Không thể quy định áo dưới cổ bao nhiêu, váy trên đùi bao nhiêu. Vì với người này thì độ dài che số xăng-ti.mét trên cơ thể là an toàn, với người khác lại là nguy hiểm.
Không thể quy định áo dưới cổ bao nhiêu, váy trên đùi bao nhiêu. Vì với người này thì độ dài che số xăng-ti.mét trên cơ thể là an toàn, với người khác lại là nguy hiểm.
Trong dự thảo Nghị định “Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; phát hành, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.” Tại Điều 4 về "Những quy định cấm" có nêu rõ ở mục 2 cấm: "Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, gây hại cho sức khỏe và hủy hoại môi trường sinh thái.”
Quy định khó cụ thể
Nếu theo quy định nêu trên thì việc vi phạm về trang phục biểu diễn mà báo chí quen gọi là “trang phục phản cảm” chỉ được nói chung trong cụm từ “trái với thuần phong mỹ tục.” Chính vì những câu chữ như chống "phản cảm" hay không "hở hang" đã làm "rộng đường lách" cho người vi phạm chăng?
Phóng viên Vietnam+ đem thắc mắc về quy định chung chung sẽ gây khó cho người thực hiện đến ông Vương Duy Biên, Cục trưởng cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch thì được trả lời rằng: "Quy định của Nghị định chỉ nêu chung, đến thông tư hướng dẫn thực hiện sẽ cụ thể hơn. Tuy nhiên, dù là thông tư hay văn bản hướng dẫn cụ thể cũng không thể 'đóng khung, kẻ chỉ' cứng nhắc như quy định về chất lượng hàng hóa, vật phẩm tiêu dùng thông thường."
Theo phân tích của ông Cục trưởng, không thể có một cách tính, cách đo nào bằng thẩm mỹ của chính nghệ sỹ và cũng không có cơ quan quản lý nào đo thẩm mỹ của nghệ sỹ hơn công chúng. Nghệ sỹ “sống” được là nhờ khán giả. Nghệ sỹ chịu phản ứng đầu tiên cũng từ khán giả của họ.
Cơ quan quản lý ra quy định trước và sẽ chấn chỉnh khi công chúng lên tiếng. Như vậy, có thể nói mọi xử phạt của các cơ quan chức năng không nằm ngoài cảm nhận và đánh giá chung của những người tiếp nhận văn hóa. Không có chương trình nào số đông người xem thấy hay, thấy đẹp mà nhà quản lý lại có ý kiến ngược lại.
Trao đổi cùng ông Vương Duy Biên, phóng viên ghi nhận rằng gần đây nhiều người rất hay kêu ca về trang phục biểu diễn nhưng quả nhiên họ chưa thực hiểu về những quy định bất thành văn nhưng đã thực sự đi vào đời sống văn hóa từ lâu.
Ông Biên phân tích, cùng là cũng biểu diễn nghệ thuật nhưng nữ nghệ sỹ xiếc cực kỳ uyển chuyển trong tiết mục lắc vòng với bikini rời nhỏ xíu vẫn không ai nói gì. Nhưng đổi lại chỉ đặt vào tay cô ấy một cái micrô và cô ấy hát lên một câu thì sẽ trở thành một vụ tai tiếng về trang phục ngay.
Ngoài ra, đây là một vấn đề tế nhị, có trường hợp còn đến mức khó lý giải bằng ngôn ngữ. Như một ca sỹ mặc váy vai trần là đẹp và gợi cảm những nếu trên sân khấu nhân vật Nguyễn Thị Lộ, phu nhân của Nguyễn Trãi lại bỏ áo, lộ vai và lưng thì nhiều người xem sẽ cau mày… Như vậy, xem ra trên sàn biểu diễn, "sexy kia cũng có ba bảy đường."
Đó là còn chưa kể đến vấn đề địa điểm. Một ca sỹ mặc gợi cảm uốn người bên một cái cây thì không sao nhưng nếu bên một bức tượng về tình quân dân thời kháng chiến như Thủy Tiên lại là cả một vấn đề. Nếu mặc áo sâu cổ để lộ một phần vòng một mà diễn thời trang thì đẹp, nhưng khi làm MC một chương trình truyền hình trực tiếp như Jennifer Phạm lại thành nỗi ân hận của cô đến mãi sau này.
Hay như gần đây, trong chương trình Trò chơi âm nhạc trên VTV3, một nữ ca sỹ trẻ không mặc ngắn mà gây chán ngán từ người xem. Nếu nói về "độ hở lộ" thì không, nhưng chiếc quần đen bó sát lại mỏng như quần tất nên vẫn gây phản cảm cho hầu hết người xem chương trình. Vấn đề đặt ra là quy định không chỉ ngắn-dài, không chỉ xẻ-kín, không chỉ mỏng-dày mà còn bó-rộng... Thế thì quả là khó có quy định riêng.
Vậy thì đúng như nhà quản lý đã nói thẩm mỹ của nghệ sỹ và thái độ tôn trọng của nghệ sỹ với khán giả được thể hiện trong việc chọn trang phục của nghệ sỹ.
Lộ cơ thể vì ít tự tin chuyên môn
Trao đổi vấn đề này với NSND Lê Hùng, anh cho biết quan điểm: “Cái đẹp cũng giống như nghệ thuật nằm ở chỗ vừa trực tiếp vừa tiềm ẩn. Khi người nhìn còn thấy sự khơi gợi về vẻ đẹp hoàn hảo. Nếu cứ lộ gần hết thì đâu còn gì để gợi về cái đẹp tiềm ẩn.”
Theo nhà thiết kế thời trang Nguyễn Anh Thư: Trang phục chiếm vai trò rất quan trọng cho thành công của một tiết mục biểu diễn. Tuy nhiên nếu chỉ “đổ lỗi” cho trang phục khi tiết mục nào đó phản cảm là không hoàn toàn đúng. Bởi vì có trang phục lộ vừa phải mà người biểu diễn có các động tác tay chân hay hình thể uốn éo quá mức thì cũng tạo ra phản cảm.
Nhà thiết kế này còn lưu ý: "Nhiều nhà thiết kế đều rất ý thức về cộng số cử động cho mỗi trang phục. Thế nên, chỉ trừ nghệ sỹ cố tình muốn bày lộ hoặc thái quá trong số 'cử động' cho phép thì mới gây hậu quả. Chọn trang phục không tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn để tập trung vào phần biểu diễn là sự khôn ngoan của cả nhà thiết kế và nghệ sỹ."
Chị Anh Thư nói: “Cách tốt nhất là nghệ sỹ phải tránh 'chênh vênh' quá và nhà thiết kế phải khéo léo tạo ra sự an toàn cho “thân chủ” của mình. Gợi cảm mà không bị sa vào… tai nạn lộ cơ thể.”
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hồng, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết: Không thể quy định áo dưới cổ bao nhiêu, váy trên đùi bao nhiêu. Vì với người này thì độ dài che số xăng-ti.mét trên cơ thể là an toàn, với người khác lại là nguy hiểm.
Và ngay cả khi nghệ sỹ vi phạm thì cũng không ai chạy lên sân khấu mà níu áo váy để đo trên người. Có ý kiến nói rằng thu áo váy để đo thì cũng thật… vô lối. Tôi nghĩ, đơn vị tổ chức biểu diễn và cơ quan cấp phép biểu diễn cần có quy định rõ và thật lưu ý điều này," nhà giáo dục nói.
Cũng theo ý kiến của bà Hồng, một số nghệ sỹ chưa tự tin với giọng ca, khả năng diễn xuất của mình thì mới “thêm vào” bằng sức hấp dẫn “trời cho” ấy. Nhưng họ lại quên rằng trong xã hội có văn hóa thì ai cũng hiểu rằng toàn bộ cơ thể mỗi người không phải là thứ trời cho chung tất cả mọi người.
Nguyễn Anh
Theo Vietnam+