Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang nôn nóng muốn tái đàn để gia tăng thu nhập, song sẽ rất mạo hiểm nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ thuật chăn nuôi, cơ sở hạ tầng chuồng trại, con giống.
Thông tin tại Hội thảo khoa học “Đặc điểm dịch tễ học và các giải pháp kiểm soát, giảm thiểu thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi tại thành phố Cần Thơ” do Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 8/7, các chuyên gia thú y đưa ra khuyến cáo những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa nên tái đàn vì sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro.
Hiện nay, giá lợn hơi tăng cao vì cung không đủ cầu nên tâm lý các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nôn nóng muốn tái đàn để gia tăng thu nhập.
Tuy vậy, việc tái đàn mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ thuật chăn nuôi, cơ sở hạ tầng chuồng trại, con giống… có thể khiến nông hộ mất trắng.
Ông Đoàn Văn Liệt, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Cần Thơ cho biết, trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, Cần Thơ ghi nhận 76 xã, phường có dịch; 2.377/5.216 cơ sở chăn nuôi có lợn chết vì dịch (chiếm 45.57%); trong đó, 3 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai có số lượng lợn mắc và chết cao nhất (trên 1.000 con).
Đáng chú ý, thành phố chỉ có 10 trang trại nuôi lợn với tổng đàn trên 4.380 con, còn lại 3.960/5.216 cơ sở chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ lẻ với số lượng dưới 20 con (chiếm tỷ lệ 76%).
Tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ghi nhận tỷ lệ lợn chết do dịch tả lợn châu Phi cao hơn hẳn so với các trang trại nuôi theo mô hình công nghiệp.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều nguyên nhân lý giải cho vấn đề này. Theo đó, các trang trại chăn nuôi theo mô hình công nghiệp tuân thủ tốt hơn về quy trình chọn lọc con giống, vệ sinh chuồng trại, cách ly các nguồn lây bệnh.
Ngược lại, ở các nông hộ nuôi nhỏ lẻ, tự phát, nhìn chung việc vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, trình độ và ứng dụng công nghệ hiện đại vào chăn nuôi của chủ trang trại còn hạn chế, nguồn vốn đầu tư cho trang thiết bị, máy móc đạt chuẩn còn thấp.
Các nghiên cứu, khảo sát do Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Cần Thơ thực hiện từ đầu mùa dịch tả lợn châu Phi đến nay cho thấy, những mô hình chuồng trại tự phát có nguy cơ lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi cao hơn khoảng 4,25% so với những mô hình nuôi trang trại công nghiệp; các chuồng trại mật độ sát nhau dưới 1km tỷ lệ mắc bệnh cao hơn gần 9 lần.
Từ những hạn chế đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Cần Thơ khuyến cáo hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ nên tái đàn khi đảm bảo tuân thủ được tối thiểu các yêu cầu: Khu chăn nuôi cách biệt với khu nhà ở, khu dân cư tối thiểu 1km; sát trùng chuồng trại 2-3 lần/tuần; xây hố sát trùng để ngăn cản sự xâm nhập của virus từ bên ngoài vào chuồng nuôi và ngược lại, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm dịch; xây tường rào và lắp đặt lưới che xung quanh chuồng nuôi để tránh lây nhiễm dịch cơ học từ các loài ruồi, muỗi, chuột…; không sử dụng thức ăn thừa hàng quán làm thức ăn cho lợn.
Ngoài ra, chuồng trại chăn nuôi phải có vách ngăn từng khu vực chăn nuôi lợn thịt, lợn sinh sản, lợn con.
Thực tế, đối với dịch tả lợn châu Phi, lợn nái, lợn giống có tỷ lệ chết cao hơn (khoảng 59,47%), trong khi lợn con chỉ khoảng 27,54%.
Người chăn nuôi thực hiện thời gian cách ly mỗi đợt nuôi từ 10-15 ngày để vệ sinh chuồng trại, xử lý mầm bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng, đảm bảo an toàn dịch bệnh từ các phương tiện, dụng cụ chăn nuôi.
Đối với đàn lợn giống, thực hiện nghiêm ngặt về kiểm soát. Con giống phải sạch bệnh và xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bà Phùng Thị Thanh Thúy, Phòng Khuyến nông – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho biết, virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường, lợn khỏi bệnh có khả năng mang virus trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời.
Do vậy, việc chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là vấn đề cần thiết nhằm phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững.
Các nông hộ ngoài tuân thủ các khuyến cáo về chuồng trại, thiết bị nuôi, cần quan sát đàn lợn thường xuyên. Khi phát hiện lợn có các triệu chứng sốt, đỏ mình, ho, ói, bỏ ăn, xuất huyết da, khó thở... thì liên hệ với đơn vị thú y gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho biết, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ triển khai triệt để đến các hộ chăn nuôi ký cam kết thực hiện “5 không” các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật.
Đó là không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển động vật bệnh chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt động vật bệnh chết; không vứt các động vật chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa khi chưa qua xử lý nhiệt.
Các chính sách áp dụng hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn được thực hiện theo định hướng chuyển đổi, sắp xếp giảm tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; đồng thời hướng dẫn, vận động chăn nuôi tập trung quy mô lớn, ứng dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học./.
Ánh Tuyết
Theo TTXVN/Vietnam+