Sự kiện hot
2 tháng trước

Cà phê học bài: Cuộc chuyển mình trong mô hình kinh doanh phục vụ nhu cầu của giới trẻ

Quán cà phê ngày nay không chỉ là địa điểm gặp gỡ bạn bè, giải trí cuối tuần, hay thưởng thức đồ uống mà còn là địa điểm học bài và làm việc yêu thích của giới trẻ. Thời gian gần đây, đông đảo bạn trẻ có thói quen ngồi học bài hàng giờ tại các quán cà phê, kéo theo đó là vô vàn những thách thức đối với các doanh nghiệp. Bài toán kinh doanh cũng như việc cân bằng trải nghiệm khách hàng khiến cho vấn đề này trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

Giải mã thói quen "mọc rễ" tại quán cà phê để làm việc của giới trẻ

Xuất phát từ các nước phương Tây, việc sử dụng quán cà phê làm nơi học tập đã có lịch sử lâu đời. Từ thế kỷ XVI cho đến thế kỷ XVII, các mô hình kinh doanh cà phê ở Trung Đông và châu Âu đã đóng vai trò như một trung tâm dành riêng trao đổi và hợp tác. Đặc biệt, ở Anh, những quán cà phê này thường được gọi là “Penny Universities” - tức là chỉ cần bỏ ra 1 xu để mua cà phê cũng như tham gia vào các cuộc trò chuyện từ nhiều tầng lớp khác nhau.

Tua nhanh tới đầu những năm 2000, với sự phổ biến khắp toàn cầu của mạng Wifi thì những quán cà phê đã trở thành không gian học tập của sinh viên, các freelancer chỉ trong một thời gian ngắn.

Hiện nay, thói quen và nhu cầu này đã được mở rộng và phát triển toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia châu Á như Việt Nam, nơi giới trẻ và đặc biệt là các bạn sinh viên tại những thành phố lớn đón nhận quán cà phê như một không gian học tập.

Hình ảnh giới trẻ học bài không còn gì xa lạ tại các quán cà phê. (Ảnh: Trang Nhung)

Hình ảnh giới trẻ học bài không còn gì xa lạ tại các quán cà phê. (Ảnh: Trang Nhung)

Theo số liệu thống kê từ trung tâm nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, quy mô thị trường cà phê Việt Nam ước tính đạt 511,03 triệu USD vào năm 2024 và dự kiến ​​sẽ đạt 763,46 triệu USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 8,13% trong giai đoạn 2024-2029.

Cũng theo số liệu thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường Mibrand, tính tới tháng 9 năm 2024, cả nước đã có hơn 500,000 quán cà phê, từ những cửa hiệu nhỏ lẻ tại các ngõ phố, đến các chuỗi cà phê hiện đại.

Cùng với đà tăng trưởng không ngừng ấy, mô hình quán cà phê phục vụ nhu cầu học tập đang trở thành xu hướng mà các chủ quán đua nhau theo đuổi trên thị trường đầy tính cạnh tranh.

Điều gì khiến giới trẻ chọn quán cà phê làm nơi học tập?

Nhằm tìm hiểu sâu thói quen đi cà phê để học bài của giới trẻ, một nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát với mẫu là 200 bạn sinh viên, kết quả được thống kê lại như sau:

Infographic nghiên cứu các yếu tố thu hút sinh viên đến quán cà phê để học bài (Thiết kế: Yến Phương)

Infographic nghiên cứu các yếu tố thu hút sinh viên đến quán cà phê để học bài (Thiết kế: Yến Phương)

Từ dữ liệu thu thập được, có thể số thấy sinh viên thường đi cà phê theo nhóm gấp đôi so với đi một mình (66,5% trong tổng số 200 sinh viên tham gia khảo sát). Đại đa số sinh viên đại học thường có các bài tập nhóm đòi hỏi nhiều thảo luận và làm việc chung, vì vậy họ thường chọn quán cà phê làm địa điểm lý tưởng để gặp gỡ và trao đổi. Những sinh viên chọn đi một mình thường cần không gian yên tĩnh để tập trung, do không gian ở nhà có thể không phù hợp cho việc học hoặc không tạo động lực như mong muốn.

Thời gian sinh viên dành cho học tập hoặc làm việc tại quán cà phê mỗi lần thường là 2-3 giờ (43% trong tổng số 200 sinh viên). Các khoảng thời gian 1-2 giờ và 3-4 giờ ít được lựa chọn hơn (lần lượt chiếm 25,5% và 11,5%). Thời gian học tập/làm việc của mỗi sinh viên tại quán cà phê khá phân bổ vì khối lượng công việc của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào khả năng xử lý và quản lý công việc cá nhân.

Những yếu tố thu hút sinh viên đến quán để học bài có sự nhất quán. (Ảnh: Trang Nhung)

Những yếu tố thu hút sinh viên đến quán để học bài có sự nhất quán. (Ảnh: Trang Nhung)

Phần lớn sinh viên cho rằng các yếu tố như đồ ăn, thức uống và âm nhạc tại quán cà phê không ảnh hưởng đến trải nghiệm học tập của họ. Ngược lại, các yếu tố như không gian, dịch vụ và giá cả lại được nhiều sinh viên cho là có tác động đáng kể đến quá trình học tập của họ.

Thói quen đến quán cà phê để học tập, tốt hay xấu?

Thói quen đến quán cà phê để học tập đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ hiện nay. Việc này không chỉ mang đến không gian thoải mái và dễ chịu mà còn giúp sinh viên tìm thấy cảm hứng trong quá trình học hành. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: liệu đây có thực sự là lựa chọn tối ưu cho việc học tập hay không? Một số người cho rằng không gian cà phê có thể gây phân tâm và làm giảm hiệu suất học tập, trong khi những người khác lại nhấn mạnh vào lợi ích của môi trường xã hội và sự sáng tạo mà nó mang lại.

Thói quen đến quán cà phê để học bài của giới trẻ nhận về nhiều ý kiến trái chiều. (Ảnh: Trang Nhung)  

Thói quen đến quán cà phê để học bài của giới trẻ nhận về nhiều ý kiến trái chiều. (Ảnh: Trang Nhung)  

Không gian tại quán cà phê mang lại một sự thoải mái và nguồn cảm hứng mới mẻ cho sinh viên khi học tập hoặc làm việc. Tiếng nhạc nhẹ nhàng, mùi hương cà phê, không khí thoáng đãng giúp tăng cường sự tập trung, sáng tạo. Bên cạnh đó, việc thay đổi không gian từ phòng học, phòng làm việc ngột ngạt đến quán cà phê giúp các bạn trẻ thoát khỏi cảm giác nhàm chán và tìm được sự cân bằng, động lực trong học tập, công việc. Với những ai cần gặp gỡ, làm việc nhóm, quán cà phê cũng là lựa chọn tiện lợi, tiết kiệm so với các không gian làm việc chung khác.

“Hiệu ứng quán cà phê”, có tên tiếng anh là “Coffee shop effect” đã lý giải các lý do mà mọi người sẽ tập trung và sáng tạo hơn khi làm việc tại quán cà phê. Nó liên quan đến việc thay đổi môi trường, não bộ con người ưa thích sự mới mẻ, vì vậy việc thay đổi không gian sẽ kích thích sự sáng tạo, giúp chúng ta làm việc và học tập năng suất hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, quán cà phê có độ ồn lý tưởng, ở mức 70db, giúp mọi người có những cảm hứng mới và tập trung hơn. Lúc này, cơ thể sẽ tiết ra hooc - môn hạnh phúc dopamine, giúp tinh thần sảng khoái và vui vẻ. Ngoài âm thanh, mùi hương của cà phê cũng khiến cho não bộ làm việc năng suất hơn.

Học bài tại những không gian như quán cà phê giúp tăng sự tập trung và cải thiện năng suất sinh viên. (Ảnh: Trang Nhung)

Học bài tại những không gian như quán cà phê giúp tăng sự tập trung và cải thiện năng suất sinh viên. (Ảnh: Trang Nhung)

Với những lợi ích kể trên, thói quen đi cà phê học bài đang dần trở nên phổ biến giữa giới trẻ. Vậy điều này có làm ảnh hưởng đến các khách hàng mong muốn trải nghiệm không gian quán không? Bạn Nguyễn Huyền Đan, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ rằng: “Mình không nghĩ việc này là tốt hay là xấu, còn mình thấy việc các bạn trẻ đến học tập, làm việc hoàn toàn không ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng khác. Vì các bạn trẻ tới học bài luôn có ý thức giữ trật tự rất tốt, nếu có bàn luận thì cũng chỉ ở mức độ vừa phải, và không làm ảnh hưởng đến những ai muốn trải nghiệm đồ uống hay không gian quán.”

Bạn Nguyễn Huyền Đan - sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ quan điểm về thói quen này. (Ảnh: Yến Phương)

Bạn Nguyễn Huyền Đan - sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ quan điểm về thói quen này. (Ảnh: Yến Phương)

Giải pháp hữu ích để chiều lòng tệp khách hàng gen Z

Trước sự phổ biến của nhu cầu học tập tại quán cà phê, các chủ quán đã sớm nhận ra tiềm năng từ thói quen này. Đây không chỉ là một thói quen mới đơn thuần mà đã hình thành từ lâu, và những quán cà phê đã đáp ứng linh hoạt để thích nghi và phát triển cùng nhu cầu của giới trẻ.

Quán Contrast Coffee là một ví dụ tiêu biểu về sự nhạy bén trong việc nắm bắt xu hướng này. Không gian tại Contrast Coffee được thiết kế đặc biệt, phục vụ riêng cho đối tượng sinh viên và những người cần một nơi yên tĩnh để làm việc. Với thời gian hoạt động 24/24, không gian đơn giản, wifi mạnh, và nhiều ổ cắm điện, Contrast đã trở thành một địa điểm ưa chuộng cho nhiều bạn trẻ muốn rèn tính kỷ luật cho bản thân trong môi trường học tập và sáng tạo.

Các bạn sinh viên đến với Contrast Coffee để học bài. (Ảnh: Yến Phương)

Các bạn sinh viên đến với Contrast Coffee để học bài. (Ảnh: Yến Phương)

Một ví dụ khác là chị Nguyễn Thục An, quản lý quán 20 Coffee cũng có cách tiếp cận khác biệt khi được hỏi về dự định xây dựng mô hình phục vụ nhu cầu học tập. “Mình không có dự định đó, vì tại quán đã phân chia không gian thành các khu vực riêng: một khu dành cho các bạn học sinh, sinh viên tập trung học bài, một khu dành cho những cô, chú có thể trò chuyện, trao đổi công việc. Mình thấy sự sắp xếp này giúp tạo ra một môi trường thoải mái và phù hợp những nhu cầu khác nhau của từng nhóm khách hàng”.

Chị Nguyễn Thục An - Quản lý quán cà phê 20 Coffee. (Ảnh: Yến Phương)

Chị Nguyễn Thục An - Quản lý quán cà phê 20 Coffee. (Ảnh: Yến Phương)

Từ những sự điều chỉnh linh hoạt của các quán cà phê như Contrast Coffee và 20 Coffee, một bài học quý giá cho giới trẻ hiện nay là việc lựa chọn địa điểm học tập không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc mà còn góp phần tạo nên trải nghiệm tích cực. Giới trẻ cần phải suy nghĩ kỹ càng về việc chọn quán cà phê nào để đảm bảo môi trường yên tĩnh và thuận tiện cho nhu cầu của mình. Điều đó không chỉ giúp bản thân nâng cao hiệu quả làm việc mà còn tôn trọng không gian chung, tránh gây khó chịu cho những khách hàng khác có mục đích khác nhau.

Yến Phương - Thế Vinh - Trang Nhung
Theo KTĐU

Từ khóa: