Black Friday, hay còn gọi là ngày “Thứ Sáu đen tối” được ấn định vào thứ 6 đầu tiên sau ngày Lễ Tạ Ơn (một ngày lễ hàng năm được tổ chức chủ yếu tại Mỹ và Canada). Năm nay, Black Friday rơi vào thứ Sáu, ngày 23/11, và cũng như mọi năm, đây được coi là dịp để các nhà bán lẻ thu lời "khủng".
“Khi mùa mua sắm kéo dài, người ta sẽ chi tiêu nhiều hơn, và nền kinh tế đang khủng hoảng lúc bấy giờ sẽ nhận được một sự thúc đẩy cần thiết” – đó chính là ý tưởng hình thành nên sự ra đời của Black Friday.
Và lý thuyết này dường như đang thể hiện sự đúng đắn trong nhiều năm trở lại đây. Đơn cử như năm 2017, tại Mỹ, Adobe Analytics cho thấy doanh thu bán hàng trực tuyến Black Friday đạt 5,03 tỉ USD, tăng 16,9% so với 4,3 tỉ USD cùng thời điểm năm 2016.
Hiệu ứng của ngày Black Friday còn kéo dài sang ngày thứ hai tiếp sao đó, được gọi là ngày Cyber Monday. Năm 2017, Cyber Monday mang lại cho Mỹ doanh thu khoảng 6,6 tỉ USD, đạt mức tăng trưởng 16,5% so với năm 2016.
Cũng theo Adobe, với số doanh thu 3,34 tỉ USD vào cuối ngày, Black Firday năm 2016 đã tăng 21,6% so với năm trước. Riêng doanh thu mua bán trên điện thoại dịp này đạt 1,2 tỉ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo của Adobe dựa trên 22 tỉ lượt ghé thăm của người dùng đến các trang web của nhà bán lẻ, 80% các giao dịch đến từ top 100 các nhà bán lẻ tại Mỹ.
Doanh số bán hàng trong 3 ngày cuối tuần dịp Black Friday năm 2014 lên tới hơn 50 tỷ USD; trong đó, tivi, máy tính bảng là những mặt hàng bán chạy nhất.
Tại Việt Nam, Black Friday hay "Thứ Sáu đen tối" đang là một trào lưu đáng chú ý. Theo black-friday.global, số lượng hàng hóa bán ra tại Việt Nam trong ngày này tăng trưởng đến 145%, và mang lại những mức doanh thu lớn hơn nhiều cho các doanh nghiệp.
Trong vòng 5 năm gần đây, số lượng người tìm kiếm Black Friday trên Google tăng trưởng gấp đôi tại Việt Nam.
Người tiêu dùng lựa chọn cách mua sắm tại các cửa hàng online cũng như ở các cửa hàng bình thường (36%), khoảng 27% người tiêu dùng sẽ chỉ tìm khuyến mại tại các cửa hàng online và 36% người tiêu dùng giữ thói quen mua hàng tại cửa hàng bình thường. Sau 2 năm thì người sử dụng internet cũng tăng hơn 10% so với năm ngoái.
Trung bình mỗi người Việt Nam sẽ chi ra khoảng 3 triệu đồng cho ngày Black Friday - gần gấp 3 lần mức thu nhập cơ bản của người Việt.
Theo black-friday.global, năm 2018, số lượng người tham gia vào ngày Black Friday tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 44%. Ngoài ra, hiện các kênh bán hàng như Tiki, Lazada, Shopee…ngoài ăn theo Black Friday cũng luôn định kỳ ra các chương trình khuyến mãi vào các ngày cố định như 10/10, 11/11 và 12/12, với những mức giảm giá sâu của thương hiệu lớn.
Tuy nhiên, black-friday.global khuyến cáo người tiêu dùng cần tỉnh táo với việc lựa chọn các sản phẩm trong ngày giảm giá lớn nhất năm. Trên thế giới, không ít lần người tiêu dùng "khóc dở mếu dở" vì mua phải hàng kém chất lượng, hoặc có mức giảm giá không đáng kể.
Cụ thể, năm 2013, báo chí Mỹ phanh phui vụ Amazon rao giảm giá 40% với chiếc tivi Samsung 60-inch HDTV, từ mức giá ban đầu là 1.799,99 USD trong tháng 11, trong khi giá thực tế của sản phẩm trong tháng 10 chỉ là 997,99 USD.
Ghi nhận tại Hà Nội năm 2017, người tiêu dùng thường không kịp "săn" những món hàng giá rẻ, mà gặp phải tình trạng hết hàng giảm giá hoặc chỉ có những mặt hàng giảm giá không đáng kể.
Ngoài ra, cũng có những trường hợp nhiều đối tượng lợi dụng tâm lý muốn mua hàng tốt, giá rẻ nhân ngày Black Friday đã nhập nhiều hàng giả, hàng nhái về trà trộn với hàng thật bán với giá siêu rẻ, nhưng thực chất là giá đắt so với giá trị thực thu lợi bất chính.
Khánh Huy
Theo ĐSPL, Vietnammoi