Bộ Tài chính đang đề nghị cắt giảm hàng loạt các loại phí theo yêu cầu của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Hàng loạt loại phí sẽ phải giảm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh TL.
Bộ này đã gửi thông báo với tinh thần trên tới tất cả các bộ, ngành và địa phương nhằm lấy ý kiến cho các dự thảo thông tư về phí mà bộ này đang soạn thảo.
Cụ thể, trong dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 277/2016/TT-BTC ngày 14-11-2016, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thu phí thẩm định xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm từ 1.800.000 đồng xuống 1.600.000 đồng/hồ sơ; giảm mức thu phí thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu dược liệu, vị thuốc cổ truyền từ 200.000 đồng xuống 150.000 đồng/mặt hàng; bãi bỏ phí thẩm định hồ sơ cấp thẻ người giới thiệu thuốc 200.000 đồng/hồ sơ. Đây là lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.
Tại dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 225/2016/TT-BTC ngày 11-11-2016 của Bộ Tài chính, bộ này đề nghị điều chỉnh giảm mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi từ 120.000.000 đồng xuống 105.000.000 đồng/lần thẩm định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đề nghị cung cấp số thu bị giảm.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị bãi bỏ lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, thủy sản nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu quy định tại Thông tư số 285/2016/TT-BTC; giảm phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu, phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản quy định tại Thông tư số 286/2016/TT-BTC. Bộ cũng đề nghị giảm phí thẩm định cấp phép lưu hành, nhập khẩu, xác nhận, công bố trong lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định tại Thông tư số 279/2016/TT-BTC.
Các bộ, ngành và địa phương phải có văn bản góp ý với Bộ Tài chính về các loại phí này để làm cơ sở cho Chính phủ xem xét trong kỳ họp tháng 10 tới đây.
Trong cuộc họp gần đây về kiểm tra chuyên ngành, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sắp tới sẽ kiểm tra từng bộ về từng thủ tục, nếu “kiểm tra nhiều mà phát hiện vi phạm ít thì mời bộ bãi bỏ”.
Theo Tổng cục Hải quan, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 50% thời gian thông quan, nhiều lô hàng Hải quan kiểm tra rồi nhưng không thông quan được, thậm chí 3 tháng sau bộ chuyên ngành mới tới kiểm tra, nay một thủ tục, mai một thủ tục.
Ông Mai Tiến Dũng bức xúc: “Một mặt hàng chocolate cần 13 loại giấy phép, 12 nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng phải xác nhận công bố thành phẩm. Mặt hàng sữa chua vừa phải kiểm dịch theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo Bộ Y tế. Kén tằm, hạt hướng dương cũng phải qua hai bộ, cứ chẻ ra như thế thì không ổn. Mà các bộ không bao giờ đi cùng nhau, đợi ông kia về tôi mới đi. Rất nhiều vấn đề thực tế như thế, chúng ta phải xử lý”.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành.
Tư Hoàng
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn