Sự kiện hot
12 năm trước

Ca sinh 4 từng được Thủ tướng đỡ đầu bây giờ ra sao?

4 cô bé Hà Nội ra đời trong sự ngạc nhiên của tất cả mọi người. Sự việc 35 năm trước "chấn động" đến mức các bé được chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt tên là Bắc - Nam - Thống - Nhất và nhận đỡ đầu.

4 cô bé Hà Nội ra đời trong sự ngạc nhiên của tất cả mọi người. Sự việc 35 năm trước "chấn động" đến mức các bé được chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt tên là Bắc - Nam - Thống - Nhất và nhận đỡ đầu.

Trong căn phòng mới, rất ngăn nắp và sạch sẽ, rộng gần 40 m2 ở khu tập thể Yên Ngưu (Thanh Trì, Hà Nội), bà Bùi Thị Hương, mẹ của cặp sinh tư nói trên đang sống cùng với cô út Như Nhất và đứa cháu ngoại. Bà mới chuyển đến đây sau 2-3 lần "di cư" từ nhà riêng rồi lại đến tập thể.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp hình lưu niệm cùng 4 cô gái Bắc, Nam, Thống, Nhất và vợ chồng bà Hương tại phủ Thủ tướng. Ảnh do gia đình cung cấp.

Sau lần sinh con gái vào năm 1970, ngày 17.4.1977, bà hạ sinh 4 người con gái tại Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương (Hà Nội). “Tôi sinh thường lúc 7h30 sáng. Trưa ngủ dậy đã thấy cả bệnh viện ầm ĩ, nháo nhác vì lạ. Chưa kịp đặt tên cho các con thì ngay chiều hôm đó bác Phạm Văn Đồng đã cử cán bộ xuống thăm nom, đặt cho con tôi là Bắc, Nam, Thống, Nhất”, người phụ nữ cao ráo, đứng tuổi nhưng vẫn còn đẹp, kể lại.

Bà Hương là mậu dịch viên ở chợ Hôm. Chồng là giáo viên cấp 2. Ca sinh 4 của gia đình bà là trường hợp hiếm gặp lúc bấy giờ nên được nhà nước vô cùng quan tâm, như Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng 12 mét lụa, UBND thành phố Hà Nội và Viện Sức khỏe bà mẹ, trẻ em thường xuyên quan tâm chăm sóc sức khỏe, tặng tiền, đường, sữa. Và đặc biệt, 4 cô bé được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đỡ đầu.

“Đúng mùng 2 Tết, bác Phạm Văn Đồng cùng 7 chiếc ô tô đến nhà tôi ở tập thể Trung Tự. Bác cho sữa, đường, quần áo. Mỗi tháng cho mỗi cháu 5 hào (thời đó một yến gạo tương đương 4 hào), sau tăng lên mấy trăm ngàn đồng cho đến khi các con tôi 18 tuổi. Bản thân tôi được bác cho hưởng 2 lương và nghỉ làm trong thời gian các cháu chưa tròn 6 tuổi. Thỉnh thoảng, bác vẫn cho người đón mẹ con tôi vào văn phòng làm việc của bác để chơi”, bà Hương nhớ lại.

4 chị em Bắc, Nam,Thống, Nhất khi đang là học sinh cấp 2, trường Phương Liên. Ảnh do gia đình cung cấp.

Không chỉ lúc nuôi con vất vả, mà lúc mang thai bà cũng khổ sở. Bà Hương nhớ lại, ngày ấy đi chụp phim bác sĩ bảo có 8 chân, 2 đầu, lúc siêu âm lại thành 8 chân, 3 mình. Bác sĩ chẩn đoán quái thai, nguyên nhân có thể do bà bán cá bể bị nhiễm phóng xạ và khuyên bà bỏ thai.

Quá hoảng sợ nhưng không đành lòng, người mẹ trẻ vẫn cố gắng giữ thai lại, đến tháng thứ 4 thì bị băng huyết. Đi khám, y tá nói thai chết lưu, cho bà uống thuốc đẩy thai ra nhưng không được, bác sĩ nói phải nạo. Do chưa ăn gì, bà bị chóng mặt phải ra bên ngoài, đúng lúc này, một cụ già nói bà chỉ bị động thai, về nhà ăn ngải cứu để cầm máu.

Bà Hương trốn khỏi bệnh viện, làm theo đúng lời bà cụ dặn thì thấy không còn bị ra máu, cân nặng lại tăng vù vù. Đến tháng thứ 7, cơ thể bà trở nên quá to, đứng ngồi không được, bị phù nề, phải vào nằm viện đến tháng thứ 8 thì sinh.

“Tôi sinh vào ngày chủ nhật, các bác sĩ nghỉ làm hết, chỉ có vài cô cậu thực tập. Lúc tôi sinh song 3 cô đầu, họ cứ nghĩ là hết rồi nên suýt bỏ quên đứa cuối, làm cô út bị ra chậm 5 phút. Cơ thể con bé lại nằm ngược, nước ối tràn vào mắt và bị đục thủy tinh thể từ đó”, bà kể.

Chặng đường nuôi 4 cô gái song sinh cũng rất vất vả vì Bắc, Nam, Thống, Nhất cứ “ốm cùng ốm, đau cùng đau”. Một ngày người mẹ phải vắt 8 chai sữa to cho con bú. Để đủ sữa, bản thân bà phải ăn uống gấp đôi người thường. Ngoài sữa, bà còn nấu cháo trộn sữa bò cho các con ăn thêm. Chẳng mấy chốc, từ lúc chỉ nhỉnh hơn 1 kg lúc vừa sinh, cả 4 cô bé đều trở nên trắng trẻo, bụ bẫm. Các cô bé cũng rất hòa thuận, yêu thương nhau.

Gần gũi với con là vậy nhưng bà Hương cũng không thể tránh khỏi những lúc nhầm lẫn đứa nọ với đứa kia:

“Có đứa tôi cho ăn rồi lại nhầm và cho ăn lần nữa. Ngay cả bây giờ khi các cháu đã lớn, tôi vẫn bị nhầm. Bắc và Thống một khuôn mặt, Nam và Nhất một khuôn mặt. Mỗi đứa một tính nết nhưng giọng nói lại như nhau. Trong đó Bắc và Thống giống nhau như hai giọt nước. Thành thử nhiều khi con về thăm, tôi cũng không phân biệt được khi vừa tiếp xúc”, bà chia sẻ.

Từ trái sang, Nhất, Bắc, Nam, Thống. Không chỉ ngày nhỏ mà khi đã trưởng thành, ca sinh tư này vẫn nhận được sự quan tâm của dư luận. Họ từng tham gia chương trình Chuyện lạ Việt Nam (cùng với ca sinh tư Hòa, Bình, Hạnh, Phúc ở Hưng Yên). Ảnh do gia đình cung cấp.

"Bà Hương rất vất vả để nuôi 4 cô con gái sinh tư. Khi ông ấy mất năm 2003, bà ấy càng vất vả hơn. Không có tiền để sang sửa nhà nên bà đành phải bán căn nhà đi rồi chuyển hết chỗ này, chỗ khác. Nếu không có cá tính mạnh mẽ như bà ấy, khó mà có thể nuổi nổi đàn con như vậy", ông Chiến - một hàng xóm cũ của bà Hương nhận xét.

Vì không có điều kiện nên cặp sinh tư của bà cũng chỉ được học hết lớp 12 rồi đi làm. Hiện các cô gái đều đã lập gia đình ổn định, Chỉ riêng cô út - Nguyễn Thị Như Nhất bị đục thủy tinh thể từ nhỏ, đã trải qua 3 lần phẫu thuật nhưng mắt chỉ sáng hơn đôi chút, vẫn chưa lập gia đình và cũng không đi làm được.

Hiện tại, bà Hương còn nuôi thêm cả con gái của chị Nguyễn Thị Hoài Bắc - do chị kết hôn lần 2. Đời sống của 3 mẹ con bà cháu hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền hưu 2,1 triệu đồng của bà mỗi tháng.

Ngoài trường hợp sinh tư này, Bà Hương cũng biết có trường hợp sinh tư khác ở Hưng Yên. “Đó là năm 1993, người ta nhờ tôi về Hưng Yên hướng dẫn cách chăm sóc một ca sinh 4, là 4 cháu gái tên Hòa, Bình, Hạnh, Phúc. Nhà họ rất nghèo, ông nội lại ốm nên người mẹ định bán hai đứa con với giá 200 đô la cho một nhà báo Nhật".

Bà Hương đã khuyên "bỏ cùng bỏ, nuôi cùng nuôi" rồi nhờ người đưa trường hợp này lên báo. "Đảng, Nhà nước biết được cũng quan tâm đến 4 chị em lắm. Về sau, hai gia đình chúng tôi cùng tham gia chương trình chuyện lạ Việt Nam, thấy đời sống của họ cũng khá giả lên nhiều”, bà kể.

Cũng lần đi đó, bà Hương biết thêm một trường hợp sinh tư khác vào năm 1975 ở Phú Thọ thông qua nhà báo người Nhật kia. “Nhà báo đó kể vừa đi làm phim về một gia đình sinh 4 (3 trai, 1 gái) ở Lâm Thao, Phú Thọ. Gia đình này chỉ làm ruộng, đời sống khó khăn. Nhưng khi sinh xong, Nhà nước cũng giúp đỡ cho bà mẹ đi bán tạp hóa và người chồng làm bàn giấy", bà Hương cho biết thêm.

Theo VnExpress

Từ khóa: