Trong suốt thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khai nhiều công tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản và mở rộng, phát triển thị trường Úc.
Theo đó, về công tác mở cửa thị trường thông qua đàm phán Hiệp định thương mại tự do, sau khi ký kết Hiệp định thương mại tự do AANZFTA (có hiệu lực năm 2010), với mức thuế suất thuế nhập khẩu về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sang Úc đã có tốc độ tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn 2011 - 2016, cụ thể rau quả đạt 27,7%/năm, hạt điều đạt 12,9%/năm, thủy sản đạt 6,9%/năm... qua đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước so với trước khi có Hiệp định.
Về công tác tháo gỡ rào cản kỹ thuật, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp tích cực với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác tháo gỡ rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường Úc đối với một số loại trái cây tươi.
Mặc dù quá trình đàm phán đối với mỗi một mặt hàng gặp nhiều khó khăn và mất thời gian (thường từ 5 - 10 năm, vải mất 12 năm, xoài mất 7 năm), nhưng đến nay ta đã hoàn tất việc thâm nhập thị trường Úc cho vải thiều (năm 2015) và xoài (năm 2016), tạo thêm “sân chơi” cho các loại trái cây tươi của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, sau khi mở cửa thị trường Úc cho vải thiều và xoài, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực trao đổi, làm việc với Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc để tiếp tục cho một số loại quả tươi (thanh long, chôm chôm, vú sữa, nhãn) của Việt Nam được nhập khẩu vào Úc, trước mắt là khẩn trương hoàn tất thủ tục nhập khẩu cho quả thanh long. Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 895,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 50,3% trong xuất khẩu trái cây tươi và 36,1% trong tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Tại buổi tiếp song phương bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC lần thứ 23 với Bộ trưởng Bộ Thương mại, Du lịch, Đầu tư nước Úc vào ngày 21/5/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trao đổi và thảo luận nhiều nội dung về hợp tác thương mại với phía Úc, trong đó cũng đã đề nghị phía Úc tạo điều kiện thuận lợi và sớm cho phép cho quả thanh long tươi của Việt Nam được nhập khẩu vào Úc.
Ngày 15/6/2017, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương cập nhật thông tin về tiến độ công tác mở cửa thị trường đối với quả thanh long tươi của Việt Nam và cũng đề xuất được hỗ trợ Việt Nam trong việc xin phép Cơ quan Quản lý An toàn thực phẩm Úc - New Zealand để sử dụng phương pháp chiếu xạ cho quả thanh long tươi khi xuất khẩu sang Úc.
Bộ Công Thương cũng đã có công văn trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này để cùng phối hợp sớm hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường Úc cho quả thanh long tươi, dự kiến trong năm 2017. Song song với công tác này, hiện nay Thương vụ Việt Nam tại Úc đã xây dựng kế hoạch xúc tiến xuất khẩu thanh long tại thị trường Úc, theo đó tổng hợp đầy đủ các thông tin về nhu cầu, thị hiếu, tiêu chuẩn, quy định chất lượng, phương thức tiếp cận mạng phân phối... của thị trường Úc để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có thể đón đầu cơ hội xuất khẩu thanh long ngay sau khi được tiếp cận được thị trường.
Về công tác hỗ trợ kết nối và xúc tiến thương mại tại thị trường Úc, ngay sau khi mở cửa được thị trường, để góp phần giới thiệu, quảng bá hàng hóa nông thủy sản của Việt Nam đến trực tiếp người tiêu dùng nước Úc, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã tích cực trao đổi, làm việc với Hiệp hội Xuất khẩu hoa quả của Úc, Hiệp hội các nhà bán lẻ của Úc và các doanh nghiệp Việt kiều lớn tại Úc triển khai các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương như tổ chức Ngày vải thiều Việt Nam tại Melbourne, Tuần vải thiều Việt Nam tại Sydney, vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các khu vực có đông người Việt sinh sống, phát hành phim và các bộ ấn phẩm tiếng Anh quảng bá các sản phẩm nông thủy sản chất lượng có xuất xứ từ Việt Nam như xoài, vải thiều, thủy sản... Các hoạt động nêu trên đã được các Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần không nhỏ cho việc mở rộng thị phần xuất khẩu nông thủy sản tại thị trường Úc.
Trong thời gian tới, bên cạnh công tác phát triển thị trường thông qua đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, xúc tiến thương mại, quảng bá tuyên truyền... Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan liên quan triển khai công tác tìm kiếm, giới thiệu các tập đoàn lớn của Úc để chuyển giao mô hình công nghệ nông nghiệp tiên tiến của Úc phù hợp với nhu cầu thực tiễn của Việt Nam (công nghệ chế biến, công nghệ tái sử dụng phụ phẩm, công nghệ giống...), đặc biệt là nguồn giống tôm, rau, trái cây nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; tiếp tục nghiên cứu thị trường Úc để tìm kiếm sản phẩm phù hợp của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối bán buôn, bán lẻ của Úc, góp phần đưa hàng nông sản thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Hòa Lộc
Theo Doanh nghiệp Việt Nam