Axit benzoic có phải là chất cấm không?
Theo bà Trần Việt Nga, đại diện Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y Tế, axit benzoic là phụ gia được phép sử dụng ở Việt Nam trong một số thực phẩm nhất định.
Theo thông tư quy định về quản lý về quản lý phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, axit benzoic được phép sử dụng trong tương ớt với hàm lượng 1 g/1 kg sản phẩm.
Đây cũng là quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm của Liên Hợp Quốc (LHQ) với axit benzoic. Cả Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của Codex. Ủy ban này có 186 nước tham gia.
Đại diện Bộ Y tế khẳng định những chất phụ gia có trong danh mục của Ủy ban Codex được sử dụng với hàm lượng đúng sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng.
|
Hình ảnh loại tương ớt Chinsu bị chính quyền thành phố Osaka buộc thu hồi vì chứa chất cấm. Ảnh: OsakaCity. |
Nhật Bản cấm axit benzoic trong tương ớt, cho phép dùng với sản phẩm khác
Cùng là thành viên của Codex nhưng từng nước có thể đưa ra các quy định khác so với quy định chung của Ủy ban nếu có đầy đủ bằng chứng khoa học, theo đại diện Cục An toàn Thực phẩm.
Khoản 2 điều 11 của Luật vệ sinh thực phẩm Nhật quy định axit benzoic không được phép xuất hiện trong tương ớt lưu hành tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, nước này lại cho phép sử dụng axit benzoic trong một số sản phẩm khác. Trong thông báo của chính quyền Osaka về việc thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu cũng nêu rõ hiện Nhật cho phép sử dụng phụ gia này trong các sản phẩm trứng cá muối, bơ thực vật, syrup, nước ngọt, nước tương. Hàm lượng quy định về axit benzoic trong các sản phẩm nêu trên tại Nhật cũng tuân theo tiêu chuẩn của Codex, không quá 1 g/ 1 kg.
Theo nghiên cứu, liều lượng axit benzoic gây độc ở người là 6 mg/kg thể trọng.
Một người trưởng thành nặng 60 kg có thể tiêu thụ tối đa 0,36 g axit benzoic mỗi ngày. Với nồng độ 0,45 g/kg, cần phải ăn 0,8 kg tương đương 0,8 lít tương ớt mỗi ngày mới đạt tới mức 0,36 g axit benzoic kể trên.
Các nước châu Âu, Mỹ, Đông Nam Á quy định ra sao?
Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), axit benzoic là chất bảo quản lâu đời nhất và được sử dụng rộng rãi nhất trong các thực phẩm có tính axit.
Axit benzoic thường đi cùng với axit sorbic với nồng độ 0,05-0,1% hay 0,5-1 g/1 kg. Tuy nhiên, FAO ghi nhận mức sử dụng thực tế axit benzoic là 0,03-0,2% hay 0,03-2 g/1 kg.
Tại châu Âu, một văn bản của Ủy ban An toàn Thực phẩm của EU công bố năm 2016, axit benzoic được phép sử dụng trong nước sốt và nhiều loại thực phẩm khác tại các nước EU.
|
Nhiều loại nước sốt bày bán trong một cửa hàng tại Paris, Pháp. Ảnh: Paris La Douce. |
Cụ thể, với loại nước sốt không hòa trộn bao gồm tương ớt và nước sốt hòa trộn có hàm lượng chất béo từ 60% trở xuống, nồng độ axit benzoic cho phép tối đa là 1 g/1 kg, giống với quy định của Codex.
Theo số liệu của Liên minh Công nghiệp Thực phẩm EU (FDE) năm 2013, hàm lượng phổ biết axit benzoic trong các loại nước sốt không hòa trộn là 0-0,263 g/kg.
Còn với các loại nước sốt hòa trộn có hàm lượng chất béo từ 60% trở lên, hàm lượng axit benzoic tối đa EU cho phép là 0,5 mg/1 kg.
Tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nước này chứng nhận axit benzoic là chất phụ gia an toàn được sử dụng với nồng độ 0,1% tức 1 g/1 kg tương tự quy định của Codex.
Một nước ở khu vực Đông Nam Á là Malaysia cũng cho phép sử dụng axit benzoic trong thực phẩm nhưng có quy định khác với Codex. Các điều khoản này được ban hành trong Luật Thực phẩm Malaysia năm 1985.
Trong khi cấm sử dụng acxit benzoic với sản phẩm mỳ, sản phẩm tương ớt ở Malaysia lại có thể chứa chất bảo quản, chất tạo màu, chất tạo hương và chất điều hòa thực phẩm trong danh mục cho phép.
Về chất tạo màu, các chế phẩm tạo màu phải chứa không ít hơn 4% chất tạo màu cho phép. Dạng lỏng của chế phẩm tạo màu có thể chứa axit benzoic như một chất bảo quản được cho phép với tỷ lệ không vượt quá 0,4 g/1 kg và chất điều chỉnh độ axit như một chất điều hòa thực phẩm cho phép.
Nước láng giềng của Malaysia là Singapore thì lại đặt ra tiêu chuẩn hàm lượng tối đa axit benzoic trong các loại nước sốt là 0,75 g/1 kg trong Luật Thực phẩm năm 2005 của nước này.
Theo Zing