Mặc dù nhận được nhiều ý kiến đóng góp, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm nâng mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít.
Trong lần thứ 3 lấy ý kiến công khai về dự luật, Bộ Tài chính tiếp tục bảo lưu quan điểm tăng khung thuế môi trường với xăng lên mức tối đa 8.000 đồng/lít, xăng máy bay là 6.000 đồng/lít, các loại dầu lên 4.000 đồng/lít.
Bộ Tài chính cho rằng, việc tính toán điều chỉnh khung thuế không chỉ xem xét đến yếu tố cắt giảm thuế nhập khẩu mà phải xét cả các yếu tố khác. Theo Bộ Tài chính, xăng dầu tác động xấu tới môi trường nên cần có chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế. Ngoài ra, khung thuế mới nhằm chủ động ứng phó với tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là tác động do giá dầu thế giới có biến động lớn.
Nguyên nhân khác được Bộ tài chính nêu ra là khung thuế trên nhằm chủ động ứng phó với tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là tác động do giá dầu thế giới có biến động lớn. Nếu Dự luật được Quốc hội thông qua, khung thuế mới với xăng dầu sẽ áp dụng từ 1/7/2018.
Khung đề xuất Thuế Bảo vệ Môi trường của Bộ Tài chính. Ảnh: Bộ Tài chính.
Trước đó, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (HHXDVN) đã có văn bản đề xuất khung thuế Bảo vệ Môi trường chỉ nên ở mức tối đa 5.000 đồng/lít.
Theo HHXDVN, việc điều hành thuế BVMT theo khung lên đối đa 8.000 đồng/lít xăng RON 92, tương đương 93,18% giá nhập khẩu là không phù hợp.
Ngoài ra, việc tăng theo khung sẽ khiến thuế BVMT chiếm 60,61% tổng thuế. Mức tổng thuế theo đó bằng 66,2% giá bán lẻ xăng dầu căn cứ theo giá xăng hiện hành. Điều này, theo HHXDVN là "rất khó giải thích để người tiêu dùng hiểu và chia sẻ".
Tô Đức
Theo KTTD, Vietnambiz