Sự kiện hot
7 năm trước

“Bóc phốt” sai phạm triệu tỷ đồng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Là một tập đoàn kinh tế lớn do Nhà nước làm chủ sở hữu; tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm của Tập đoàn này trong quản lý sử dụng vốn và tài sản.

Liên quan đến thương vụ đầu tư vào EVN Telecom, Công ty mẹ EVN đã gây mất vốn nhà nước số tiền 2.425.830.774.995 đồng. (Ảnh TL)

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp số tiền 121.790.229.190.506 đồng trong khi vốn điều lệ của Công ty mẹ EVN chỉ có 76.742.000.000.000 đồng, vượt vốn điều lệ số tiền 45.048.229.190.506 đồng là chưa thực hiện đúng quy định Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 24/5/2010 và Quyết định số 1876/QĐ-BTC ngày 05/8/2011 của Bộ Tài chính; đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán số tiền 1.997.356.371.000 đồng vượt tỷ lệ quy định là chưa đúng với quy định tại Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 05/8/2010 của Bộ Tài chính; việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả kinh tế.

“Trong năm 2011, hệ số giữa nợ phải trả và vốn điều lệ của Công ty mẹ EVN là 2,741 lần, hệ số giữa nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ EVN là 3,246 lần là tương đối cao, Công ty mẹ EVN chưa cân đối được nguồn vốn để trả các khoản nợ quá hạn thanh toán, các chỉ số trên tương đối cao cũng gây khó khăn cho Công ty mẹ EVN trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay trong các năm tiếp theo” - Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Bên cạnh đó, Công ty mẹ EVN và các Nhà máy thủy diện hạch toán phụ thuộc EVN chưa nộp về Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương và địa phương tiện phí dịch vụ môi trường rừng số tiền 533.183.784.440 đồng là chưa thực hiện đúng Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1221/VPCP-KTN ngày 01/3/2012 và số 4894/VPCP-KTN ngày 20/7/2011 của Văn phòng Chính phủ.

Ngoài ra, Công ty mẹ EVN hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động, làm tăng chi phí cho sản xuất điện trong năm 2011 tại 11 dự án trên số tiền 223.909.749.578 đồng.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc Công ty mẹ EVN chưa xây dựng được quy định về việc trả lương, phụ cấp, tiền thưởng và chế độ khác cho người đại diện theo quy định tại Điều 47, Nghị định 199/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 và Điều 46, Nghị định 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ; phê duyệt định biên lao động chưa chính xác, còn có sự chênh lệch lớn giữa lao động kế hoạch và lao động thực tế sử dụng nhưng chậm sửa đổi là chưa đúng với quy định tại Mục 1, Phần IV, Thông tư số 06/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05/01/2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; phê duyệt kế hoạch tiền lương vào cuối năm thực hiện là chưa đúng quy định tại Nghị định 206, 207/NĐ-CP ngày 14/12/2004, Nghị định số 141/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ; phân chia lương giữa các khâu (phát điện, truyền tải và khối phân phối) còn có chênh lệch lớn tạo sư không công bằng giữa các khâu trong kinh doanh điện.

Việc Công ty mẹ EVN sử dụng nguồn kinh phí đào tạo số tiền 1.648.000 USD và 467.157.588 đồng để đào tạo thạc sỹ quản trị kinh doanh cho CBCNV nhưng Bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh do Đại học Griggs cấp chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận; mua 02 xe ôtô Toyota LandCruise vượt định mức quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BTC ngày 14/01/2011 của Bộ Tài chính số tiền 3.014.120.000 đồng.

Từ năm 2005 đến tháng 7/2012, EVN triển khai 20/42 dự án chậm tiến độ dẫn đến việc thiếu hụt sản lượng điện và tăng chi phí đầu tư cho dự án; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng, ngoài số tiền 167.183.625.666 đồng (khối lượng công việc hoàn thành phần đốt lò phục vụ phát điện theo yêu cầu của EVN ngoài họp đồng Tổng thầu EPC), còn phát sinh khoản chi dầu đốt khởi động lại lò do xảy ra sự cố phải ngừng hoạt động và EVN đã chi tổng số tiền 163.217.579.935 đồng, không đúng với Tổng thầu EPC đã ký giữa EVN đã ký giữa EVN và LILAMA.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, Công ty mẹ EVN xây dựng các chỉ tiêu để xác định giá bán điện nội bộ cho EVN SPC thiếu một số khoản doanh thu và chi phí có liên quan trực tiếp đến hoạt động phân phối điện; chưa hướng dẫn việc xác định giá thành cho hoạt động treo cáp thông tin để thống nhất việc quản lý giữa các Tổng Công ty Điện lực; EVN cấp cho EVN NPC số tiền 3.157.000.000 đồng từ nguồn vốn khấu hao cơ bản để xây dựng Trường dân tộc nội trú cho huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu là không đúng với mục đích sử dụng nguồn vốn khấu hao cơ bản.

Liên quan đến thương vụ đầu tư vào EVN Telecom, Công ty mẹ EVN đã gây mất vốn nhà nước số tiền 2.425.830.774.995 đồng; việc EVN và Viettel ký Hợp đồng chuyển giao EVN Telecom, hạ tầng viễn thông của EVN sang Viettel trong đó quy định EVN không thu phí trong vòng 30 năm đối với toàn bộ hệ thống cáp viễn thông chuyển giao sang Viettel và các tuyến cáp của Viettel đã, đang và sẽ triển khai trong toàn bộ hệ thống cột điện của EVN trong hiện tại và tương lai dẫn đên việc Viettel giảm giá thành dịch vụ viễn thông, tăng lợi nhuận hàng năm là 354.272.376.050 đồng và EVN sẽ giảm một khoản doanh thu tương ứng hàng năm là chưa hợp lý.

Công ty mẹ EVN và Viettel chưa xử lý khoản công nợ liên quan đến việc bàn giao tài sản viễn thông gồm: 1.592.776.425.586 đồng là khoản tiền EVN Telecom phải trả các Tổng công ty Điện lực; 1.529.830.802.136 đồng là khoản tiền Viettel nhận nợ, thanh toán cho các đối tác của EVN Telecom, 5 Tổng công ty Điện lực; 5.568.803.143.346 đồng là khoản tiền phải thanh toán cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng của EVN Telecom, 5 Tổng công ty Điện lực và NPT; 2.703.787.273.654 đồng là khoản tiền phải trả cho EVN.

Đối với việc bàn giao bàn giao tài sản lưới điện 110 KV, Công ty mẹ EVN chưa hướng dẫn NPT và các Tổng công ty Điện lực thanh toán dứt điểm việc bàn giao tài sản lưới điện 110 KV với số tiền là 1.091.000.000.000 đồng; chưa hướng dẫn EVN NPC thanh toán dứt điểm tổng số tiền 829.764.547.590 đồng với EVN Hà Nội và Công ty TNHH MTV Hải Phòng việc bàn giao tài sản thuộc Dự án ADB (Tổng công ty Điện lực Hà Nội số tiền 534.284.463.774 đồng, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải phòng số tiền 295.480.083.816 đồng).

Giám đốc Nhà máy Thủy điện Sơn La, Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3, Nhà máy thủy điện Ankhe Knack không xác định thời điểm trích khấu hao tài sản là thời điểm tài sản sẵn sàng sử dụng (các bên ký biên bản nghiệm thu bàn giao tài sản) là chưa đúng với quy định tại Điều 2, Thông tư số 203/2009/TT- BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính “Nguyên giá tài sản cô định hữu hình là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có tài sản cố định hữu hình tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào trạng thái sẵn sàng sử dụng”; việc trích khấu hao các công trình đường giao thông Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3, Nhà máy thủy điện Ankhe Knack không đúng thời gian đăng ký với cơ quan thuế là chưa đúng với quy định tại Khoản 4, Điều 13, Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 “Phương pháp khấu hao áp dụng cho từng TSCĐ mà doanh nghiệp đã lựa chọn và đăng ký phải được thực hiện hợp nhất quán trong quá trình sử dụng TSCĐ”.

Khởi Nguyên
Theo tapchimattran.vn

Từ khóa: