Sự kiện hot
13 năm trước

Biến nét dân dã thành sản phẩm du lịch

Miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng đã tỏ ra rất nhạy cảm trong việc phát huy thế mạnh di sản để khai thác du lịch từ rất sớm.

Miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng đã tỏ ra rất nhạy cảm trong việc phát huy thế mạnh di sản để khai thác du lịch từ rất sớm.

Hơn thế nữa, nhiều địa phương ở sâu trong đất liền, tận các huyện trung du, miền núi xa xôi, cách trở về giao thông cũng biết tự xây dựng các điểm, tour du lịch hấp dẫn để thu hút du khách, khai thác du lịch hiệu quả.

Những sản phẩm du lịch độc đáo đôi khi chỉ là nét dân dã, nhà quê rất đỗi bình dị...

Nét hoang sơ, bình dị của các bản làng Cơ Tu ở Quảng Nam rất thu hút du khách. Ảnh: Thanh Hải

Du khách không ngại xa

Những ngày đầu năm dương lịch, miền Trung còn chìm trong tiết trời lạnh giá, mưa lâm thâm kéo dài. Giao thông trắc trở, đặc biệt là đường đến với các huyện miền núi cao. Thế nhưng, có một nhóm “phượt” với 20 người đã đến tận làng AUR khuất lấp trên dãy Trường Sơn, thuộc xã A Vương, huyện miền núi cao Tây Giang, Quảng Nam. Hầu hết họ là sinh viên, nhân viên trẻ, đến từ các tỉnh, thành khác nhau từ Phú Yên vào đến TPHCM, Đồng Nai, Đà Nẵng và cả các tỉnh tận miền Tây Nam Bộ. Họ hẹn nhau trên diễn đàn phượt rồi tề tựu tại Đà Nẵng với phương tiện xe máy cá nhân để cùng chinh phục con đường tới làng AUR với cả 2 ngày đi bộ vượt rừng. Dù rất vất vả trong những ngày đường rừng trong mưa, song họ có được sự trải nghiệm “để đời”. Trần Anh Tuấn - một thành viên đến từ Đồng Nai - cho biết: “Bọn em thường săn lùng các bài báo trên Internet, tìm đến những nơi xa xôi hẻo lánh nhất của tổ quốc, nơi còn nguyên vẹn bản sắc văn hóa để rủ nhau tổ chức tham quan trong những dịp lễ, tết. Đây là những tour thật sự hấp dẫn không chỉ với du khách nước ngoài, mà rất thu hút giới trẻ trong nước”.

Thật ra, không phải đến bây giờ người dân các huyện phía tây Quảng Nam mới nghĩ đến việc khai thác du lịch. Thực tế, từ những năm đầu thế kỷ 20, nhiều huyện trung du, miền núi như Quế Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước và cả huyện miền núi cao Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang cũng đã xây dựng được các điểm, tour du lịch thật sự hấp dẫn. Không chỉ khai thác lợi thế là điểm di tích sẵn có như nhà cổ ở Tiên Phước, hồ đập thủy lợi ở Phú Ninh, hay di tích cách mạng Khu ủy khu 5 ở Nước Oa Trà My, Phước Gia, Hiệp Đức, suối mát Hòn Tàu của Quế Sơn... mà nhiều địa phương chỉ khai thác du lịch bắt đầu từ cái... trắng tay. Như Tây Giang, Nam Giang chỉ với các bản làng nghèo, nguyên sơ của đồng bào Cơ Tu giữa đại ngàn Trường Sơn đã thành sản phẩm du lịch thu hút khách.

Cần chuyên nghiệp hoá

Chính cuộc sống rất đỗi bình dị, vốn văn hóa truyền thống riêng có của vùng sơn cước cho đến những kiến trúc độc đáo trong xây dựng nhà cửa, bản làng..., thậm chí đến nhà mồ đã trở thành sản phẩm du lịch gây sự tò mò của du khách. Từ tháng 8.2011, Tổ chức Lao động quốc tế ILO đã triển khai dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam” với sự tài trợ của Chính phủ Luxembourg. Dự án sẽ kéo dài đến hết năm 2013, nhằm mục tiêu giảm nghèo cho các huyện phía tây của tỉnh, chú trọng chủ yếu vào các đối tượng phụ nữ, thanh niên và dân tộc thiểu số tại những huyện sâu trong đất liền thông qua phát triển du lịch của tỉnh Quảng Nam. Đây là cơ hội tốt để các địa phương phía tây Quảng Nam tổ chức tốt hoạt động khai thác du lịch. Dự án này có nhiều gói hỗ trợ thiết thực từ các hội thảo chuyên đề, phân tích sâu cho đến việc tổ chức các khóa đào tạo và hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương được chọn đầu tư. Mục đích chính nhằm cải thiện chương trình đào tạo du lịch và xây dựng năng lực cho các giáo viên trường dạy nghề, tăng cường sự liên kết và hợp tác du lịch giữa các công ty lữ hành nhằm thúc đẩy phát triển du lịch chuyên nghiệp hơn tại các huyện sâu trong đất liền.

Thanh Hải
Theo Lao dong

Từ khóa: