Bộ Tài chính vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sẽ vẫn giữ nguyên thời gian ân hạn thuế 275 ngày đối với nguyên liệu vật tư nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu, với điều kiện doanh nghiệp không nợ thuế quá hạn.
Bộ Tài chính vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sẽ vẫn giữ nguyên thời gian ân hạn thuế 275 ngày đối với nguyên liệu vật tư nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu, với điều kiện doanh nghiệp không nợ thuế quá hạn.
Đây là động thái tiếp thu tích cực các ý kiến doanh nghiệp của Bộ Tài chính trong việc sửa đổi Luật quản lý thuế đã được Quốc hội thảo luận hôm 25/10 vừa qua.
Bộ bày tỏ, các ý kiến đều đã thống nhất, quy định về bảo lãnh để hạn chế các trường hợp doanh nghiệp lợi dụng ân hạn để chây ỳ, nợ thuế là hợp lý nhưng với những doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật thuế thì vẫn cần có quy định ân hạn nộp thuế.
Xuất phát từ quan điểm này, Bộ đã xin chỉnh lý lại dự thảo sửa Luật Quản lý thuế, tiếp tục quy định thời hạn nộp thuế mà không cần bảo lãnh là 275 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu.
Tuy nhiên, thời gian ân hạn thuế này chỉ được áp dụng trong trường hợp người nộp thuế đáp ứng 3 điều kiện.
Thứ nhất, doanh nghiệp phải có cơ sở trực tiếp sản xuất hàng xuất khẩu.
DN sẽ được ân hạn thuế nếu không nợ thuế quá hạn (ảnh: PH)
Thứ hai, doanh nghiệp phải có hoạt động xuất nhập khẩu tối thiểu 2 năm tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan. Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp không có hành vi gian lận thương mại, hành vi trốn thuế, không nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt. Doanh nghiệp cũng phải thuộc diện chấp hành tốt chế độ báo cáo tài chính theo quy định của pháp.
Điều kiện thứ ba là doanh nghiệp phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tất cả các trường hợp còn lại vẫn phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế hoặc phải nộp thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng như dự thảo hiện hành.
Trước đó, khi trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế tại kỳ họp Quốc hội, hầu hết các Hiệp hội doanh nghiệp đều phản đối mạnh mẽ vì lý do, sẽ làm gia tăng chi phí tới hàng tỷ USD cho doanh nghiệp, gây ách tắc hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, mức phí bảo lãnh đối với từng doanh nghiệp là phụ thuộc vào ngân hàng thương mại trong thời điểm cụ thể và có thể cao hơn mặt bằng hiện nay. Việc phải thực hiện bảo lãnh cũng sẽ ảnh hưởng làm giảm hạn mức tín dụng của các doanh nghiệp với ngân hàng.
Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền thuế nhập khẩu năm 2011 của hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu là 19.808 tỷ đồng (tương đương 952,3 triệu USD).
Với thời gian bảo lãnh 90 ngày (chu kỳ sản xuất trung bình của một số ngành xuất khẩu), mức phí bảo lãnh tối thiểu là 0,05% thì tiền phí bảo lãnh là 29,7 tỷ đồng, làm tăng chi phí giá thành nguyên liệu là 0,018%. Với mức phí bảo lãnh cao nhất là 0,29%/tháng thì tiền phí bảo lãnh là 172,3 tỷ đồng, làm tăng chi phí giá thành nguyên liệu là 0,1%.
Với thời gian bảo lãnh tối đa 275 ngày, phí bảo lãnh 0,05%/tháng, thì tiền phí bảo lãnh là 89,1 tỷ đồng, làm tăng chi phí giá thành nguyên liệu 0,054%. Với mức phí bảo lãnh 0,29%/tháng thì tiền phí bảo lãnh là 517 tỷ đồng, làm tăng chi phí giá thành nguyên liệu nhập khẩu 0,31%.
Phạm Huyền
Theo Vietnamnet