Sự kiện hot
13 năm trước

Bộ GTVT không biết việc Vinalines mua ụ nổi

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: "Đến lúc có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ hoàn toàn không biết và Bộ không nhận được bất kỳ một thông tin nào về việc mua sắm ụ nổi No83 M của Vinalines".

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: "Đến lúc có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ hoàn toàn không biết và Bộ không nhận được bất kỳ một thông tin nào về việc mua sắm ụ nổi No83 M của Vinalines".

Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố, giai đoạn 2007 - 2010,Vinalines mua ụ nổi No83M đã 43 tuổi, vượt 28 tuổi so với quy định đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Sau khi mua về phải sửa chữa nhiều lần. Giá mua và chi phí sửa chữa hai lần tại Việt Nam tính đến ngày 30/9/2011 là 489,6 tỉ đồng (khoảng 26,3 triệu USD), tương đương 70% giá đóng ụ nổi mới (giá đóng mới 37,5 triệu USD).

Trước thực tế này, ông Thăng cho biết, Vinalines mua ụ nổi không được sự cho phép của Bộ GTVT, ngoại trừ việc Vinalines đề nghị Cục Đăng kiểm VN đi đăng kiểm ụ nổi năm 2007.

Ụ nổi No83 M

“Theo yêu cầu Vinalines, Cục Đăng kiểm VN có cử cán bộ đi đăng kiểm ụ nổi và trong kết luận của Đăng kiểm viên thì có nêu tình trạng kỹ thuật của ụ nổi chứ không nói nên mua hay không mua. Việc mua hay không là quyền của Vinalines chứ không phải la quyền của đăng kiểm” - ông Thăng nói.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng khẳng định: Việc sau đó Vinalines không hỏi Cục Đăng kiểm VN và mời đăng kiểm của Nga sang tiến hành đăng kiểm cũng là việc làm sai phạm, vì theo quy định hiện hành của nhà nước thì Vinalines muốn đưa đăng kiểm nước ngoài vào phải được sự thoả thuận của Đăng kiểm VN.

Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Vinalines cũng cho thấy: Từ năm 2005 - 2010, Vinalines đầu tư mua 73 tàu, đa số các tàu mua là của nước ngoài đã qua sử dụng, với năng lực vận tải 2.004.961 DWT, tổng số vốn là 22.853 tỉ đồng. 85% vốn mua tàu là vay thương mại, thậm chí dự án mua tàu Sky, Ocean, Global sử dụng 100% vốn vay...

Cũng theo kết quả Thanh tra Chính phủ Vinalines có 17 tàu trên 15 tuổi không đủ điều kiện đăng ký tại Việt Nam, thậm chí tàu Lively Falcon 30 tuổi vẫn được mua và được Bộ GTVT cho phép đăng ký treo cờ nước ngoài (Mông Cổ, Panama).

Điển hình trong số này có đội tàu của Công ty cổ phần vận tải dầu khí Việt Nam (Falcon) mua tuổi bình quân là 26 năm và hiện 7/10 tàu treo cờ nước ngoài… Về việc mua tàu cũ quá hạn sử dụng treo cờ nước ngoài, Bộ trưởng Thăng cho biết: Việc mua tàu cũ của nước ngoài không chỉ Vinalines mà nhiều đơn vị khác cũng có việc này.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng GTVT đã yêu cầu xem xét lại các văn bản hiện hành một cách rõ ràng và phải có chấn chỉnh sửa đổi. “Quy định của nhà nước là cấm mua tàu quá 15 tuổi và không được treo cờ, các đơn vị lại lách bằng cách treo cờ nước ngoài để hoạt động ở thị trường ở Việt Nam là không được. Việc này khi mới về tôi đã phát hiện được ngay và đã yêu cầu chấn chỉnh. Hiện nay đang làm...”, ông Thăng nói.

Và ngày 31/5, trong cuộc họp báo về vụ Vinalines, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho rằng, lãnh đạo Vinalines đang tìm biện pháp sửa chữa ụ nổi No83M để đưa vào khai thác trong thời gian tới...

Tái cơ cấu để nâng cao năng lực cạnh tranh Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Hiện nay, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn và các Tổng công ty nhà nước, từ năm 2011 Bộ GTVT đã bắt đầu triển khai cho tất cả các đơn vị trong đó có Vinalines.

Cụ thể, việc tái cơ cấu Vinalines được Bộ GTVT tập trung vào 3 vấn đề chính gồm: Vận tải Biển, kinh doanh cảng Biển và dịch vụ vận tải dưới cảng Biển.

Đồng thời thoái vốn các đơn vị kinh doanh ngoài ngành, tái cơ cấu chức năng nhiệm vụ của công ty mẹ ở Vinalines đưa xuống còn 40 đầu mối, thay vì 80 như hiện nay, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cổ phần hoá Vinalines trước 2015.

Theo Vietnamnet

Từ khóa: