Hội thảo “Can thiệp rối loạn phát triển dựa trên bằng chứng khoa học” lần thứ 3 sẽ được tổ chức bởi Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, quy tụ các chuyên gia tâm lý giáo dục hàng đầu ở Việt Nam và các chuyên gia tại Mỹ và Nhật Bản. Cùng với sự góp mặt của các Trung tâm can thiệp sớm, trị liệu tâm lý cho trẻ rối loạn phát triển, các viện nghiên cứu trực thuộc Hội tâm lý, các trường đại học tại Việt Nam.
Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ trong việc can thiệp người có rối loạn phát triển tại các Trung tâm và giải đáp những băn khoăn về hiệu quả của các phương pháp can thiệp đang được áp dụng nhưng chưa được kiểm chứng. Ban Thường vụ Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam quyết định tổ chức Hội thảo khoa học lần thứ 3 về rối loạn phát triển nhằm cổ vũ và thúc đẩy các phương pháp can thiệp rối loạn phát triển dựa trên bằng chứng khoa học.
Mục tiêu của hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn quy tụ các nhà khoa học cùng những người làm thực hành trong nước và thế giới nhằm trao đổi, cập nhật thông tin, chia sẻ những nghiên cứu và tri thức đúng đắn, có khoa học, đồng thời định hướng cho dịch vụ và quan niệm của cộng đồng về can thiệp rối loạn phát triển.
Hội thảo được tổ chức như một diễn đàn khoa học với những bài báo chất lượng từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà thực hành can thiệp trị liệu cho trẻ rối loạn phát triển được xoay quanh với các chủ đề chính:
Những vấn đề chuyên môn được đưa ra thảo luận ở Hội thảo:
- Cơ sở lý luận và thực tiễn về các phương pháp can thiệp dựa trên bằng chứng khoa học: Lý luận về kiểu loại, nguyên nhân, cơ chế nảy sinh các rối loạn phát triển; Lý luận về các phương pháp điều trị, can thiệp dựa trên bằng chứng khoa học được áp dụng phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam; Kinh nghiệm thực hành dựa trên bằng chứng. Các trường hợp can thiệp hiệu quả dựa trên các phương pháp có bằng chứng tại các trung tâm của Hội.
- Vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ can thiệp rối loạn phát triển: Đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho can thiệp rối loạn phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn cho dịch vụ can thiệp.
- Vấn đề đạo đức hành nghề trong can thiệp rối loạn phát triển: Tiêu chuẩn hành nghề, tiêu chuẩn đạo đức của các can thiệp viên trên thế giới trong lĩnh vực can thiệp rối loạn phát triển; Áp dụng và thực hành các tiêu chuẩn đạo đức trong thực tiễn can thiệp rối loạn phát triển ở Việt Nam nói chung, ở các Trung tâm trực thuộc Hội nói riêng.
- Phối hợp liên ngành nhằm can thiệp rối loạn phát triển: Lý luận về sự cần thiết và thực tiễn về việc phối hợp liên ngành trong can thiệp rối loạn phát triển; Các ngành nghề, lĩnh vực có thể tham gia can thiệp rối loạn phát triển ở Việt Nam hiện nay.
- Các vấn đề khác liên quan đến hoạt động can thiệp rối loạn phát triển hiện nay
- Hình thức tổ chức hội thảo: Trực tuyến thông qua nền tảng Zoom, không giới hạn số lượng thành viên tham gia.
- Thời gian tổ chức: Ngày 19 tháng 12 năm 2021
- Link đăng ký tham gia hội thảo: https://bitly.com.vn/xh6xft
Hội thảo quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý giáo dục như GS. TS Nguyễn Ngọc Phú (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam), TS Trần Văn Công (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Và các chuyên gia nước ngoài như: TS Francis Joseph McLaughlin - đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ, TS Cassandra Newsom, ĐH Alabama ở Birmingham, Hoa Kỳ, TS Andresa De Souza - Đại học Missouri, Hoa Kỳ… Cùng nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia can thiệp trị liệu trẻ rối loạn phát triển.
Thông tin về trẻ rối loạn phát triển: Rối loạn phát triển bao gồm một nhóm các tình trạng tâm thần bắt nguồn từ thời thơ ấu liên quan đến suy yếu nghiêm trọng ở các khu vực khác nhau. Theo bảng phân loại bệnh quốc tế của Hiệp hội Tâm thần Mỹ phiên bản thứ 5 (DSM – V) liệt kê rối loạn phát triển ở trẻ bao gồm: Khuyết tật trí tuệ (Intellectual Disabilities), Rối loạn giao tiếp (Communication Disorders), Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder), Rối loạn tăng động kém chú ý (Attention-Deficit/Hyperactivity Disorder (ADHD)), Rối loạn học tập đặc hiệu (Specific Learning Disorder), Rối loạn vận động (Motor Disorders), Rối loạn Tic (Tic Disorders), Các rối loạn phát triển thần kinh khác (Other Neurodevelopmental Disorders).
Theo thống kê chưa đầy đủ về trẻ rối loạn phát triển, trong đó có trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Trên thế giới, ước tính có đến 1% dân số mắc chứng tự kỉ.Theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động, thương binh và xã hội vào năm 2009, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỉ. Nhưng những năm gần đây, số lượng trẻ tự kỉ ngày một tăng mạnh. Theo ước tính của chuyên gia vào năm 2019, Việt Nam có khoảng 1 triệu trẻ tự kỉ và 8 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp.
PV