Sự kiện hot
12 năm trước

Bỏ phiếu tín nhiệm: Chậm thực hiện là có lỗi với dân

Thảo luận tổ chiều 28.5 về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nhiều ĐB đã đề xuất cách làm xung quanh việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu và phê chuẩn.

Thảo luận tổ chiều 28.5 về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nhiều ĐB đã đề xuất  cách làm xung quanh việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu và phê chuẩn.

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận tổ - Ảnh: Ngọc Thắng

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) bày tỏ: “Tôi cho rằng lấy phiếu tín nhiệm hay bỏ phiếu tín nhiệm đều có cùng một ý nghĩa là để QH có thực quyền hơn và phía Chính phủ cũng nâng cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân”, ĐB Hường nói. ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng: "Đi liền với bỏ phiếu tín nhiệm thì QH cũng cần quy định trong Đề án đổi mới việc phê chuẩn các chức danh tại QH phải có số dư, có chương trình hành động, để ĐB có cơ sở bỏ phiếu tín nhiệm, xem trong thời gian nhất định đó anh làm được gì, không làm được gì. Phải đổi mới cả đầu vào và đầu ra chứ như hiện nay, ta mới đề cập đến đầu ra".

Còn ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề xuất: chỉ bỏ phiếu tín nhiệm một lần, nếu không được thì nên thôi chứ không bỏ phiếu nhiều lần. Đồng quan điểm, ĐB Phạm Khánh Phong Lan, ĐB Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho rằng, nếu một lần chức danh đó không đủ tín nhiệm thì nên thực hiện quy chế từ chức vì lúc đó không còn tín nhiệm để điều hành bộ, ngành mình quản lý nữa.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lại bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi trong việc bỏ phiếu tín nhiệm ở một số chức danh và cho rằng nên có sự lựa chọn. ĐB An đề xuất chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm đối với cấp cao nhất là Bộ trưởng; còn ĐB Vinh thì phát biểu: “Phạm vi đối tượng bỏ phiếu tín nhiệm nên khoanh lại. Để có căn cứ cho ĐBQH bỏ phiếu tín nhiệm chính xác, phải có ý kiến thẩm định của cơ quan đánh giá cán bộ hoặc giao cho một cơ quan đáng tin cậy thẩm định kỹ thông tin về cán bộ được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, phẩm chất đạo đức đến năng lực, trình độ, mức độ hoàn thành công việc… Sau đó cung cấp định kỳ cho ĐBQH để làm căn cứ bỏ phiếu tín nhiệm".

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thì cho rằng, 10 năm rồi chưa thực hiện được quy định bỏ phiếu tín nhiệm thì cũng không cần phải vội vàng thực hiện ngay trong năm nay nếu chưa chuẩn bị kỹ. Theo ĐB Minh, cần xem xét để xây dựng quy chế thực hiện quy định này, nên giao cho thường vụ nghiên cứu. Nghiên cứu để có quy định khả thi hơn. Tuy nhiên, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Võ Thị Dung đề nghị: giao Ủy ban TVQH sớm có quy chế cụ thể để thực hiện quy trình, khẩn trương chứ đến cuối nhiệm kỳ vẫn chưa thực hiện là có lỗi với dân.

Đổi mới tiếp xúc cử tri

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, cần đưa việc QH thực hiện lời hứa với cử tri như thế nào vào nội dung Đề án. ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nhận định: có những sự việc gây bức xúc nhưng QH chậm có ý kiến, ví dụ vụ việc xảy ra ở Bộ GTVT về vụ Vinalines gần đây. “Hiện tại vấn đề cử tri bức xúc nhất là luật Đất đai, nhiều vấn đề bất ổn cũng bắt đầu từ đây nhưng vì sao chúng ta cứ tránh né hoài mà không sửa ngay. Việc chậm trễ sửa luật này cũng giống như bệnh nhân lâm trọng bệnh đến bệnh viện được bác sĩ khuyên về chờ vậy”, ĐB Lan nói.

Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Võ Thị Dung thẳng thắn: “Hiện nay việc giám sát, theo dõi giải quyết khiếu kiện của công dân còn mang tính hình thức, một số cơ quan chức năng khi nhận được ý kiến, kiến nghị cử tri do ĐBQH chuyển đến thì việc chậm trả lời là phổ biến, thậm chí không trả lời. Theo dõi việc giải quyết một vụ việc như vậy tôi thấy quá dài, làm cho cử tri mất niềm tin, là ĐBQH thấy thiếu sót với cử tri, cho nên phải đề cập thêm về quy trình theo dõi, giám sát giải quyết khiếu nại của cử tri trong Đề án đổi mới hoạt động của QH lần này”.

Còn ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đề nghị, đổi mới tiếp xúc cử tri phải để cho cử tri được tiếp xúc với ĐBQH một cách tự nhiên. Nên đa dạng hình thức và nội dung tiếp xúc cử tri, ví dụ tiếp xúc cử tri tại nơi làm việc, tiếp xúc theo giới... Về nội dung, theo ĐB Hường, trước mỗi kỳ họp QH, tất cả những nội dung liên quan đến việc xây dựng luật hay giám sát thì thông báo rộng rãi cho tất cả cử tri được biết để có thể đóng góp ý kiến cho nội dung kỳ họp của QH. “Ví dụ, tới đây chúng ta sửa luật Đất đai thì ý kiến của người dân về những mong muốn của họ cũng như xu hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cần phải như thế nào là kênh thông tin rất quan trọng”, ĐB Hường nói.

Nhận định hiện nay chỉ “toàn mời cử tri chuyên nghiệp đến phát biểu theo ý lãnh đạo địa phương muốn”, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị phải mở rộng đối tượng tiếp xúc cử tri, thông báo thời gian, địa điểm chương trình để cử tri đến. “Hậu tiếp xúc cử tri, phải trả lời những bức xúc của cử tri, phải có chế tài, sau bao nhiêu ngày thì phải trả lời chứ không thể như hiện nay, không trả lời thì thôi”, ĐB Vinh phát biểu.  

ĐB Phan Đình Trạc (Nghệ An) đề nghị, khi ĐBQH tiếp xúc cử tri thì phải có đại diện chính quyền các cấp có mặt ở đó để bàn giao trách nhiệm trả lời, giải quyết những thắc mắc, kiến nghị của cử tri ngay tại đó vì rất nhiều nội dung khi tiếp xúc với cử tri đều liên quan trực tiếp tới thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương mà họ đang sinh sống.

Tuệ Nguyễn - Nguyệt Minh
theo Thanh Niên

Từ khóa: