Ngày 12/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị đối thoại và kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
(Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN)
Qua đối thoại, có 16 ngân hàng thương mại trên địa bàn đã ký kết hỗ trợ trên 4.000 tỷ đồng cho 99 doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh phát triển trên các lĩnh vực cấp mức tín dụng mới, tăng hạn mức tín dụng, bảo lãnh và cho vay mới.
Trong số các ngân hàng trên, tiêu biểu như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Bình Định hỗ trợ 550 tỷ đồng cho 1 doanh nghiệp; Ngân hàng Ngoại thương hỗ trợ 415 tỷ đồng cho 3 doanh nghiệp; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ 255 tỷ đồng cho 6 doanh nghiệp…
Ông Phan Phú Hải, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định, cho biết việc các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hỗ trợ vốn tín dụng cho các doanh nghiệp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, tăng sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, giữ vững thị trường truyền thống, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm trên cơ sở đó để tái cơ cấu trong sản xuất.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Định Đỗ Xuân Lập cũng cho rằng việc hỗ trợ của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp lúc này rất có ý nghĩa trong điều kiện ngành sản xuất đồ gỗ của tỉnh có tín hiệu phục hồi và phát triển trở lại.
Tuy nhiên, qua thực tế hiện nay việc quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp vẫn còn những trở ngại, nhất là đối với những doanh nghiệp có đơn hàng lớn, có nhu cầu vay vốn tín dụng để phát triển, ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp (trước đó đã thế chấp và khoanh nợ) khiến doanh nghiệp không vay được vốn, dẫn đến mất cơ hội.
Ông Lập kiến nghị trên cơ sở dựa vào năng lực quản lý của doanh nghiệp và triển vọng phát triển của doanh nghiệp, ngân hàng có thể cho doanh nghiệp vay theo hình thức tín chấp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt khó vươn lên. Nếu được như vậy, doanh nghiệp mới có điều kiện giải dần vốn vay cũ để duy trì sản xuất phát triển.
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, cho biết thêm mặc dù tình hình kinh tế trong nước và trong tỉnh vẫn còn khó khăn, nhưng với sự năng động của các doanh nghiệp nên kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2014 của tỉnh ước đạt 320 triệu USD, đạt 47% kế hoạch năm và tăng 3,6% so với cùng kỳ; trong đó nhiều sản phẩm có xu hướng tăng như gỗ tinh chế đạt 105,7 triệu USD, tăng 10,7%; hải sản các loại đạt trên 31 triệu USD, tăng 22% và sản phẩm may mặc đạt 31,7 triệu USD, tăng 108,7% so với cùng kỳ năm trước.
Viết Ý
theo Vietnam+