Lãi suất huy động chỉ còn 9%/năm. Ngân hàng quyết tâm "tung" tiền vào nền kinh tế. Như vậy, thị trường hoàn toàn có thể tin tưởng sẽ có một đợt "bão" tín dụng trong thời gian tới.
Lãi suất huy động chỉ còn 9%/năm. Ngân hàng quyết tâm "tung" tiền vào nền kinh tế. Như vậy, thị trường hoàn toàn có thể tin tưởng sẽ có một đợt "bão" tín dụng trong thời gian tới.
Từ ngày 11/6, trần lãi suất huy động chỉ còn 9%/năm. Nhiều người đã tranh thủ đáo hạn sổ tiết kiệm trước khi mức lãi suất này chính thức được áp dụng. Không chỉ người gửi tiết kiệm tranh thủ mà các NHTM càng đặc biệt tranh thủ.
Khen ai khéo vẽ trò vui thế!
Bằng chứng cho thấy, ngay sau cuộc họp với nhóm G14 hồi cuối tháng 5, thông tin sẽ có tiếp đợt hạ trần lãi suất nữa trong tháng 6 đã khiến hiện tượng "đi đêm" lãi suất lại tái xuất giang hồ! Vì sao? Vì ngân hàng phải tranh thủ huy động vào lấy vốn cho đợt tăng trưởng tín dụng vượt bậc sắp tới. Trong khi đó, lãi suất huy động giảm, giảm mạnh sẽ khiến người dân không còn coi đây là kênh "đầu tư". Nguồn vốn huy động sẽ giảm.
Vàng đang lên, USD cũng nhấp nhổm tăng nên sẽ bắt đầu hấp dẫn trở lại. Với những người nhiều tiền hơn thì đây là thời điểm thích hợp để ngó sang bất động sản. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây cũng là thời điểm thích hợp cho những người có nhu cầu mua nhà để ở. Bộ trưởng Dũng cho biết: việc cho phép xây dựng căn hộ 25m2 (theo Luật Nhà ở năm 2005, nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu là 45m2, nhà ở xã hội dao động từ 30m2 đến 60m2) sẽ được đưa vào nội dung vào nghị định, kèm theo đó là chương trình nhà ở quốc gia.
Lại nói về bất động sản, cùng với việc thành lập công ty mua bán nợ xấu ngân hàng (với dự tính xử lý khoảng 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng). Vẫn đang còn nhiều tranh luận xung quanh việc lấy đâu tiền cho công ty này hoạt động; phân loại và định giá các món nợ này như thế nào để không thất thoát vốn... thì NHNN lại tung tiếp ra "chiêu dự án" về việc hỗ trợ vốn cho vay mua nhà với người thu nhập trung bình và thấp. Dự án này, nói như Thống đốc Nguyễn Văn Bình, là giúp nhanh chóng giải tỏa hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản. Kích cầu (nhà ở) thì tất nhiên hàng hóa bán chạy! NHNN với Bộ Xây dựng đúng là người tung kẻ hứng. Nhưng hơi "vô lý" ở chỗ sao bỗng dưng NHNN lại "nhảy" vào bất động sản? Phải chăng vì vốn ngân hàng đang đọng quá nhiều ở đây?
Có thể thấy việc thành lập công ty mua bán nợ quốc gia là cứu NHTM khỏi những khoản nợ đã xấu, còn dự án cho vay mua nhà sẽ là biện pháp cứu các NHTM khỏi những khoản... sắp thành nợ xấu. Vì không ít khách hàng vay vốn của ngân hàng hiện chính là các chủ đầu tư dự án xây dựng, bao gồm cả nhà ở thương mại và nhà ở cho người có thu nhập thấp. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này thừa nhận, do không có vốn đầu tư tiếp (không còn đủ điều kiện vay hoặc không dám vay ngân hàng vì lãi suất quá cao) khiến công trình xây dựng của họ dở dang, vốn chết ở đó. Nay ngân hàng có chính sách hỗ trợ người mua nhà - tức tạo cầu cho thị trường, cộng thêm chính sách nhà ở 25m2 của Bộ Xây dựng nữa, cầu thực về nhà ở càng tăng. Đó chính là lối thoát cho cả chủ đầu tư lẫn ngân hàng.
Quá mù ra mưa?
Trên cơ sở giảm mặt bằng lãi suất lần này, các NHTM đã giảm lãi suất cho vay. Ngay trong ngày 7/6/2012, ngày Thống đốc NHNN tuyên bố hạ trần lãi suất về 9%, BIDV đã ra thông báo hạ tiếp lãi suất cho vay. Cụ thể, trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các đối tượng ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ) là 12%/năm. Mức lãi suất này cũng được áp dụng cho chuỗi liên kết "4 nhà", nhà ở thu nhập thấp và cả chương trình tín dụng 4.000 tỷ đồng dành cho khách hàng vay mua nhà. Vậy ra, bất động sản lúc này cũng thành lĩnh vực được ưu tiên (?!).
Từ vay mua nhà (tín dụng tiêu dùng) với lãi suất thấp như trên, sẽ có người nghĩ đến việc mang vốn đó sang đầu tư chứng khoán. Nhiều người cùng nghĩ như thế, sẽ tạo thành sóng mới cho thị trường này, cho dù đây vẫn là lĩnh vực chưa được NHNN cởi trói. Thực tế việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích là chuyện thường, người vay vẫn làm thế, ngân hàng cũng thừa biết như thế. Bằng chứng là sắc xanh đang trở lại TTCK trong tuần đầu tháng 6. Thống đốc NHNN không đưa ra dự báo về mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay, nhưng Thống đốc nhấn mạnh, ngân hàng cần hỗ trợ cho mức tăng trưởng kinh tế kỳ vọng là 6-6,5%. Như vậy, thị trường hoàn toàn có thể tin tưởng sẽ có một đợt "bão" tín dụng trong thời gian tới.
"Tiền không phải là giấy". Câu nói này có vẻ không đúng lắm. Vì thực tế tiền là giấy, nhưng là loại giấy đặc biệt, được in ra với sự ngang giá tương đối của hàng hóa trong nền kinh tế. Nhưng đúng như Thống đốc NHNN thừa nhận, đã cung ra một lượng tiền lớn "khủng khiếp": NHNN đã mua vào 9 tỷ USD để cung ứng ra thị trường 180 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, trong tháng 2/2012, NHNN đã bơm ra 60 nghìn tỷ đồng tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn. Trước đó, cuối năm 2011, NHNN cũng tung ra 30 nghìn tỷ đồng khác để hỗ trợ thanh khoản một số ngân hàng... Và từ nay đến cuối năm, lãi suất hạ và để bảo đảm tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5%, tín dụng sẽ có mức tăng trưởng tương ứng 12 - 13%.
Như vậy, tính từ nay đến cuối năm, mỗi tháng sẽ có 50.000 tỷ đồng vốn tín dụng bơm ra thị trường. Không chỉ có thế với việc "kích hoạt" các chính sách nhằm tăng tổng cầu thì từ nay đến cuối năm mỗi tháng vốn đầu tư từ ngân sách có thể được giải ngân đến 21.000 tỷ đồng (tính theo mức bình quân đã giải ngân của 5 tháng đầu năm và theo kế hoạch sử dụng ngân sách của Chính phủ). Như vậy, từ nay đến cuối năm, cộng cả tín dụng, mỗi tháng hơn 70.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường (?!) Vẻ như tiền đúng là đang nhiều như giấy! Lạm phát có nguy cơ bùng phát. Đó không chỉ là cảnh báo từ WB, IMF mà ngay cả các chuyên gia trong nước cũng bắt đầu lo ngại về vấn đề này. Duy trì tốc độ tăng trưởng, đồng thời kiềm chế được lạm phát.
Chính phủ, các chuyên gia đã có nhiều tranh luận về "nhiệm vụ bất khả thi" này. Nhưng đại đa số người dân, trong bối cảnh tương lai nền kinh tế thế giới còn nhiều bất định như hiện nay, sẽ chọn kiềm chế lạm phát. Kinh tế tăng trưởng có thể mang lại lợi ích lâu dài, nhưng nếu lạm phát tăng vù vù, cuộc sống người dân cứ vật lộn với bữa cơm hàng ngày thì liệu còn công sức đâu mà cống hiến cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước?
Theo Doanh nhân