Đâu là góc khuất của câu chuyện một thương hiệu nội địa nổi tiếng sa sút đến mức chấp nhận sự đào thải nghiệt ngã của thị trường?
Đâu là góc khuất của câu chuyện một thương hiệu nội địa nổi tiếng sa sút đến mức chấp nhận sự đào thải nghiệt ngã của thị trường?
Sau khi hủy niêm yết vì kết quả kinh doanh yếu kém, CTCP Nước giải khát Sài Gòn - Tribeco (mã CK: TRI) vừa công bố thông tin gây sốc: dự định tổ chức ĐHCĐ tính chuyện giải thể.
Thăng trầm Tribeco
Hơn 20 năm qua, Tribeco là thương hiệu quen thuộc với nhiều người tiêu dùng nội địa. Liên tục nhiều năm liền, các sản phẩm của Công ty lọt vào danh sách “Hàng việt Nam chất lượng cao”. Sữa đậu nành Tribeco thậm chí còn được Sở Công nghiệp TP. HCM đề xuất làm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố. Kinh doanh hiệu quả, Tribeco thuộc lứa các doanh nghiệp “hạt giống”, lên sàn chứng khoán ngay từ những ngày đầu. Giai đoạn trước và sau khi niêm yết, Tribeco luôn kinh doanh hiệu quả. Cổ tức tiền mặt hàng năm duy trì đều đặn ở mức 15 - 18%. Vì điều này, suốt một thời gian dài, cổ phiếu TRI lọt vào “mắt xanh” các quỹ đầu tư tên tuổi như VinaCapital, PXP Vietnam Fund, Citigroup Global Market Ltd…
Vào năm 2005, Công ty TNHH Xây dựng & Chế biến thực phẩm Kinh Đô mua lại hơn 35% cổ phần của Tribeco. Khi đó, cuộc hôn nhân Kinh Đô - Tribeco được xem là tốt cho cả hai phía với những giá trị cộng hưởng hứa hẹn. “Đầu tư vào Tribeco, chúng tôi cố gắng tạo ra sự khác biệt với các doanh nghiệp cùng ngành, với hướng đi riêng, cách kinh doanh riêng”, thời điểm đó, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Kinh Đô đã hồ hởi như vậy. Hai năm sau, Tribeco se duyên tiếp với đối tác chiến lược Uni-President - Tập đoàn thực phẩm đến từ Đài Loan.
Được chống lưng bởi hai “đại gia” tầm cỡ ngành thực phẩm, cổ đông Tribeco có lý do để kỳ vọng Công ty sẽ có những đột phá về doanh thu, lợi nhuận. Nhưng kết thúc năm tài chính 2008, Tribeco gây ra cú sốc lớn với toàn thị trường khi công bố lỗ 145 tỷ đồng. Điều không bình thường là 9 tháng đầu năm 2008, Tribeco vẫn đều đặn báo lãi. Cú sảy chân khó hiểu này đánh dấu bước ngoặt lớn khi Tribeco bắt đầu “mất lái”. 12/13 quý liên tiếp sau đó toàn thua lỗ. Quý duy nhất Công ty lãi lại từ thu nhập bất thường của hoạt động chuyển nhượng cổ phần. Tính đến cuối năm ngoái, Tribeco lỗ lũy kế tới 300 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu. Cho dù cả Kinh Đô và Uni-President đã bỏ thêm hàng trăm tỷ đồng trong nỗ lực vực dậy thương hiệu nổi tiếng, nhưng Tribeco ngày càng chìm nghỉm. Trước khi đột ngột đưa ra đề xuất giải thể, năm 2012, Tribeco dự kiến tiếp tục lỗ tới 140 tỷ đồng!
Thương trường như chiến trường
Ở góc độ thông tin chính thống, khi Tribeco liên tục sa lầy, nhiều lần lãnh đạo Công ty đã phải giải trình nguyên nhân với các cổ đông. Chẳng hạn, về con số thua lỗ trong năm 2008, ông Nguyễn Xuân Luân, Tổng Giám đốc Tribeco khi đó cho biết, đầu tư tài chính, chi phí lãi vay khi đầu tư dự án, việc trích lập dự phòng nợ khó đòi khiến Công ty thua lỗ lớn. Với sự yếu kém dai dẳng nhiều quý ở giai đoạn 2009 - 2011 kế tiếp, ông Shen Hung Minh, đại diện của Uni-President lại giải thích nguyên nhân chính đến từ chi phí lập kênh phân phối, chi phí khi tung sản phẩm mới ra thị trường, chi phí tiền lương...
Nhưng thị trường nước giải khát vẫn tồn tại những góc khuất mà chỉ có sự chia sẻ của những người trong cuộc mới làm sáng tỏ phần nào. Cụ thể, trong phân khúc nước đóng chai luôn luôn có một lượng vỏ chai hao hụt khi phân phối.
Có tiềm lực tài chính hùng mạnh, nên các tập đoàn Coca-Cola, Pepsi chọn hình thức khấu hao theo thời gian. Ngược lại, các doanh nghiệp trong nước thường tự ước giá trị thu hồi. Chính cách ghi nhận này khiến các con số lợi nhuận của ngành hàng nước giải khát có thể “nhảy múa”: số lượng vỏ chai thu hồi ghi trên sổ sách kế toán có thể cao gấp nhiều lần con số trong thực tế. “Cú sốc về thua lỗ năm 2008 của Tribeco có một phần lý do từ sự cố vỏ chai đã từng được dư luận phong thanh đề cập”, một lãnh đạo cũ của Tribeco tiết lộ thêm về sự kiện năm 2008.
Tuy nhiên, đây chưa phải là nguyên nhân chính dẫn tới thương hiệu Tribeco trượt dốc dài hạn. Theo lãnh đạo cũ của Tribeco, trước khi đầu tư nhà máy mới ở Bình Dương, Tribeco kinh doanh khá hiệu quả với sản lượng tiêu thụ hàng năm đều đặn 7 - 8 triệu két/thùng. Tuy nhiên, khi hai nhà máy mới ra đời, quy mô sản xuất của Tribeco mở rộng lên nhiều lần. Mạng lưới và hệ thống dự kiến cũng phát triển theo. Các chi phí nở ra tương ứng. Tuy nhiên, Tribeco mở rộng thị phần bất thành từ một nước cờ sai lầm của cổ đông lớn: thay vì quảng cáo - lập kênh phân phối - bán hàng, Tribeco lại xác định gây dựng kênh phân phối sau đó mới đẩy mạnh marketing sản phẩm. Thua lỗ lớn trong năm 2008 và khủng hoảng xảy ra khiến Tribeco không dám mạo hiểm thay đổi chiến lược. Hệ thống phân phối lập nửa chừng, không quảng cáo không thể bán được hàng. Tribeco loay hoay với câu chuyện “con gà và quả trứng”.
Anh Lê Công Tiến, người đã từng làm giám sát khu vực cho Tribeco tại Cái Bè (Tiền Giang) vào năm 2008 đánh giá, Tribeco là thương hiệu rất mạnh, được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt là hàng chai. Chẳng hạn, chỉ mỗi nhà xe Tám Mập, mỗi tháng tiêu thụ cả ngàn két. “Nhưng lương giám sát thì bèo lắm, chỉ khoảng 3 - 5 triệu/người ở tỉnh. Trong khi Tân Hiệp Phát trả từ 15 - 20 triệu cho cùng vị trí. Nhân tài bỏ đi hết, kể cả những người làm lâu năm. Tribeco tháng nào cũng tuyển giám sát nhưng không được người giỏi. Giám sát mới đến phá vỡ hệ thống phân phối, nhà phân phối truyền thống cũng quay lưng. Chạy theo doanh số, giám sát làm chụp giựt, nhân viên bán hàng nghỉ, nhảy việc, làm “2 line”. Bộ máy cấp cao thay đổi liên tục, từ Tribeco đến Kinh Đô sang Tribeco rồi Uni-President, khiến Tribeco mất thị trường”, anh Tiến nhớ lại.
Sự thoái trào của một thương hiệu mạnh như Tribeco cũng có lý do từ sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường nước giải khát nội địa. Nhiều năm nay, thị trường vẫn được dẫn dắt bởi hai người khổng lồ Coca-Cola và Pepsi. Các thương hiệu nội địa dù mạnh như Tribeco hay Nước giải khát Chương Dương vẫn nằm ở chiếu dưới.
Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, trong cuộc chiến với “cối xay gió” của các công ty Việt Nam với các Tập đoàn lớn thế giới, các thương hiệu nội địa chỉ tồn tại nếu phát triển sản phẩm theo các nhánh riêng, tránh đối đầu, cạnh tranh trực diện sản phẩm của những Tập đoàn lớn. Tuy nhiên, với các dòng sản phẩm có thế mạnh như sá xị của Chương Dương hay nước cam của Tribeco, các Tập đoàn lớn chấp nhận bán hòa vốn thậm chí dưới giá thành để kiềm chế thương hiệu Việt Nam. Bù lại, họ gặt hái lợi nhuận trong dòng sản phẩm coke truyền thống, chủ lực.
Lãnh đạo cũ của Tribeco xác nhận điều này và nuối tiếc: “Bị chặn trần giá bán, hiệu quả kinh doanh của các công ty giải khát nội địa như Tribeco trong điều kiện bình thường chỉ ở mức tầm tầm. Vừa đang có vấn đề nội tại, vừa gặp khủng hoảng kinh tế, Tribeco đuối dần và chấp nhận sự đào thải nghiệt ngã của thương trường”.
Cờ tàn vào thế
Anh Mạc Anh Hào, một nhân viên cũ tại Tribeco lại có những chia sẻ theo góc nhìn của người trong cuộc: “Còn một lý do nhỏ sau sự tụt dốc của Tribeco mà người ngoài ít biết, đó là có những lúc, Công ty bị chính đội ngũ nhân sự người Việt chủ động phá vì bất mãn với cách quản lý quá khắt khe của những ông chủ Đài Loan”.
Về Uni-President, chị Ngô Thị Ngân Tuyền, Chuyên viên phân tích ngành hàng thực phẩm của CTCK Kim Eng nhận xét: “Tập đoàn thực phẩm Đài Loan từng rất thành công với sản phẩm mì gói nên không thể đánh giá họ là tay mơ về thực phẩm tại thị trường Việt Nam. Có hai cổ đông lớn đầy tiềm lực, nhưng Tribeco vẫn thua lỗ dai dẳng. Rất khó hiểu!”.
Cần nhắc lại là, năm 2007, Uni-President mua lại 15% vốn cổ phần của Tribeco. Vào cuối năm 2011, con số này là 43,6%. Sau cú sốc năm 2008, Tribeco phải tái cơ cấu tài chính và chuyển nhượng phần vốn góp ở công ty liên kết Tribeco Bình Dương. Người mua lại là Uni-President. Hiện Tập đoàn Đài Loan nắm giữ 100% vốn của Tribeco Bình Dương. Kể từ đó, Tribeco (Sài Gòn) chỉ làm nhiệm vụ phân phối và lập hệ thống, còn Tribeco Bình Dương đảm nhiệm việc sản xuất. Theo Báo cáo thường niên 2011 của Tribeco, Tribeco Bình Dương lại đang sở hữu 20% cổ phần tại Tribeco (Sài Gòn).
Một cựu thành viên HĐQT Tribeco tiết lộ, từ khi nắm 100% vốn tại Tribeco Bình Dương và Tribeco (Sài Gòn) sảy chân, Uni-President nuôi ý định sáp nhập ngược Tribeco (Sài Gòn) vào Tribeco Bình Dương. Dự định này bất thành vì nút thắt pháp lý không thể giải quyết giữa một công ty đại chúng niêm yết và một công ty nước ngoài nắm 100% vốn. Việc Tribeco hủy niêm yết, sau đó là giải thể có thể giúp Tập đoàn Đài Loan thực hiện được tham vọng này. “Khai tử thương hiệu Tribeco Sài Gòn, nhưng còn tên tuổi Tribeco Bình Dương, Tập đoàn Uni-President đã lên kế hoạch giải quyết nhân sự cho những CBNV ở Sài Gòn có nhu cầu tiếp tục làm việc tại Bình Dương”, vị này tiết lộ.
Thêm một việc nữa, trong ĐHCĐ thường niên diễn ra cuối tháng 6 của Tribeco, toàn bộ người của Kinh Đô đã đồng loạt từ nhiệm, nhường chỗ cho người của Uni-President. Thành viên HĐQT người Việt Nam sau đó cũng đã từ nhiệm. Vào đầu năm nay, ông Trần Lệ Nguyên cũng tiết lộ với ĐTCK về định hướng năm 2012 Kinh Đô thoái vốn khỏi Tribeco. Như vậy, Tập đoàn Đài Loan đang kiểm soát hoàn toàn thương hiệu nước giải khát Việt Nam.
PGS. TS. Nguyễn Văn Việt nhìn nhận, trước đây. Coca-Cola đã từng lập liên doanh nước giải khát với Chương Dương. Thua lỗ kéo dài khiến đối tác Việt Nam phải nhượng lại phần vốn. Kịch bản lần này có lẽ tương tự.
Còn ông Lê Hồng Minh, Giám đốc đối ngoại của Tân Hiệp Phát bình luận: “Là một người Việt Nam, thương hiệu Tribeco đã ăn sâu vào ký ức nhiều thế hệ 3x, 4x. Ở góc độ người tiêu dùng, không khỏi ngậm ngùi khi gần đây cứ vài năm lại thấy một vài thương hiệu mạnh Việt Nam theo nhau biết mất. Hội nhập, cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, nhiều Tập đoàn lớn trên thế giới có muôn vàn chiêu thức cạnh tranh mà các công ty Việt Nam có lẽ chưa thể hình dung nổi”.
Theo ĐTCK