TP.HCM tiếp tục lên kế hoạch đầu tư nhiều dự án giao thông lớn nhằm giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc đường vào cảng Cát Lái, cảng container quốc tế lớn nhất Việt Nam, đầu mối trọng điểm trong hệ thống cảng biển khu vực Đông Nam bộ.
“Điểm đen” ùn ứ giao thông
Cảng Cát Lái (quận 2, TP.HCM) thu hút lượng hàng khoảng 66,3 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 40% sản lượng hàng container qua cảng biển cả nước. Lưu lượng xe container trên các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái như xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Vành đai 2 (từ cầu Phú Mỹ đến vòng xoay Mỹ Thủy)… rất lớn, khiến tình trạng ùn tắc diễn ra thường xuyên.
Anh Trình Văn Quyền (ngụ tại quận 9, TP.HCM), một lái xe container thường xuyên chạy tuyến các khu công nghiệp Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai) về cảng Cát Lái cho biết, với các tài xế như anh, tình trạng kẹt xe các tuyến đường vào cảng Cát Lái đã trở thành chuyện rất thường tình. Cá biệt có những chuyến xe hàng từ Khu công nghiệp Amata về cảng Cát Lái cự ly hơn 20 km mà thời gian lưu thông tới vài giờ.
Nhiều năm qua, TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp công trình và phi công trình để giải quyết nạn kẹt xe cho khu vực cảng Cát Lái. Theo đó, Thành phố đã ứng dụng công nghệ thông tin vào điều tiết giao thông trên các tuyến đường và giải quyết thủ tục giao nhận hàng, thanh toán qua mạng. Thành phố cũng đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nâng cấp xa lộ Hà Nội, nút vòng xoay Cát Lái, Vành đai 2… và gần đây nhất là nút giao thông Mỹ Thủy.
Từ cuối tháng 6/2018, khi nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn I thông xe một phần, tình trạng ùn tắc có giảm, nhưng vẫn xảy ra ở những điểm thắt nút như cầu vượt Cát Lái, nút giao thông An Phú - Lương Định Của, cầu Mỹ Thủy... Nguyên nhân chủ yếu là hạ tầng không theo kịp sự gia tăng của lưu lượng xe tải, xe container ra vào “ăn hàng” tại cảng này.
Theo đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cảng Cát Lái chưa được giải quyết triệt để do hạ tầng giao thông khu này chưa được đầu tư đồng bộ, không có đường chuyên dùng, mọi loại xe ra vào cảng đều đi qua hướng duy nhất là đường Nguyễn Thị Định.
Tiếp tục đầu tư nhiều dự án lớn
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, trong năm 2020 và các năm tới đây, Thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng nhiều nhóm dự án, công trình để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Theo đó, nhóm dự án giải quyết ùn tắc quanh khu vực cảng Cát Lái là nhóm trọng điểm được ưu tiên hàng đầu.
Các dự án thuộc nhóm này sẽ được Thành phố phân kỳ chuẩn bị đầu tư, đầu tư từ nay đến năm 2025. Cụ thể, để giải quyết điểm “nóng”, giải pháp căn cơ nhất là đẩy nhanh tiến độ đầu tư khép kín tuyến Vành đai 2.
Trong khi chờ khép tuyến Vành đai 2, trước mắt, TP.HCM đầu tư mở rộng các tuyến đường xung quanh cảng. Theo đó, Thành phố sẽ nâng cấp, mở rộng các tuyến đường hiện hữu như Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh (đoạn nút giao Vành đai 2 - đường Nguyễn Thị Tư; đoạn nút giao Vành đai 2 - đường Nguyễn Thị Định), Lương Đình Của, Đồng Văn Cống.
Đặc biệt, UBND TP.HCM dự kiến mở tuyến đường liên cảng bám theo bờ sông Sài Gòn nối cảng Cát Lái - cảng SP ITC - đường Nguyễn Thị Tư. Các dự án nâng cấp đường sẽ tăng lưu lượng xe khu vực cảng Cát Lái, giúp liên kết đa hướng, giải phóng ùn ứ phương tiện giao thông. Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, ước tính, nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án khép kín Vành đai 2 khoảng 20.000 tỷ đồng, trong đó khâu giải phóng mặt bằng đã tiêu tốn khoảng 14.000 tỷ đồng...
Ngọc Tuấn
Theo Báo Đầu tư