Ngân hàng: ngành "hot" về thu nhập tại Việt Nam
Ngân hàng: ngành "hot" về thu nhập tại Việt Nam
Mức lương bình quân 22,4 triệu đồng/tháng của nhân viên Vietcombank trong năm 2011 đang trở thành niềm mơ ước của người lao động. Đây đang là kỷ lục về lương ngân hàng tại Việt Nam.
Vietcombank đứng đầu về mức lương của ngành ngân hàng tại Việt Nam (Ảnh minh họa)
Xếp sau Vietcombank là ngân hàng công thương Việt Nam (Vietinbank) với mức thu nhập bình quân kém chút đỉnh 20,27 triệu đồng một tháng. Ngân hàng này trong năm 2011 đã có mức thu nhập tăng gần 3 triệu đồng sơ với mức lương 17,9 triệu đồng của năm 2010.
Sacombank cũng có mức thu nhập hấp dẫn không kém hai ngân hàng nói trên. Tăng 13% mức lương so với năm 2010, Sacombank trả lương cho nhân viên vào khoảng 14,7 triệu đồng/người/tháng, một sự gia tăng đáng kể so với mức lương 9,4 triệu và 8,6 triệu đồng/người/tháng.của năm 2009 và 2010.
Một số ngân hàng khác cũng có mức thu nhập "khủng" trong năm 2011 như ACB bình quân khoảng 16 triệu đồng, Bảo Việt (12,9 triệu), BIDV (11,8 triệu), Eximbank (10,6 triệu), SHB (10,3 triệu), Eximbank 7 - 8 triệu đồng...
Mức thu nhập thấp nhất trong ngành ngân hàng cũng là trên 5 triệu đồng thuộc về các ngân hàng nhỏ như Phương Tây (5,7 triệu), Phương Đông (6,3 triệu), HDBank (6,4 triệu)...
Với mức thu nhập như trên, ngành ngân hàng đang là ngành "hot" tại Việt Nam hiện nay.
Nghịch lý nhiều tiền nhưng không có thời gian tiêu tiền của tiếp viên hàng không
Thu nhập bình quân của tiếp viên hàng không luôn gây sự tò mò của mọi người. Theo đó, mức lương 20-30 triệu/tháng của tiếp viên hàng không đã khiến đông đảo người lao động thèm muốn.
Tiếp viên hàng không thu nhập 20-30 triệu/tháng (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, một khoản lợi nhuận không nhỏ mang đặc thù cuả ngành này cũng được tiếp viên hàng không tận dụng triệt để, đó là khoản lợi nhuận sản sinh từ việc buôn bán hợp pháp các loại hàng hóa xách tay.
Tuy nhiên, mức độ rủi ro nghề nghiệp của nghề tiếp viên hàng không cũng là những điều ít ai biết đến. Chỉ một cú ngã nhẹ trên máy bay rắc rối cũng có thể xảy ra. Ở dưới mặt đất đó chỉ là một chấn thương nhỏ, nhưng ở trên không máu loãng, rất khó cầm, có khi máu chỉ ngưng chảy cho tới khi máy bay tiếp đất.
Một thực tế rất nực cười nhưng lại là một sự thật, đó là việc các tiếp viên hàng không không có thời gian để tiêu tiền. Trung bình khi bay tuyến nội địa, mỗi tiếp viên hàng không cất cánh - hạ cánh 8 lần (4 chuyến)/ngày, với tần suất như thế, các tiếp viên hàng không chỉ đủ thời gian nghỉ ngơi chuẩn bị cho các chuyến bay, không còn quỹ thời gian cho việc mua sắm, tiêu xài.
Cán bộ văn phòng EVN giữ kỷ lục về lương của ngành
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố mức thu nhập bình quân của cán bộ toàn công ty mẹ EVN trong năm 2010. Theo đó, mức lương trung bình được công bố là 13,7 triệu đồng/tháng, khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng. Còn khối phân phối điện, thu nhập bình quân mỗi tháng vào khoảng 7,9 triệu đồng.
Cơ quan văn phòng nắm giữ kỷ lục về lương tại EVN (Ảnh minh họa)
Nhưng cơ quan văn phòng mới nắm giữ kỷ lục về lương tại tập đoàn này khi bộ phận này có mức thu nhập cao gấp 2 lần thu nhập bình quân chung của công ty mẹ.
Tại cuộc họp về công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của EVN do Bộ Công Thương tổ chức vào chiều 19/11/2011, ông Phạm Lê Thanh - nguyên TGĐ Tập đoàn EVN cho biết, mức lương bình quân của EVN năm 2009 là 7,3 triệu đồng/tháng, lương lãnh đạo có thể cao hơn.
So với mức lương 2,84 triệu đồng/tháng của người lao động; mức lương 3,35 triệu đồng/tháng của các doanh nghiệp Nhà nước; 5,9 triệu đồng của Tổng công ty hạng đặc biệt và công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế Nhà nước; 2,65 triệu đồng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); 2,05 triệu đồng của doanh nghiệp dân doanh thì mức lương đó cao hơn nhiều và là mức lương đáng mơ ước của người lao động ở các doanh nghiệp.
Dầu khí có mức lương cao nhất trong các đơn vị thuộc Bộ Công thương
Trong danh sách doanh thu và lương của 17 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn thuộc bộ quản lý năm 2010 và 2011 vừa được cồn bố, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) có mức lương trung bình cao nhất.
Mức lương của Tập đoàn Dầu khí cao nhất trong các đơn vị thuộc Bộ Công thương
Theo đó, lương trung bình của PVN trong năm 2011 lên tới 16,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,5% so với năm 2010.
Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn về nhì trong danh sách này với thu nhập trung bình 9,7 triệu đồng/người/tháng.
Tập đoàn công nghiệp Than - khoáng sản (TKV) cũng có mức lương hấp dẫn 7,7 triệu đồng/người/tháng.
Thấp nhất trong danh sách là Tập đoàn Dệt may và Tổng công ty Xây dựng công nghiệp với lương trung bình chỉ 3,9 triệu đồng/người/tháng.
Bộ Công thương cũng tổng kết mức lương trung bình năm 2011 của 17 tổng công ty, tập đoàn, công ty trực thuộc 6,7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với mức lương 6,1 triệu đồng/người/tháng của năm 2010.
Với mức lương hấp dẫn nói trên, đây là những ngành nghề có mức thu nhập cao nhất tại nước ta và là niềm mơ ước của bất kỳ người lao động nào trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo VEF