽ trình bày cuối năm nay cách tính tác động khí hậu với những trái phiếu doanh nghiệp mà mình nắm giữ.

Một số người ra quyết định trong ECB đã kêu gọi đưa rủi ro khí hậu vào chính sách mua trái phiếu doanh nghiệp cùng tài sản thế chấp. Và NGFS vừa công bố hướng dẫn kỹ thuật để "điều chỉnh các hoạt động của ngân hàng trung ương với một thế giới đang nóng lên".

ngfs02BOEg

Ngân hàng Trung ương Anh quốc là ngân hàng đầu tiên đưa vào chính sách hối khoản một bản tham khảo để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải ròng. Ảnh: Limitmarkets

3 nguyên nhân tạo sự thay đổi

Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi này và tất cả đều hợp logic. Thứ nhất, gần 130 chính phủ trên khắp thế giới đã cam kết cắt giảm lượng lớn khí thải carbon dioxide trong những thập kỷ tới. Trong khi các chính sách để đạt được điều này vẫn chưa được cụ thể hóa một cách đầy đủ, tiền đề cho thấy sự thay đổi có ý nghĩa sẽ xảy ra không còn đơn thuần là một hành động chỉ dựa vào niềm tin.

Việc các ngân hàng trung ương đưa những cân nhắc về khí hậu vào trong các hoạt động của mình sẽ không còn bị cáo buộc là bị chính phủ điều hành hay do biết trước các quyết sách của chính phủ. Và khi nhiệm vụ của ngân hàng trung ương bao gòom việc hỗ trợ các chính sách kinh tế của nhà nước, thì thuyết bất khả tri (hay trong thuật ngữ của ngân hàng trung ương là tính trung lập của thị trường) sẽ ngày càng không thể đứng vững nếu nó mâu thuẫn với những cam kết chính thức về khí hậu.

Thứ 2, trường hợp kết hợp biến đổi khí hậu vào mô hình kinh tế vĩ mô và các quyết định đầu tư chưa bao giờ trở nên mạnh mẽ như hiện tại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng trở nên thường xuyên hơn và tác động của chúng tới tăng trưởng và lạm phát ngày càng rõ ràng hơn.

Hơn nữa, khi các kế hoạch chính sách hình thành, sự không chắc chắn xung quanh những kịch bản tác động của khí hậu trong những thập kỷ tới đã trở nên dễ xử lý hơn. Dữ liệu liên quan đến khí hậu đã được cải thiện rất nhiều về số lượng và chất lượng, và sự sẵn có của những công cụ và chiến lược đầu tư có quan tâm đến khí hậu đã tăng lên đáng kể. Những báo cáo mới xuất hiện chỉ ra rằng chúng có khả năng thúc đẩy sự bền vững của các danh mục đầu tư mà không phải hy sinh lợi nhuận. Theo đó, phần lớn các tổ chức đầu tư trên toàn cầu hiện coi tính bền vững là yếu tố cơ bản trong chiến lược đầu tư của họ.

Lý do thứ 3 cho lập trường mới của các ngân hàng trung ương là sự thừa nhận ngày càng gia tăng rằng chỉ có sự ủng hộ tích cực thôi là chưa đủ. Để có tác động lớn hơn, họ phải dẫn đầu làm gương. Điều này đòi hỏi sự minh bạch hơn về mức độ tiếp xúc của chính họ với những rủi ro liên quan đến khí hậu và cách thức những rủi ro đó được mô hình hóa và định giá. Đổi lại, những nhà phát hành có sự phản ánh thông tin đầy đủ dữ liệu hơn và tốt hơn sẽ được các ngân hàng trung ương chọn để nắm giữ tài sản.

Như vậy, các ngân hàng trung ương có thể sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tốc độ mà các rủi ro liên quan đến khí hậu được định giá trong hệ thống tài chính. Có những rủi ro xuất hiện quá chậm hay quá nhanh. Vì vậy, thiết lập một con đường rõ ràng phía trước là một điều cần thiết.

ngfs03postcovid

Trong và sau COVID-19, NGFS vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp những nghiên cứu về biến đổi khí hậu vào trong chính sách của những ngân hàng trung ương. Các thành viên của tổ chức này coi tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành tài chính không khác gì so với tác động của đại dịch. Ảnh: IHS Markit.

Điều đó nói lên rằng, sự chuyển đổi của các ngân hàng trung ương đối với nguyên nhân gây biến đổi khí hậu vẫn còn trong trứng nước. Nhiều ngân hàng trung ương vẫn chưa tham gia NGFS, chưa nói đến việc lồng ghép biến đổi khí hậu một cách có ý nghĩa vào trong những hoạt động của họ.

Phần lớn các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi vẫn chưa tham gia hoạt động này. Và, trên toàn cầu, BOE là ngân hàng trung ương duy nhất đã ban hành một tuyên bố phù hợp với những khuyến nghị đúng đắn nhất của Lực lượng Đặc nhiệm về Công khai Tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD), dù các ngân hàng trung ương trong Eurosystem đã cam kết làm việc này trong vòng 2 năm.

Các ngân hàng trung ương cảnh giác một cách dễ hiểu trước sự khó khăn của sứ mệnh và những kỳ vọng cao chỉ có thể đáp ứng được bằng cách dựa vào những chính phủ. Tuy nhiên, công việc của NGFS và các hành động của những thành viên dẫn đầu cần chứng minh cho các ngân hàng trung ương khác thấy rằng: nhiệm vụ của họ không chỉ là cho phép mà trên thực tế đòi hỏi biến đổi khí hậu phải được đưa vào trong các hoạt động của mình.

Rất nhiều thách thức vẫn còn đó với hoàn cảnh của từng đất nước khác biệt nhau. Nhưng, đó không phải là lý do bào chữa cho việc không hành động gì. Khả năng ứng phó của các ngân hàng trung ương với những rủi ro về biến đổi khí hậu vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Tiệp Nguyễn
Theo Nhà đầu tư

Từ khóa: