Chiều 27/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có văn bản kiến nghị các địa phương về thời gian trở lại trường của học sinh sau thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19.
Bộ GD&ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, xem xét quyết định cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS tiếp tục nghỉ từ 1-2 tuần.
Học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên đi học lại từ ngày 2/3.
Bộ GD&ĐT cho biết thời gian kết thúc năm học và thời gian thi THPT quốc gia vẫn giữ nguyên như quyết định của Bộ ngày 22/2 vừa qua. Cụ thể là kết thúc năm học vào 30/6 và thi THPT quốc gia vào 23/6 - 26/7.
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chỉ đạo các trường học tiếp tục thực hiện nghiêm quy trình phòng chống dịch bệnh, kiểm tra sức khỏe và hướng dẫn chi tiết cho cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh toàn trường về biện pháp phòng dịch, đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường học.
|
|
Trước đó, báo cáo tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 24/2 về việc điều chỉnh lịch học của học sinh, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết bộ đã có văn bản về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Cụ thể, năm học dự kiến kết thúc trước ngày 30/6, hoàn thành tuyển sinh lớp 10 trước ngày 15/8 và thi THPT quốc gia từ 23/7 - 26/7.
Sau khi tính toán kỹ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương xem xét, quyết định cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ 2/3 để đảm bảo thời gian kết thúc năm học.
“Dịch diễn biến rất phức tạp nhưng không thể ngồi chờ đến khi nào hết dịch, học sinh mới đi học lại”, ông Nhạ nói.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kiến nghị, Bộ GD&ĐT theo thẩm quyền quyết định cho học sinh, sinh viên trung học, phổ thông, đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm đi học trở lại trong toàn quốc trong ngày 2/3. Đối với học sinh mầm non và tiểu học, THCS, Bộ GD&ĐT có thể xem xét quyết định cho nghỉ học thêm 2 tuần sau đó quyết định cụ thể thời điểm đi học tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Cao Tuấn
Theo Người tiêu dùng