Mặc dù Lễ hội hoa Tam giác mạch tại Cao nguyên đá Hà Giang vừa kết thúc nhưng vẫn không ngăn được dòng người đổ về Đồng Văn khiến các khách sạn, nhà nghỉ tại đây cho biết khách đã đặt kín phòng đến hết tháng 11. Một câu hỏi đặt ra: Có nhất thiết phải lên tận Đồng Văn để xem hoa tam giác mạch không?
Vẻ đẹp các cánh đồng hoa tam giác mạch đang được đông đảo khách du lịch tìm đến để chiêm ngưỡng. Ảnh: Chí Cường
Chỉ khoảng 2 triệu đồng/tour
Theo anh Vạn Lý – một người được coi là “hướng dẫn viên cắm bản” Hà Giang cho biết, không chỉ có Đồng Văn mới có nhiều hoa Tam giác mạch mà các địa danh khác như: Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ cũng đều có những thảm hoa tam giác mạch đẹp tuyệt vời. Chỉ với khoảng 2 triệu đồng du khách có thể đi thăm quan cuối tuần 3 đêm 2 ngày (tối thứ Sáu đi, sáng sớm thứ Hai về tới Hà Nội) với lịch trình như sau: Đi xe giường nằm tuyến Hà Nội – Hà Giang ở bến Mỹ Đình, giá 240.000 đồng/người, chạy từ 20 - 21h tối trước, 5h sáng hôm sau tới TP Hà Giang. Từ đó đi xe khách hoặc thuê xe máy lên Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh.
Nếu đi xe máy, lưu ý vùng cao đường hẹp xấu, lắm ổ gà, vách núi một bên, vực cua tay áo nhiều mà không có thanh chắn. Du khách nên thuê xe máy đi là tiện nhất, dễ dừng chân ngắm hoa, chụp ảnh (nhưng tới các khúc cua nên đi chậm tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc). Nếu ngại rét và không khỏe thì đi xe khách, thuê taxi lên vùng cao tiện hơn bởi có xe du lịch 29 chỗ, không bị kèm hàng nhưng vẫn lèn cứng người.
Người có tuổi nên đi thẳng Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh hay Mèo Vạc rồi thuê xe ôm du ngoạn, nhưng cần thỏa thuận tiền xăng với “xe ôm” để bớt bị chặt chém. Thuê xe máy cần tìm cửa hàng uy tín đặt cọc, tránh bị “lật kèo”. Nên tự túc tiền xăng, nhớ nhận đồ nghề sửa xe đơn giản và các giấy tờ xe, bảo hiểm. Nên lấy số điện thoại của 1 – 2 thợ sửa xe di động đề phòng xe hỏng dọc đường (vùng cao gọi điện là thợ sửa xe tới tận nơi sửa). Giấy tờ cá nhân (bằng lái xe, CMTND…) nên có đủ. Vì mỗi xã chỉ có một điểm đổ xăng, còn toàn là cây xăng tự phát mini bán giá cao nên cần lưu ý đổ xăng đầy bình.
Lịch trình ít tốn kém
Nhiều người đi thẳng lên Đồng Văn để chơi và để nghỉ ngơi. Nhưng cuối tuần, dịp lễ hội sẽ khó tìm phòng, nhất là du khách đi lẻ, dân phượt, nhiếp ảnh… dễ bị “chém” đẹp.
Anh Vạn Lý khuyên, nếu thời gian và tiền bạc không dư dả, du khách nên đi “tour” Nhà Pao (Sủng Là), Nhà Vương (Sà Phìn), Phố cổ người Hoa (Phố Bảng), Cột cờ (Lũng Cú), giáp ranh Đồng Văn – Mèo Vạc có kỳ quan Mã Pì Lèng là trọn một vòng. Di chuyển tốc độ bình thường hết 2 đêm, 3 ngày. Hoặc Hà Nội - Hà Giang, sau đó từ Hà Giang lên Sủng Là vào tầm 9 - 10h sáng. Ngắm hoa tại Sủng Là, ăn nghỉ tại đây giá sẽ rẻ hơn Đồng Văn rất nhiều. Đêm có thể nghỉ ở Sủng Là, Phố Bảng, Sà Phìn, Phố Cáo vừa được ngắm hoa, vừa tham gia chợ phiên vùng cao độc và lạ. Sáng hôm sau qua Cột cờ Lũng Cú – Đồng Văn – Mã Pì Lèng – rồi về xuôi luôn (nếu chủ động xe). Như thế chỉ mất 2 đêm 2 ngày là kết thúc chuyến đi. Nếu không chủ động xe sẽ nghỉ ở Mèo Vạc 1 đêm nữa là 3 đêm 2 ngày. Nhiều người thích tối thứ Bảy dừng ở Mèo Vạc để Chủ nhật đi chợ phiên.
Bạn Vương Dìn là người dân sống ở huyện Mèo Vạc khuyên, các ngày cuối tuần rất đông người, nhiều xe. Hãy đi từ tối thứ Năm ở Hà Nội, sáng thứ Sáu từ bến xe Hà Giang bắt xe khách lên Đồng Văn sẽ tránh được tắc đường. Tối đi dạo phố cổ, giao lưu văn hóa văn nghệ. Thứ Bảy đi các điểm du lịch. Chiều khoảng 4h sang Mèo Vạc, qua đèo Mã Pì Lèng, nghỉ đêm ở Mèo Vạc. Nhưng đi kiểu này cần mang theo đồ ăn, vì các món ăn ở đây lạ miệng và đắt.
Nên ngủ theo kiểu homestay
Du khách đi tự do nên tìm nhà nghỉ gia đình với giá từ 70.000-100.000đồng/đêm. Các xã đều có nhà nghỉ, nhưng cần gọi điện đặt trước, tốt nhất là gọi cho người quen nhờ tư vấn chỗ ăn, nghỉ ở các xã, giá rẻ hơn nhiều so với Đồng Văn, Yên Minh. Ví như nhà trọ ở xã Sủng Là chỉ 20.000 – 30.000 đồng/người, sạch sẽ, vệ sinh khép kín. Nhà nghỉ ở Sà Phìn từ 70.000 – 100.000 đồng/người, sạch và có wifi, vệ sinh khép kín. Ở Phố Bảng có thuê phòng cộng đồng chỉ 200.000 – 250.000 tùy phòng, có nhiều nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ. Đường lên Lũng Cú, cách Đồng Văn khoảng 7km cũng có nhà nghỉ kèm dịch vụ ăn uống.
Về ăn uống, nếu được chỉ dẫn du khách sẽ bớt bị “chém đẹp”. Ví như ở nơi khác 200.000 đồng/suất ăn, thì ở Sủng Là có những quán chỉ 420.000 – 450.000 đồng/mâm cho 6 người.
Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ mùa này đón nhiều khách du lịch nhất, mọi thứ đều bị “du lịch hóa” nên có những chuyện du khách không vừa ý. Năm nay Hà Giang cho gieo nhiều diện tích hoa tam giác mạch theo nhiều đợt, từ giờ đến hết năm vẫn còn rất nhiều hoa đẹp. Nếu muốn tham quan thực sự, du khách nên đi ngày thường các dịch vụ sẽ tốt hơn. Tránh đi dồn cùng thời điểm đi lại vất vả, tắc đường, bị chặt chém, khó chụp ảnh đẹp...
Các địa danh nên dừng chân để ngắm hoa
Theo dân bản địa, hoa tam giác mạch phải có chút gió mùa Đông Bắc mới thắm và dịp này đang độ hoa nở đẹp nhất. Các điểm ngắm hoa, chụp ảnh đẹp như sau:
- Xã Sủng Là có nhiều thảm hoa tam giác mạch đẹp. Đoạn Dốc 9 khoanh từ cuối Phố Cáo sang Sủng Là hoa đẹp bởi ở lưng chừng dốc, dưới là thung lũng Sủng Là.
- Phố Là, Ma Lé, Lũng Cẩm, Cột cờ Lũng Cú, Phó Bảng hoa nở đẹp. Đặc biệt khu vực Thèn Phàng, Xín Mần hoa cánh to đẹp, phong cảnh đẹp.
- Lũng Táo hoa trồng trên sườn đồi, leo núi ngắm rất đẹp.
- Đèo Mã Pì Lèng kỳ vĩ và con đường Hạnh Phúc đẹp nổi tiếng.
Lưu ý: Nên đứng trên đường chụp ảnh để dân không thu tiền. Nếu vào cánh đồng hoa chụp ảnh dân sẽ thu 10.000 đồng/người. Nếu nhờ trẻ em “làm mẫu” thì trả 10.000 đồng/lần hoặc cho kẹo. Nhưng cần mặc cả để tránh bị chặt chém.
|
Hà Dương
theo Báo Gia đình & Xã hội