Sự kiện hot
7 năm trước

Bức tranh tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 (Phần 1)

Kinh tế toàn cầu đã bước vào giai đoạn tăng trưởng mới trong đó châu Á tiếp tục là điểm sáng.

Bức tranh tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017. Ảnh minh họa: Reuters

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 2,7% trong năm 2017, dựa trên khả năng hoạt động giao thương tăng tốc và những diễn biến tích cực trên thị trường năng lượng trong thời gian gần đây, bất chấp các chính sách "hạn chế thương mại" của Mỹ.

Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, WB không đưa ra thêm nguy cơ mới nào đe dọa triển vọng kinh tế thế giới. Nhận định về kết quả này, Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho hay: "Từ rất lâu, chúng ta đã phải chứng kiến nhịp độ tăng trưởng thấp tác động tới cuộc chiến chống đói nghèo, và rất đáng mừng khi thấy những dấu hiệu tích cực đang được củng cố trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu".

Trong thời gian vừa qua, các chỉ số kinh tế tại tất cả các khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi, đều có sự khởi sắc. Tuy nhiên đà tăng trưởng vẫn trồi sụt vì những tác động địa chính trị như môi trường chính sách bất ổn và khó lường của Mỹ, các cuộc đàm phán về vấn đề Brexit, cùng sự cấp bách của việc phải cải tổ các thể chế châu Âu.

Trên thực tế, kinh tế toàn cầu đã bước vào giai đoạn tăng trưởng mới trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016, mặc dù nền kinh tế các thị trường tiên tiến và mới nổi vẫn đối mặt tăng trưởng thấp.

Nhờ vào các biện pháp kích thích trong thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã ổn định trở lại. Trong khi đó, tín hiệu tích cực đã được ghi nhận tại các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ hay những nước châu Á khác, thậm chí là cả Nga và Brazil, những nước đã trải qua suy thoái trong giai đoạn 2014-2016.

Theo dự báo mới nhất của WB, GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, và dự kiến đạt con số 2,9% vào năm 2018. Theo WB, kinh tế Mỹ sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng 2,1% trong năm nay và 2,2% trong năm tới, song còn xa so với mức cam kết tăng 3% trong trung hạn của Tổng thống Donald Trump.

Trong khi đó, WB cũng nâng mức dự báo tăng trưởng đối với Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) so với hồi tháng Một, với GDP dự kiến sẽ tăng 1,7% trong năm nay (tăng 0,2 điểm phần trăm). Ngược lại, định chế tài chính toàn cầu này giảm nhẹ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 6,5% trong năm nay và Ấn Độ xuống 7,2%.

Trong báo cáo Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới do Liên hợp quốc (LHQ) công bố gần đây, tóm tắt về những diễn biến kinh tế thế giới trong sáu tháng qua, đáng chú ý là các nền kinh tế phát triển và những nền kinh tế đang trên đà dịch chuyển đều ghi nhận tăng trưởng vững chắc hơn, với Đông và Nam Á tiếp tục duy trì vị thế là hai khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới.

Báo cáo còn ghi nhận những tín hiệu tích cực liên quan tới môi trường bền vững khi mức khí thải có carbon trên toàn cầu đã chững lại trong ba năm liên tiếp, cùng với đó là sự phát triển của năng lượng tái tạo, những cải tiến trong hiệu quả năng lượng, hay việc chuyển đổi sử dụng năng lượng than đá sang khí tự nhiên...

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo này, đà phục hồi kinh tế tại Nam Mỹ thấp hơn so với dự báo trước đó, trong khi GDP theo đầu người đang chững lại, và thậm chí giảm tại một số vùng ở châu Phi. Dự báo tăng trưởng GDP tại một số quốc gia thuộc nhóm nước kém phát triển nhất trên thế giới (LDC) cũng giảm so với dự báo hồi tháng Một năm nay.

Nếu xét tốc độ tăng trưởng hiện tại và giả sử không giảm thiểu được tình trạng bất bình đẳng về thu nhập, thì gần 35% dân số tại các nước LDC vẫn tiếp tục thuộc diện nghèo cùng cực đến năm 2030.

Phương Nga
Theo Bnews/ TTXVN

Từ khóa: