Sự kiện hot
4 năm trước

Bộ Công thương: Giải pháp thực hiện sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại

Tăng cường mở rộng các điểm bán hàng bình ổn, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa… để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Thời điểm hiện nay, dù dịch bệnh đang được kiểm soát tốt ở Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu bước vào trạng thái “bình thường mới”, dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn cầu.

Từ đầu tháng 6/2020 đến nay, số ca nhiễm bệnh Covid-19 trên thế giới liên tục duy trì ở mức cao chưa từng có là 120.000-140.000 người/ngày. Một số nước khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, mở cửa biên giới lại phải đối mặt với nguy cơ tái bùng phát dịch.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các nước đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.Hoạt động thương mại trên thế giới tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn trong 6 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu của nhiều nước đều giảm sút mạnh xuống mức thấp nhất ít nhất 4 năm qua do nhu cầu thấp và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. 

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2020, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục tập trung bám sát diễn biến, tình hình, tuyệt đối không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra.

Cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm.

Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa; Đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp bán lẻ. Tăng cường đầu tư cho các hoạt động chế biến nhằm gia tăng giá trị cho hàng hóa nông sản, tối đa hóa nhuận và hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả với các hàng hóa có tính mùa vụ cao.

Công tác theo dõi, dự báo điều tiết cung - cầu thị trường trong nước sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, tổng hợp báo cáo và tổ chức họp Tổ điều hành thị trường trong nước theo định kỳ, có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường.

Tăng cường mở rộng các điểm bán hàng bình ổn, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa… để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến của giá dầu thế giới do tác động của dịch bệnh để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với diễn biến của giá thành phẩm xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong nước (bảo đảm tính thị trường), công tác điều hành giá xăng dầu được Liên Bộ Công Thương – Tài chính thực hiện theo các nguyên tắc nhằm giảm thiểu sự tác động đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp

Đối với mặt hàng thịt lợn, tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương triển khai công tác bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, trong đó yêu cầu Sở Công Thương các địa phương có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tập trung nguồn lực tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, giảm giá thành sản xuất và giá bán sản phẩm, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn.

Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên tổ chức, phối hợp với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa thông qua các kênh thương mại điện tử.

Đẩy mạnh phong trào tiêu dùng hàng hoá, nông sản Việt qua thương mại điện tử trên “Gian hàng Việt” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt phát triển. Tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền, quảng bá hàng Việt Nam của các doanh nghiệp Việt Nam, quảng bá các sản phẩm thực phẩm an toàn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thông qua các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm.

Tổ chức các hoạt động kết nối trực tiếp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối và người tiêu dùng; giữa các đơn vị sản xuất với nhau; xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại một số địa phương.Thực hiện chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; các hội chợ, triển lãm để quảng bá các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tới người tiêu dùng.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.

Huy Đức
Theo KTDU

Từ khóa: