Kết quả kinh doanh của Tổng công ty Sông Đà vẫn còn nhiều “điểm đen”. Vì thế Bộ Tài chính vừa có văn bản cảnh báo về tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty này.
Tổng doanh thu năm 2016 của Sông Đà là 10.388 tỷ đồng, chỉ bằng 59% so với năm 2015.
Doanh thu sụt giảm
Tổng doanh thu năm 2016 của Sông Đà là 10.388 tỷ đồng, chỉ bằng 59% so với năm 2015 do trong năm doanh thu sản xuất công nghiệp và doanh thu hoạt động xây dựng sụt giảm.
“Điều này cho thấy khả năng cạnh tranh đối với 2 lĩnh vực này của các đơn vị thuộc Tổng công ty còn hạn chế và tiềm ẩn những khó khăn trong giai đoạn tới”, Bộ Tài chính lo ngại.
Lợi nhuận thực hiện năm 2016 của Tổng công ty đạt 675 tỷ đồng (tăng 18% so với năm 2015), trong đó công ty mẹ và 13/16 công ty con có lãi, một số công ty có tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ khá cao như Công ty Cổ phần Thủy điện Cần Đơn, Thủy điện Sê San 3A, Sông Đà 10. Tuy nhiên một số đơn vị có số lỗ phát sinh, mất vốn như Công ty Cổ phần Sông Đà 12, Công ty Thủy điện Nậm Chiến, Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà.
Đặc biệt Bộ Tài chính cảnh báo Công ty Cổ phần Điện Việt Lào tiềm ẩn rủi ro mất vốn do dự án thủy điện Xekaman 3 dừng hoạt động dài hạn để xử lý sự cố.
Cùng với những lo ngại về doanh thu và lợi nhuận của Sông Đà, Bộ Tài chính cũng lưu ý đến tình hình nợ phải thu của Sông Đà, trong đó có nhiều khoản nợ khó đòi.
Theo đó, nợ phải thu của Sông Đà là hơn 10.700 tỷ (chiếm 34% tổng tài sản), trong đó có khoản phải thu của Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long (chiếm 37% tổng nợ phải thu) thực chất Tổng công ty Sông Đà không trực tiếp sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh nhưng vẫn phải có trách nhiệm về mặt pháp lý. Bởi phần vốn của Tổng công ty Sông Đà tại Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long đã được chuyển giao cho Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam.
Ngoài ra, Sông Đà có một số khoản cho vay ngắn hạn chuyển tiếp từ năm 2015 nhưng đến hết 2016, dù đã quá 12 tháng vẫn chưa thu hồi được như Công ty Đầu tư xây dựng và Phát triển năng lượng Phúc Khánh là 2,5 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Thủy điện Sử Pán 2 là 15 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Thủy điện Trà Xom là hơn 6 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2016 một số công ty gần như mất khả năng thanh toán gồm: Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Chiến, Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn là 0,1 lần, Công ty Cổ phần Phát triển nhà Khánh Hòa là 0,04 lần và Công ty Cổ phần Điện Việt Lào là 0,18 lần.
Gánh nặng nợ nần
Tại thời điểm hết năm 2016, tổng nguồn vốn của Sông Đà là gần 32.000 tỷ đồng, nhưng cơ cấu nợ phải trả đã chiếm tới 75% tổng nguồn vốn.
Nợ phải trả là hơn 24.072 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là gần 7.300 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 10.416 tỷ đồng (Trong đó có các khoản vay Ngân hàng NIB, Natixis, ADB, Quỹ tích lũy Bộ Tài chính để cho vay lại là gần 5.000 tỷ đồng và trái phiếu là hơn 1.200 tỷ đồng).
Đại diện Tổng công ty Sông Đà giải thích rằng số nợ phải trả của Tổng công ty lớn một phần là do phần vốn vay nước ngoài để thực hiện dự án Xi măng Hạ Long. Nay dự án đó đã được chuyển giao cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam nhưng vì Sông Đà là người đứng tên vay nợ cho nên vẫn là chủ thể trả nợ.
Còn thực tế 3 bên là Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Bộ Tài chính đã ký với nhau văn bản thể hiện Tổng công ty Xi măng Việt Nam là đơn vị thu xếp tiền trả nợ, còn Sông Đà sẽ lấy tiền đó trả nợ cho đối tác nước ngoài.
“Do các chủ nợ không đồng ý chuyển giao chủ thể nợ nên về mặt giấy tờ Tổng công ty Sông Đà vẫn phải gánh các khoản nợ đó. Còn thực tế thì Tổng công ty Xi măng Việt Nam là đơn vị phải thu xếp tiền trả nợ”, đại diện Sông Đà giải thích.
Bộ Tài chính cũng cảnh báo một loạt các công ty con của Sông Đà có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao vượt quá 3 lần như Sông Đà 3 (4,42 lần), Sông Đà 4 (6,07 lần), Cơ khí lắp máy Sông Đà (6,67 lần)…
Đặc biệt Công ty Cổ phần Sông Đà 12 có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá tới 104,85 lần.
“Như vậy, các công ty này hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay tiềm ẩn rủi ro về tài chính. Đặc biệt Công ty Cổ phần Sông Đà 12 lỗ gần mất hết vốn, Công ty Cổ phần Cơ khí lắp máy Sông Đà lỗ và phát sinh nợ quá hạn là hơn 50 tỷ đồng”, Bộ Tài chính quan ngại.
Riêng đối với Công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà, Bộ Tài chính cũng bày tỏ quan ngại trước hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 4,6 lần (nợ trên 12.300 tỷ), vượt 3 lần theo quy định tại Nghị định 91 của Chính phủ.
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đề nghị Tổng công ty Sông Đà thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các bộ phận liên quan thực hiện rà soát, đánh giá lại các khoản đầu tư để đảm bảo hiệu quả đầu tư vốn, có biện pháp đối với các khoản đầu tư tài chính không mang lại hiệu quả; rà soát lại các trường hợp công ty con công ty liên doanh, liên kết có lợi nhuận nhưng không chia cổ tức, lợi nhuận (nếu có) để yêu cầu báo cáo giải trình và có giải pháp cụ thể.
“Đề nghị Tổng công ty Sông Đà rà soát, cơ cấu lại các nguồn vốn huy động để đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần theo quy định, giảm rủi ro về mặt tài chính; chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi và thực hiện các nghĩa vụ trả nợ liên quan đến khoản vay Chính phủ bảo lãnh đối với dự án của Tổng công ty”, Bộ Tài chính nêu ý kiến.
Thu Mai
Theo Vietnam Finance