Sự kiện hot
6 năm trước

BTV Quang Minh cắt bỏ nội dung hấp dẫn vì không muốn mẹ tù nhân bị HIV đau lòng

BTV Quang Minh cắt bỏ nội dung hấp dẫn vì không muốn mẹ tù nhân bị HIV đau lòng

BTV Quang Minh

- Anh từng tham gia tổ chức sản xuất và dẫn nhiều nhiều chương trình của VTV tuy nhiên với chuỗi chương trình "Chúng tôi là chiến sĩ" và "Bữa trưa vui vẻ'' khán giả ấn tượng và nhớ anh nhiều hơn. Đã hơn 8 tháng qua anh gần như không xuất hiện trên sóng, được điều chuyển vào Đà Nẵng để làm việc. Có ý kiến nói rằng, nhà báo Quang Minh "lùi ba bước để tiến 4 bước" trong sự nghiệp. Anh nói sao về điều này?

Không phải lùi để tiến như bạn hỏi đâu. Cũng như nhiều người đã hỏi tôi và tôi chia sẻ trên trang cá nhân, hiện nay tôi đang được điều động tăng cường vào hỗ trợ mảng sự kiện và giải trí cho VTV8 - khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Trong thời gian vừa qua, tôi cùng anh chị em trong ê kíp của VTV8 đã thực hiện được một số chương trình để lại ấn tượng tốt với khán giả như: Hành trình hạnh phúc (giờ đã thành chương trình thường niên để chào đón năm mới), xây dựng đội ngũ tư duy và sản xuất VTV đặc biệt (ngay từ bây giờ đến 2020 sẽ đưa vào sản xuất và phát sóng), các sự kiện lớn của các tỉnh thành như Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, các lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Phú Yên, tỉnh Quảng Ngãi, 20 năm Di sản Hội An, Mỹ Sơn, các sự kiện giải trí, văn hoá, xã hội... nhằm làm giàu nội dung trên kênh truyền hình quốc gia VTV8.

Bên cạnh đó tôi cũng sẽ viết một số format gameshow truyền hình mới, phù hợp đối tượng và văn hoá miền Trung - Tây Nguyên để phục vụ khán giả khu vực này.

BTV Quang Minh

- Việc anh xa nhà bao gánh nặng từ chăm con đến dạy dỗ nhờ cả vào vợ, anh có thấy áy náy với bà xã?

Thực ra tôi không nói ra nhiều vì mỗi lần đề cập đến vấn đề này anh em đi làm xa nhà sẽ gọi là "vấn đề nhạy cảm". Chắc chắn là áy náy rồi, tuy nhiên tôi may mắn khi bà xã lúc nào cũng ủng hộ chồng trong công việc. Thực sự nếu không ủng hộ tôi khó hoàn thành nhiệm vụ được. Phải cảm ơn và trân quý sự hy sinh này của bà xã lắm. Chính vì thế tôi cũng thu xếp thỉnh thoảng ra thăm vợ bằng cách tranh thủ công việc, công tác, săn vé giá rẻ của đủ các hãng bay (nhiều khi mua được vé hí hửng lắm rồi lại vướng lịch công tác, huỷ vé... buồn mất mấy ngày).

Các con cũng lớn rồi, các cháu ngoan nên mỗi khi "nhà có biến" là mẹ cháu lập tức cầu cứu từ xa, bố sẽ điện thoại video về nhà và trấn an, đàn áp ngay tức khắc. Đến bây giờ mọi việc đã khá quen, đi vào nề nếp nên bản thân bà xã có hơi vất vả một chút cũng ráng hy sinh vì sự nghiệp của chồng.

BTV Quang Minh

- Bố anh - nhà báo Trần An Duyệt - từng có nhiều đóng góp trong lĩnh vực báo chí. Không chỉ anh mà ngay cả chị gái BTV Hà Trang - hiện là Trưởng phòng Công Nghệ của VTV2 cũng theo nghề báo giống bố. Có phải vì "cha truyền con nối" nên anh yêu và gắn bó với VTV nhiều năm qua hay bởi điều gì khác?

Thường đây là dịp cả nhà tôi cùng quây quần, kiểu như họp gia đình vì ngày này cũng là ngày nhà tôi trân trọng, như một ngày truyền thống của gia đình. Hồi bố còn sống, ông thường hay tổ chức ăn uống trong nhà, kể cho cả nhà nghe về những kinh nghiệm làm báo của ông. Ông yêu VTV hơn bất cứ gì trên đời. Tôi cảm nhận được ở ông một lòng nhiệt huyết như thế. Và cũng thật sự may mắn khi mình được truyền lửa nhiệt huyết đó từ ông.

Còn tôi cũng vậy, yêu công việc, yêu cơ quan, hay nghĩ cách làm mới, khác biệt, luôn học hỏi của các cô chú, anh chị đi trước và học các bạn trẻ mới ra trường...

BTV Quang Minh

- Ngày báo chí Việt Nam sắp tới gần, anh có thể chia sẻ kỷ niệm đặc biệt về nghề báo mình từng trải qua?

Một kỷ niệm không thể quên trong ngày 21/6/2018, tôi có mặt trong ê-kíp sản xuất chương trình đặc biệt Dáng đứng Việt Nam. Đây là một chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm thương binh liệt sĩ, được lãnh đạo Đảng, nhà nước, lãnh đạo Bộ Lao động thương binh và xã hội, lãnh đạo Đài, và quan trọng là khán giả đón nhận, đánh giá cao và được Hội đồng giải báo chí quốc gia trao tặng giải A, giải cao nhất và tôi đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng giải đó. Năm nay tôi rất vui vì cùng với ê kíp của mình vừa nhận giải C giải Báo chí quốc gia cho bộ phim "Những cuộc gặp trong tù".

- "Những cuộc gặp trong tù" anh và ê-kíp thực hiện tôi đã xem và xúc động vô cùng. Anh có thể chia sẻ câu chuyện hậu trường khi thực hiện tác phẩm này?

Ý tưởng làm bộ phim này có từ rất lâu khi một lần đi trên đường vào Nghệ An tôi gặp một nhóm phạm nhân đang đi lao động. Tuy nhiên qua nhiều lần trao đổi ý tưởng với bạn bè đồng nghiệp và thậm chí gặp gỡ một số cán bộ trong ngành công an, sau khi nghe phản biện ý tưởng tôi thấy lúc đó chưa thực sự khả thi.

Mãi đến sau này tôi mới thực sự nghĩ đến "Phòng thăm thân". Mỗi khu trại giam đều có một khu vực dành cho người nhà của phạm nhân lên thăm nuôi và ở đó tôi nhận thấy đây chính là ranh giới giữa tự do và nhà tù. Ở đó chứa đựng rất nhiều câu chuyện được trao đổi giữa phạm nhân và người nhà. Ở đó có nước mắt, có lời xin lỗi, có sự chia ly, có sự tha thứ... và câu chuyện của tôi muốn nói đến chính là những câu chuyện của phạm nhân và gia đình họ. Những câu chuyện này chính là ví dụ thực tế của sự trả giá cho những hành vi vi phạm pháp luật, những mong xã hội tốt đẹp hơn.

Ngay lập tức, tôi đã báo cáo đề tài trước Hội đồng xét duyệt phim VTV đặc biệt, nhận được nhiều sự tin tưởng về thành công của bộ phim này với cách quay thực tế, sử dụng các góc giả lập camera an ninh được gắn trong phòng giam, trong trại giam, trong khu thăm thân... với những câu chuyện hoàn toàn thực tế, hạn chế tối đa sự can thiệp của đạo diễn lên nội dung, bởi nội dung hoàn toàn phụ thuộc vào chính câu chuyện của phạm nhân và người nhà.

Trong quãng thời gian hơn nửa năm, quay trên 13 trại giam trải dài từ Điện Biên, Sơn La, Hải Phòng đến tận Bình Phước, Long An... với hàng trăm phạm nhân và người nhà, chúng tôi đã chắt lọc ra được hơn 10 câu chuyện để đưa vào các tập phim sau này. Thực sự là một khối lượng công việc khổng lồ. Khó khăn nhất là trao đổi để phạm nhân và người thân của họ hiểu về công việc này vì đâu phải ai cũng muốn mình và người thân chường mặt lên màn hình nói về chính tội lỗi của mình. Điều này thực sự rất khó.

BTV Quang Minh

Đó là chưa kể, có những câu chuyện đã quay xong, xem rất cảm xúc nhưng chúng tôi quyết định bỏ, không phát vì có thể sau khi phát sóng sẽ giết chết hy vọng của một người mẹ - một phạm nhân là con một trong nhà, chưa có vợ con, bố mất sớm, mẹ già đã 90 tuổi nhưng hàng tháng vẫn bắt xe ôm vào trại giam thăm con, những mong con ra tù sẽ lấy vợ, sinh con như bao người khác... nhưng ước mơ đó của bà sẽ không bao giờ thực hiện được bởi con trai bà đang mắc HIV giai đoạn cuối. Mặc dù được sự đồng ý của phạm nhân và gia đình nhưng chúng tôi vẫn quyết định loại bỏ câu chuyện đó. Vì bà mẹ chưa biết đến căn bệnh của con trai.

Có muôn vàn câu chuyện tương tự chúng tôi cân nhắc khi đưa vào nội dung phim. Với 5 tập phim, 2 tập dài trên 40 phút và 3 tập ngắn 20 phút, chúng tôi đã nhận được nhiều chia sẻ, nhiều sự đồng cảm và ý kiến của khán giả và bạn bè đồng nghiệp.

- Báo chí cũng đã viết nhiều về anh như là một trong những nhà báo mà mỗi lần xuất hiện là một sự thành công. Hôm nay tôi muốn hỏi thật là anh có thất bại bao giờ không và khi ấy làm gì để vượt qua?

Tôi và cả đội ngũ luôn cố gắng hết sức để không bao giờ xảy ra sự thất bại. Tuy nhiên, cũng có nhiều lúc không thành công chứ, nhưng vì có mấy ai nói ra thất bại của tôi đâu. Có nhiều lúc, trăn trở tìm hướng đi mới cho các chương trình đã quen thuộc với khán giả truyền hình. Ví dụ: Chúng tôi là chiến sĩ, Hãy chọn giá đúng, Cà phê sáng với VTV3 những năm 2013 - 2014 chẳng hạn, họp hành liên miên, thay đổi mãi chưa ưng, không phải vì dở mà vì chưa thực sự thấy hấp dẫn như mong muốn.

Sau này là Bữa trưa vui vẻ (VTV6). Nói đến chương trình này, có lẽ đây là chương trình lấy của tôi và ekip nhiều chất xám nhất đấy. Vì yêu cầu mỗi năm phải thay đổi format một lần. Mà đương nhiên năm sau phải hay hơn năm trước. Có lúc thất bại thực sự, tôi đã phải tự nói với bản thân là sao qua một năm mà không thay đổi được? Thất bại ư? Không nghĩ ra được gì ư? Và sau đó, cùng với ekip chúng tôi lại cho ra những format mới của Bữa trưa vui vẻ, cách thức tương tác mới giao diện mới bắt mắt và gần khán giả hơn. Ra format trễ, tôi cũng đã coi là thất bại rồi.

Với tính chất là một chương trình truyền hình tương tác trực tiếp với khán giả thông qua công cụ là mạng xã hội, sẽ có nhiều phức tạp, rủi ro nhưng cũng vô cùng hấp dẫn, cho đến này, chương trình vẫn nhận được sự yêu mến của khán giả, điều này thật sự may mắn. Sống trong áp lực kể ra cũng thích chứ không thấy đau khổ gì bạn ạ.

BTV Quang Minh

- Nhiều người nói làm báo thời nay áp lực quá vì đôi khi phải chạy theo view. Là người làm lâu năm ở VTV với một môi trường báo chí chính thống, anh có nhìn nhận gì về báo chí nói chung hiện nay?

Nói như cách đặt câu hỏi của bạn cũng đúng, nhiều báo hiện nay phải chạy theo "view" để từ đó mới có nguồn thu... Tuy nhiên, tôi nghĩ: View có hay không trước tiên ở vấn đề bạn làm nội dung gì? Cho ai? Ở đâu? Khi nào? Và cách làm ra sao? Dựa trên những câu hỏi đơn giản đó thôi, khi một sản phẩm làm ra, mình tập trung chọn đề tài và sản xuất nội dung tốt, hình ảnh bắt mắt, tư duy cách làm mới, sẽ hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, việc quảng bá cho mỗi sản phẩm là điều không thể thiếu, nhưng phải tiết chế để sản phẩm luôn là một điều gì đó lôi cuốn người xem. Sử dụng mạng xã hội làm công cụ để quảng bá sản phẩm truyền hình hiệu quả chứ không trao sản phẩm của mình cho mạng xã hội như các facebooker, youtuber... đang làm. Khuyên các bạn trẻ tôi không dám nói nhiều đâu, bởi làm nghề báo không thể cứ nói là ngấm, là hiểu, là biết làm mà phải từ cảm nhận, từ tình yêu, từ hướng tư duy sáng tạo của mỗi người sẽ cho ra đời những sản phẩm hay, mang dấu ấn của chính các bạn và tập thể mà trong đó bạn là một mắt xích quan trọng.

Sơn Hà
Thiết kế: Võ Tú Uyên

Theo Vietnamnet

Từ khóa: