Sự kiện hot
12 năm trước

Các nền kinh tế lớn bắt đầu “ngấm đòn” bão nợ công

Theo báo cáo “Điều tra Triển vọng toàn cầu” mới nhất của tập đoàn dịch vụ thông tin tài chính toàn cầu Markit, trong tháng 6/2012, chỉ số Nhà quản trị mua sắm (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm qua.

Theo báo cáo “Điều tra Triển vọng toàn cầu” mới nhất của tập đoàn dịch vụ thông tin tài chính toàn cầu Markit, trong tháng 6/2012, chỉ số Nhà quản trị mua sắm (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm qua.

Ảnh minh họa. (Nguồn: vietstock)

Có tới 16 trong tổng số 22 quốc gia được khảo sát, trong đó các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, ghi nhận sự suy giảm của PMI.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc PMI ở các đầu tàu kinh tế của thế giới đều suy giảm cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới khu vực sản xuất ở “lục địa già” mà cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nền kinh tế khác trên thế giới.

Châu Âu “hắt hơi”

Theo Markit, trong tháng trước, PMI trong lĩnh vực sản xuất của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn đứng ở mức 45,1, mức thấp nhất trong vòng ba năm qua. Tính chung trong quý II/2012, PMI của Eurozone chỉ đạt mức 45,4, thấp nhất kể từ quý II/2009.

Có vẻ như các nền kinh tế lớn nhất trong Eurozone như Đức và Pháp, vốn được đánh giá là "kiên cường" trong bão nợ công, đã bắt đầu “ngấm đòn” của cơn chấn động này.

PMI ở Đức giảm chỉ còn 45, là mức thấp nhất trong vòng 36 tháng qua, trong khi con số này ở Pháp là 45,2, mức thấp nhất trong vòng hai tháng. Các nền kinh tế đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công như Italy, Áo, Tây Ban Nha và Hy Lạp đều phải chứng kiến sự sụt giảm tương tự.

Do sự suy giảm của sản lượng và các đơn đặt hàng mới, tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone đã tăng lên mức kỷ lục. Trong tháng Năm, có tới 17,56 triệu người ở 17 nước thành viên Eurozone thất nghiệp, chiếm 11,1% của lực lượng lao động ở khu vực này, cao nhất kể từ khi Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu tiến hành thống kê vào năm 1995.

Chuyên gia kinh tế trưởng Steen Jakobsen của Saxobank dự báo, tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone “sẽ tiếp tục tăng cho đến khi chúng ta thấy sự cải thiện trong nền kinh tế khu vực. Một sự cải thiện như vậy có thể sẽ chưa xảy ra trong năm nay.”

Trong bối cảnh đó, vào đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất chính sách xuống còn 0,75%, mức thấp kỷ lục từ trước tới nay, đồng thời hạ lãi suất đối với tiền gửi của các tổ chức tín dụng ở ECB xuống còn 0% để thúc đẩy các hoạt động tín dụng.

Nhiều nền kinh tế lớn khác bắt đầu “sổ mũi”

Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã khiến chính phủ và người dân ở nhiều nước thành viên Eurozone phải thực hành chính sách “thắt lưng, buộc bụng.” Điều này đã tác động không nhỏ tới các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.

Tại Mỹ, kết quả điều tra mới nhất của Markit cho thấy, trong tháng Sáu, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đứng ở mức 52,5 điểm, giảm 1,5 điểm so với tháng trước đó và thấp nhất kể từ tháng 12/2010.

Trong khi đó, theo Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ, PMI của nước này trong tháng Sáu đã tụt xuống mức 49,7, giảm mạnh so với mức 53,5 của tháng Năm. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2009, chỉ số này tụt xuống dưới mức 50, làm dấy lên lo ngại về động lực chủ chốt cho sự phục hồi của nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Nhà kinh tế Paul Dales của tổ chức Capital Economics có trụ sở London nhận định, đây là “dấu hiệu lớn nhất” cho thấy Mỹ đã bắt đầu nhiễm căn bệnh suy giảm kinh tế hoành hành ở châu Âu và cũng được ghi nhận ở Trung Quốc.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế trưởng Chris Williamson của Markit dự đoán, tình trạng này sẽ còn kéo dài một thời gian nữa trong bối cảnh châu Âu tiếp tục duy trì chính sách “thắt lưng, buộc bụng” và tăng trưởng kinh tế chậm chạp.

Tại Nhật Bản, PMI tháng Sáu đã giảm xuống còn 49,9, trong khi chỉ số thể hiện các hợp đồng xuất khẩu mới cũng giảm còn 47,5 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2012.

Trong khi đó, chỉ số PMI của Hàn Quốc và Đài Loan cũng cho thấy khu vực sản xuất của các nền kinh tế này đều suy giảm lần đầu tiên trong năm tháng qua.

Tại Trung Quốc - nước vẫn được coi là “công xưởng lớn nhất thế giới” - Liên đoàn Hậu cần và Mua sắm Trung Quốc (CFLP) và Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của nước này trong tháng Sáu là 50,2, thấp nhất trong bảy tháng qua. Còn theo khảo sát của ngân hàng HSBC, con số này chỉ là 48,2.

Chuyên gia kinh tế Haibin Zhu của chi nhánh JPMorgan ở Hong Kong nhận định: “Việc sản lượng, các đơn mặt hàng mới, hợp đồng xuất khẩu mới tiếp tục giảm cho thấy rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ suy giảm kinh tế trong ngắn hạn.” Trong bối cảnh đó, chuyên gia này dự báo Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới.

Cùng ở trong số các nền kinh tế mới nổi với Trung Quốc, Brazil - nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latinh - cũng phải chứng kiến chỉ số PMI giảm tháng thứ ba liên tiếp.

Để đem lại sức sống mới cho nền kinh tế, hồi cuối tháng Sáu, Chính phủ Brazil đã công bố gói kích thích kinh tế có tổng trị giá tới 4 tỷ USD, trong đó có các chương trình mua sắm hàng hóa và thiết bị trong nước của Chính phủ.

Điểm sáng hiếm hoi trong số các nền kinh tế mới nổi đó là Ấn Độ, khi lĩnh vực sản xuất của nước này vẫn tăng trưởng trong tháng Sáu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng các hợp đồng xuất khẩu mới ở nước này lại thấp nhất trong vòng bảy tháng qua.

Chuyên gia kinh tế Jeavon Lolay của Tập đoàn Ngân hàng Lloyds kết luận, có những nhân tố chung dẫn tới suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực euro “có thể là nhân tố chủ chốt nhất.” Theo chuyên gia này, cơn bão nợ công ở châu Âu “đang tác động tới niềm tin, các hoạt động xuất khẩu và có thể đang tác động tới hoạt động tín dụng của các ngân hàng.”./.

PMI là chỉ số do Markit và Viện Quản lý Cung ứng (ISM) của Mỹ phối hợp xây dựng. Chỉ số này được tính toán trên cơ sở các cuộc điều tra do các cơ quan quản lý nhà nước hoặc các tổ chức độc lập thực hiện đối với hàng trăm công ty thuộc tất cả các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, bán lẻ và dịch vụ ở mỗi nước. Khoảng dao động của PMI là từ 0 đến 100, trong đó đặc biệt quan trọng là mốc 50, ranh giới giữa sự thu hẹp và mở rộng sản xuất. PMI khu vực sản xuất cho thấy bức tranh tổng thể của khu vực sản xuất nói riêng và tình hình kinh tế ở mỗi quốc gia. Do vậy, các nhà đầu tư trên thế giới luôn theo dõi rất sát sao diễn biến của chỉ số này để ra quyết định đầu tư mỗi khi nền kinh tế có dấu hiệu chuyển biến.
 
 Ở Mỹ, PMI được xây dựng dựa trên cơ sở điều tra, tổng hợp ý kiến của hơn 400 giám đốc mua hàng trong cả nước về năm lĩnh vực chính, với chỉ số cho từng lĩnh vực khác nhau: sản lượng (0,25%), số đơn đặt hàng mới (0,3%), tình hình giao hàng của nhà cung cấp (0,15%), lượng hàng tồn kho (0,1%) và tình hình việc làm (0,2%).

Theo TTXVN

Từ khóa: