Bị Trung Quốc gom mua nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đã phải tìm cách duy trì sản xuất kinh doanh trong bước đường cùng. Và ở đó, họ đã nỗ lực mở ra hướng phát triển mới qua khe cửa hẹp.
Bị Trung Quốc gom mua nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đã phải tìm cách duy trì sản xuất kinh doanh trong bước đường cùng. Và ở đó, họ đã nỗ lực mở ra hướng phát triển mới qua khe cửa hẹp.
Trí Đức vốn là doanh nghiệp chuyên sản xuất nước cốt dừa cung cấp cho các nhà máy chế biến thực phẩm tại Việt Nam trong gần 20 năm qua. Năm ngoái, khi Trung Quốc sang Việt Nam mua gom, đẩy giá dừa lên gấp đôi, gấp ba, khiến nước cốt dừa sản xuất ra giá cao, không bán được. Mặt khác, nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy cũng giảm mạnh, công ty phải đối đầu với nguy cơ không có việc làm.
Sản xuất nha đam đòi hỏi tỉ mỉ, công phu và phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: M.T
|
Khi không có dừa...
“Có giai đoạn tôi phải đi nhận lột củ mì, lặt ớt gia công cho đơn vị khác. Không dám nghĩ đến tiếng tăm công ty. Cốt làm sao cho công nhân có việc làm, có tiền để ăn cơm hàng ngày,” bà Hoàng Thị Tâm Ái, giám đốc công ty sản xuất thực phẩm Trí Đức kể.
Giữa năm 2011, có lúc giá chanh rẻ, bà nghĩ ra cách mua chanh về lấy nước cốt, bán nước chanh cho các nhà hàng, cơ sở sản xuất thực phẩm, còn vỏ giữ lại làm mứt bán cho các đơn vị làm bánh trung thu. Xoay xở đủ cách, tình cờ bà được người quen cho biết các công ty đang có nhu cầu mua ruột nha đam ngâm nước đường để chế biến thực phẩm.
Bà Ái lại mày mò làm thử hàng tháng trời, đổ đi hàng tấn nguyên liệu. Bà hiểu ra cái khó của nha đam là kích cỡ lá lớn nhỏ khác nhau, lớp vỏ cứng, nhưng ruột rất mềm, nên các công đoạn xử lý khó mà làm máy được. Thêm vào đó, nha đam lại có lớp chất nhầy bao quanh nên rất mau hư, rất dễ nhiễm khuẩn, như vậy việc rửa phải đi theo dây chuyền một chiều. Khay và dụng cụ rửa – cắt đều phải đặt ở trên cao. Nền nhà xưởng phải hoàn toàn sạch sẽ. Công nhân phải mặc quần áo đồng phục đã tiệt trùng, mang khẩu trang, đội nón.
Chồng bà Ái vốn là người có kinh nghiệm trong ngành cơ khí, từng thiết kế những kiểu nồi hơi, chảo sấy, máy móc dùng chế biến nước cốt dừa, nay lại tiếp tục nghiên cứu để thiết kế loại nồi nấu mới dành cho nha đam tươi, sao cho nước đường chỉ sôi vừa tới để những hạt nha đam không bị rã. Cái khó ở đây là miếng nha đam sau khi chế biến chín với nước đường, vẫn giữ được màu trắng, trong, dai, giòn, không bị đường bao phủ cứng ngắc như làm mứt bí, và tuyệt đối không có chất bảo quản. Chiếc bàn kính có gắn đèn sáng choang bên dưới để lựa nha đam cho đúng cỡ hạt lựu là thiết kế cho phù hợp với màu nha đam trắng, trong.
Cuối cùng Trí Đức cũng làm được mẻ nha đam tươi ngâm nước đường, đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không chất bảo quản và có giá cạnh tranh. Việc tự thiết kế được dây chuyền sản xuất đã giúp chi phí chỉ bằng 1/10 so với các nơi khác. Công suất đạt khoảng 50 tấn/tháng, đã có khách mua hàng, nên Trí Đức sẽ tăng gấp đôi công suất trong vài tháng tới.
Đến tái chế rác
Trong bối cảnh giá nguyên liệu bột giấy không ngừng tăng lên, sản xuất có nguy cơ khó khăn, ông Hoàng Trung Sơn, chủ tịch hội đồng quản trị công ty giấy & bao bì Đồng Tiến đã nhìn thấy: “Rác là tiền nếu được tận dụng để tái chế. Vỏ hộp sữa giấy là nguồn nguyên liệu có thể tận dụng lại được lượng bột giấy chất lượng cao”. Ông tìm hiểu và biết, tại Việt Nam, từ trước đến nay vỏ hộp sữa (sữa nước, sữa đậu nành, nước trái cây…) bao gồm sáu lớp, khá cứng, và thường bị vứt rác, trong khi vỏ hộp này có thành phần gồm 70% là bột giấy và 30% là nhôm và nhựa.
Ông Sơn đã kết hợp với công ty Việt Thành, tự nghiên cứu, và sản xuất dây chuyền mới, chỉ tốn khoảng 1 tỉ đồng. Giữa tháng 11.2011 vừa qua, ông khai trương nhà máy tái chế vỏ hộp sữa đầu tiên tại Việt Nam có công suất 50 tấn/ngày. Các thành phần của vỏ hộp, từ giấy cho đến nhôm, nhựa được tái chế hoàn toàn. Mỗi tấn vỏ hộp sữa, có thể thu được khoảng 500kg bột giấy và hơn 200kg nhôm nhựa. Bột giấy làm thành giấy gói hàng, thùng carton. Nhôm, nhựa làm mái lợp.
Nhưng nhà máy đi vào hoạt động, thì vấn đề nan giải là nguyên liệu. Ông Sơn cho biết: hiện một tháng chỉ gom được khoảng 80 tấn nguyên liệu, mà nhà máy cần đến 300 – 400 tấn/tháng mới đạt ngưỡng hoà vốn. Người thu gom lười nhặt lại vì giá thu mua tại vựa ve chai hiện nay chỉ có 2.500 đồng/kg, về đến trạm thu mua là 3.500 đồng/kg và chở đến nhà máy là 4.500 đồng/kg.
Đồng Tiến đang dự kiến sẽ thành lập hàng chục trạm thu mua vỏ hộp sữa từ các vựa ve chai, và nâng giá thu mua vỏ hộp sữa lên 5.000 – 6.000 đồng/kg. Nhưng quan trọng hơn, ông Sơn cho rằng: “Khi ý thức bảo vệ môi trường được nâng cao, người dân sẽ phân loại rác tại nguồn. Khi đó chúng tôi sẽ có đủ nguyên liệu. Thái Lan cũng mất hai năm mới tăng được lượng vỏ hộp thu hồi lên 2 – 3 lần”.
Bích Nga
Theo Sai Gon tiep thi