Tại cuộc họp thường kì sáng 14/7, Bộ Công thương đã đưa ra những nhận định về việc tăng giá thịt heo liên tục trong thời gian qua.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cần xem xét một cách thận trọng việc thị trường quốc tế mua gom thịt heo là tốt hay xấu. Ông Hải cho rằng, mặc dù đây là tín hiệu tốt cho việc tiêu thụ mặt hàng này, nhưng cần xem xét điều đó có bền vững hay không.
"Những tín hiệu thị trường sẽ ảnh hưởng lớn đến việc có nên đầu tư vào tăng đàn heo ngay hay không", ông Hải cho biết.
Thứ trưởng Hải cũng cho biết Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để đưa ra những gợi ý cho người chăn nuôi. Ông Hải cũng nhấn mạnh việc cần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, việc nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ giúp ngành nông nghiệp trong nước mới có những bước tiến triển tốt.
Theo Bộ Công thương, cần phải xem xét thận trọng tín hiệu tăng giá thịt heo thời gian qua. Ảnh: Dantri.
Trước đó, theo phân tích của Hội Chăn nuôi Việt Nam, giá thịt heo hơi đã tăng lên mức 30.000 đồng/kg. Tuy vậy, mức giá trên chỉ giúp người chăn nuôi giảm lỗ chứ chưa thể hòa vốn. Muốn hòa vốn thì giá heo hơi phải đạt 37.000-38.000 đồng/kg.
Hiện thị trường Trung Quốc đang hút hàng nhưng xuất khẩu chỉ là tiểu ngạch chứ không phải chính thức. Trước mắt có thể giúp tiêu thụ được heo, cân đối cung - cầu nhưng nếu người nuôi cứ trông chờ vào thị trường này sẽ rất rủi ro và không phải là hướng đi bền vững của ngành chăn nuôi. Nếu cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm soát chặt biên giới thì đường xuất khẩu có thể bị chặn bất cứ lúc nào.
Cục Chăn nuôi mới đây cũng đưa ra khuyến cáo về thị trường Trung Quốc, tuy có chủ trương xuất nhập khẩu chính ngạch thịt heo nhưng là vấn đề lâu dài. Heo xuất khẩu đi chính ngạch là heo mảnh cấp đông, đáp ứng các tiêu chuẩn về dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Với yêu cầu này, thịt heo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các nước có nền chăn nuôi phát triển như Canada, Brazil, Mỹ, nơi có giá thành thấp hơn Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm này, heo từ trong dân không còn nhiều mà chủ yếu còn ở các trang trại nuôi gia công cho các công ty nước ngoài. "Cơn bão" giá heo quét qua, hầu hết nông dân Việt Nam đều chịu không thấu, từ thua lỗ đến nợ nần. Sau "cơn bão" này, các đại gia FDI sẽ hưởng lợi vì thâu tóm được thị phần chăn nuôi. Thời gian qua, heo nuôi gia công của họ cũng chịu giá thấp nhưng họ có phần cám bù lại, chỉ nông dân là thua hoàn toàn.
Tô Đức
Theo KTTD, Vietnambiz