Nhiều dự thảo luật quan trọng được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này, giúp bức tranh kinh tế Việt Nam thêm tươi sáng, trong đó có Luật hỗ trợ DNNVV.
Bức tranh kinh tế sáng màu sau kỳ họp Quốc hội
Sau gần 1 tháng làm việc, Quốc hội đã tập trung xem xét, thông qua nhiều dự án luật quan trọng và một số dự thảo nghị quyết đóng vai trò then chốt làm tăng gam màu sáng cho bức tranh kinh tế Việt Nam. Trong đó phải kể đến Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cũng tại kỳ họp họp này, Quốc hội dành gần một tuần để xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016. Các đại biểu đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017, phê duyệt quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015...
Đáng chú ý, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này đã đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, tạo sân chơi bình đẳng và là tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Một trong những điểm nổi bật của Luật là hỗ trợ DNNVV thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Theo thống kê, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tới 95% trong tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, đóng góp trên 40% GDP, thu hút hơn 50% tổng số lao động, chiếm 17,26% tổng nộp ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, Luật hỗ trợ DNNVV vừa được thông qua cung cấp kênh tiếp cận vốn đa chiều cho doanh nghiệp, với 3 loại quỹ: Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Ngày 21/6 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết này có một số nội dung rất tích cực và được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu ở Việt Nam.
Theo Nghị quyết, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu theo giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Quy định này sẽ giải phóng các khoản nợ xấu vẫn bị "treo" từ trước đến nay do những người chịu trách nhiệm xử lý nợ xấu không dám bán nợ xấu với giá thị trường nhưng lại thấp hơn giá sổ sách, vì họ có khả năng bị kết tội làm thất thoát tài sản của tổ chức và cá nhân khác.
Hiện tại, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống TCTD ở mức dưới 3% tổng dư nợ cho vay, tuy nhiên nếu tính cả nợ xấu tại Công ty quản lý quỹ tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì tỷ lệ này lên tới 10,8% dư nợ nền kinh tế.
Nghị quyết quy định các TCTD được phép bán nợ xấu cho tổ chức, cá nhân mà không bắt buộc phải là các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh bán nợ. Việc hình thành thị trường mua bán nợ công khai giúp thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu.
Tại Kỳ họp thứ 3 này, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Khái toán cho thấy cần 23.000 tỷ GPMB dự án này. Sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất và nhu cầu vận tải hàng không ngày càng tăng cao, khiến việc triển khai dự án sân bay Long Thành trở nên cấp bách hơn.
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư một lần cho toàn bộ Dự án sẽ tạo sự đồng nhất về chính sách bồi thường, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện của người dân. Bên cạnh đó, người dân trong vùng Dự án sẽ được di dời để yên tâm đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới vì hiện nay việc sử dụng đất của người dân bị hạn chế, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng kéo dài trên 12 năm bởi quy hoạch của Dự án.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hoá mỗi năm.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn:
- Giai đoạn I (đến 2025): Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
- Giai đoạn II (đến năm 2035): Tiếp tục đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách để nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
- Giai đoạn III (sau năm 2035): Hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Trần Ngọc
Theo VOV