Trong giai đoạn năm 2014-2015, tỉnh Cà Mau cần khoản kinh phí trên 50 tỷ đồng để giải quyết các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ.
(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)
Hiện Cà Mau có gần 12.000 hộ với 13 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có hơn 2.800 hộ thuộc diện nghèo và 50% số hộ thiếu đất ở và đất sản xuất.
Toàn tỉnh có trên 1.000 hộ dân có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, 900 hộ nghèo cần được giải quyết nhu cầu về đất ở, 253 hộ cần hỗ trợ về kinh phí để chuộc lại đất sản xuất và gần 800 người dân cần được hỗ trợ giải quyết việc làm.
Thời gian qua, Cà Mau đã ưu tiên tập trung nhiều nguồn lực đầu tư thực hiện các chương trình giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, đào tạo việc làm…
Bên cạnh đó tỉnh còn tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội ở những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thực hiện nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bằng các khoản đầu tư vốn ổ định dân cư, cho vay phát triển sản xuất, tạo việc làm cho từng hộ.
Từ năm 2009 đến 2012, Cà Mau đã dành kinh phí trên 23 tỷ đồng để hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho trên 4.000 hộ nghèo.
Tuy nhiên, hiệu quả từ các chương trình vẫn chưa chuyển biến tích cực và mang tính bền vững khi những vướng mắc từ việc phân bổ nguồn vốn chưa đồng bộ vẫn tồn tại.
Ngoài ra, tâm lý trông chờ, ỷ lại, không tích cực tham gia phát triển sản xuất đang là rào cản chính để các hộ đồng bào dân tộc nơi đây vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bởi vậy, trong năm 2013, dù đã thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ người dân nhưng Cà Mau chỉ thu được kết quả giảm nghèo ở mức rất “khiêm tốn” với 299 hộ thoát nghèo.
Huỳnh Thế Anh
theo Vietnam+