Tại cuộc họp của Ủy ban Nghề cá khu vực Trung và Tây Thái Bình Dương (WCPFC) vừa diễn ra tuần qua tại Fukuoka, miền tây nam Nhật Bản, các nước và vùng lãnh thổ có hoạt động đánh bắt cá trong khu vực bắc Thái Bình Dương nhất trí sẽ cắt giảm khoảng 50% lượng đánh bắt cá ngừ con.
Đây là một trong những nỗ lực nâng gấp đôi trữ lượng cá của đại dương lên mức dự kiến khoảng 43.000 tấn trong vòng 10 năm.
Các nước và vùng lãnh thổ tham gia cuộc họp trên, gồm có Hàn Quốc, Mỹ, Canada, vùng lãnh thổ Đài Loan và Nhật Bản - hy vọng rằng động thái trên có thể giúp giảm thiểu nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi hải sản này.
Kế hoạch cắt giảm sản lượng đánh bắt cá trên sẽ được trình bày cụ thể trong hội nghị thường niên của WCPFC vào tháng 12 tới, cùng với một kế hoạch 10 năm (dự kiến bắt đầu năm 2015) nhằm khôi phục lượng cá ngừ Thái Bình Dương.
Trước đó, Nhật Bản - nước tiêu thụ cá ngừ lớn nhất thế giới không muốn giảm hoạt động đánh bắt cá, cho dù có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy trữ lượng cá dần cạn kiệt.
Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản đã thay đổi chính sách hướng đến việc bảo tồn nguồn hải sản này sau khi một bản đánh giá độc lập quốc tế công bố năm ngoái cho thấy trữ lượng cá ngừ, nguyên liệu chính cho món sushi được nhiều người yêu thích, đã giảm tới 96% so với mức ban đầu. Lượng cá con đang bị đánh bắt quá mức có thế khiến trữ lượng cá ngừ cạn kiệt, thậm chí là tuyệt chủng.
Nếu tuân thủ kế hoạch trên, lượng cá ngừ con - cân nặng dưới 30kg - mà Nhật Bản đánh bắt có thể giảm bớt đi khoảng 4.000 tấn/năm.
Ông Masanori Miyahara, cố vấn của Cơ quan Nghề cá của Nhật Bản, nói rằng: “Nhật Bản không còn cách nào khác ngoài việc giảm 50% lượng cá đánh bắt nếu muốn khôi phục nguồn hải sản này”.
Trong khi đó, Wakao Hanaoka, chuyên gia về sinh thái biển thuộc Tổ chức Greenpeace, đã kêu gọi Nhật Bản đưa ra nhiều sáng kiến hơn để bảo tồn các loài cá biển, nhất là trước mùa sinh sản.
theo Vietnam+