Đó là thông tin do Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân cho biết trong phần trả lời tại chuyên mục "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" trên kênh VTV1, Đài THVN, vào tối 17/6 vừa qua.
Đó là thông tin do Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân cho biết trong phần trả lời tại chuyên mục "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" trên kênh VTV1, Đài THVN, vào tối 17/6 vừa qua.
Bộ trưởng Quân khẳng định, chắc chắn, Bộ vẫn coi xăng dầu là một đối tượng nghiên cứu vì đây là một trong những nguyên nhân gián tiếp có thể gây ra các vụ cháy nổ ô tô xe máy trong thời gian vừa qua. Thực tế, khi nhà nước tăng cường thanh kiểm tra thì số các vụ cháy nổ ô tô xe máy đã giảm đi rõ rệt, xã hội đã phần nào thấy được vai trò của công tác kiểm tra, thanh tra đối với chất lượng của xăng dầu và gas trên thị trường.
Hiện Bộ KH-CN vẫn giao nhiệm vụ cho 3 đơn vị khoa học đó là ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM và Viện Khoa học Công nghiệp tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng của chất lượng xăng dầu đối với việc cháy nổ, rò rỉ xăng dẫn tới có thể gây cháy.
|
Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân
|
Liên quan đến vấn đề quản lý chất lượng xăng dầu, hai năm trước, Bộ KH-CN có kiến nghị tạm dừng sử dụng xăng A83 và mới đây, Bộ Công thương cũng lên tiếng đồng tình. Bộ trưởng cho biết: Trong quá trình lưu thông xăng A83, chúng tôi đã thấy có một số vấn đề mà chúng ta cần phải loại bỏ. Ví dụ như chỉ số opten của xăng A83 thấp. Nó chỉ phù hợp với những phương tiện ô tô xe máy đã được thiết kế trong giai đoạn trước. Đồng thời nó không đảm bảo về môi trường theo tiêu chuẩn khí thải Euro 2.
Có ý kiến cho rằng, việc phù phép xăng A83 thành A92 vô cùng đơn giản bởi chỉ cần pha methanol 15% vào A83 là có chỉ số như A92. Trong khi xăng A92 và A83 có mức giá chênh nhau đến cả 1000 đồng/lit. Lợi nhuận chính là động lực lớn nhất để các cây xăng làm ăn gian dối và pha thêm methanol, đây chính là nguyên nhân gây cháy xe.
Bộ trưởng Quân cho rằng, chắc chắn hiện nay các động cơ sử dụng xăng A83 không nhiều, hầu hết chỉ dùng trong quốc phòng và các phương tiện cũ. Tuy nhiên, lượng xăng A83 tiêu thụ vừa qua cũng nhiều một cách không bình thường. Vì thế chắc chắn có hiện tượng gian lận trong việc pha thêm chất phụ gia vào xăng A83 để bán với giá của xăng A92 và A95.
"Đáng tiếc một điều là tất cả những vụ cháy xe mà chúng tôi xét nghiệm các mẫu xăng dầu thì đều không phát hiện ra như vậy, cho nên, đây vẫn là một ẩn số mà chúng ta vẫn tiếp tục phải xác minh".
Công khai kết quả thanh tra
Trước thực tế các DN kinh doanh xăng dầu vi phạm chất lượng, tạo nên nhiều nghi vấn và lo ngại cho người tiêu dùng, Bộ KH-CN cũng đã tuyên bố có phương án thanh tra trên diện rộng các DN và đơn vị kinh doanh xăng dầu trên cả nước. Về cách thức thanh tra, Bộ sẽ tập huấn về nghiệp vụ thanh tra cho toàn bộ hệ thống, các bên liên quan như lực lượng thanh tra của Bộ KH-CN, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các Sở KH-CN và chi cục quản lý thị trường... để có thể tiến hành thanh tra liên ngành. Ngoài ra, sẽ có kế hoạch cụ thể thanh tra các nơi sản xuất và kinh doanh xăng dầu, gas, có biện pháp xử lý nếu phát hiện ra sai phạm.
Tuy nhiên, có ý kiến tỏ ra lo ngại việc công khai này sẽ khiến DN và các đơn vị kinh doanh xăng dầu có biện pháp đối phó, khiến hiệu quả của việc thanh tra khó đạt được như mong muốn. Bộ trưởng cho rằng, ngay cả việc thanh tra cũng phải công khai, minh bạch. "Chúng ta cũng tuyên bố công khai như vậy để các DN tự điều chỉnh nếu như họ có những hành vi gian lận. Nếu như họ bị phát hiện thì sẽ bị xử lý và họ sẽ phải tâm phục khẩu phục vì chúng ta đã thông báo trước.
Tuy nhiên việc thanh tra kiểm tra không chỉ có trên diện rộng mà chúng tôi còn thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra đột xuất nếu như có dấu hiệu vi phạm. Vì vậy chúng tôi rất mong là những người dân khi sử dụng xăng dầu, gas cũng như cộng đồng DN nếu như phát hiện DN nào có hành vi gian dối thì thông báo cho các cơ quan chức năng. Chúng tôi sẵn sàng thanh tra kiểm tra đột xuất bất cứ khi nào".
Việc thanh kiểm tra trên diện rộng lần này trong hai tháng, từ tháng 6 đến tháng 8 chỉ có tác dụng tổng kiểm tra, còn việc thanh kiểm tra vẫn diễn ra thường xuyên chứ không có giới hạn về thời gian. Thông tin về kết quả kiểm tra hoàn toàn có thể công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và DN nhìn vào đó làm gương.
Sau thanh tra, DN vi phạm sẽ bị áp dụng tất cả các chế tài mà pháp luật quy định để xử phạt. Đầu tiên là xử phạt vi phạm hành chính, tiếp theo là những hình thức xử lý bổ sung. Ví dụ như phát hiện được mức độ vi phạm và số tiền thu lợi bất chính thì theo quy định của luật pháp chúng ta có thể phạt 5 lần số tiền thu lợi bất chính, trường hợp nghiêm trọng có thể truy tố trước pháp luật.
Bảo Nam
Theo Infonet