TTCK sụt giảm mạnh khiến các nhà đầu tư lớn và các quỹ đầu tư dè chừng trong việc đầu tư thêm cho danh mục hiện hữu.
TTCK sụt giảm mạnh khiến các nhà đầu tư lớn và các quỹ đầu tư dè chừng trong việc đầu tư thêm cho danh mục hiện hữu.
Các quỹ đầu tư có một năm thua lỗ nặng bắt đầu tính đến việc cắt giảm 30% lương từ nhân sự cấp cao trở xuống.
Cánh tay biểu quyết thông qua phương án tăng vốn của đại diện SCIC và Vietel tại ĐHCĐ của Vinaconex hồi giữa năm 2011 đã khiến nhiều cổ đông khác của TCT này tin tưởng đợt tăng vốn sẽ xuôi chèo mát mái.
Tuy nhiên, kết thúc thời điểm nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm ngày 9/1/2012, Vinaconex đã phải xin gia hạn thời gian huy động vốn thêm 1 tháng nữa, đồng nghĩa với việc 2 cổ đông trên chưa nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm.
Giới quan sát cho rằng, đặt bút ký quyết định mua cổ phần bằng mệnh giá trong khi thị giá cổ phiếu trên sàn chỉ ở mức 8.000 đồng/CP là việc quá khó khăn, nhất là khi đồng vốn mua cổ phần lại là vốn nhà nước.
Năm 2011, Vinaconex có lợi nhuận gần 850 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn thuộc loại cao nhất trong số các doanh nghiệp ngành xây dựng, tuy nhiên cổ phiếu vẫn không nằm ngoài quy luật giảm giá trên thị trường.
Thị trường sụt giảm khiến khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán của các nhà đầu tư lớn, trong đó có những DNNN lên mức khổng lồ. Một tổng công ty bỏ ra hơn 2.500 tỷ đồng mua cổ phiếu của các DN, trong đó có doanh nghiệp điện đã phải trích lập dự phòng giảm giá hơn 700 tỷ đồng trong 2 năm 2010 và 2011.
Dự kiến năm 2012, họ sẽ phải trích thêm 100 tỷ đồng cho 3 doanh nghiệp đang đầu tư, đồng thời trích lập thêm khoảng 350 tỷ cho 2 dự án nhà máy điện.
Theo nguyên tắc đã được quy định, các tổng công ty hạn chế đầu tư thêm đối với các DN. Việc bỏ thêm vốn chỉ được thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả đồng vốn nhà nước, đồng thời giữ tỷ trọng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tránh tình trạng “pha loãng” vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hoặc có tiềm năng, lợi thế đất đai.
Về tiềm lực tài chính, không phải tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước nào cũng có sẵn để tham gia các đợt tăng vốn. Hình thức phổ biến trước đây là góp vốn bằng thương hiệu, cũng có doanh nghiệp góp vốn bằng một số tòa nhà văn phòng, hay như trường hợp của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, góp vốn bằng khoản tiền lẽ ra phải nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương.
Góp vốn khó, việc thu cổ tức cũng khó không kém. Với doanh nghiệp đang niêm yết, việc này được thực hiện qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán song với các công ty chưa lên sàn, đây là việc không hề đơn giản.
Đơn cử, năm 2011, SCIC phải tổ chức đoàn công tác trực tiếp đến đối chiếu và làm việc với DN, địa phương. Trong tháng 11/2011, Tổng công ty đã thành lập 6 đoàn công tác đôn đốc thu hồi nợ về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương và thu hồi nợ cổ tức.
Các đoàn công tác đã làm việc tại 81 DN. Trong quá trình triển khai, khó khăn vướng mắc chính là cách hiểu về lãi chậm nộp. SCIC đã hướng dẫn cụ thể các nguyên tắc tính lãi chậm nộp, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không ký nhận khoản lãi phát sinh này.
Nhà đầu tư là các quỹ cũng đang chật vật đối phó với tình trạng thua lỗ. Dragon Capital đang quản lý 5 quỹ là VEIL, VGF, VDeF và VPF và VRI. Trong đó, 2 quỹ lớn nhất chuyên đầu tư cổ phiếu là VEIL và VGF; VDeF đầu tư trái phiếu, VPF đầu tư bất động sản và VRI chuyên về đầu tư tài nguyên khoáng sản.
Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của 4 quỹ VEIL, VGF và VDeF, VPF tính đến cuối tháng 11 đạt 600 triệu USD. So với cuối năm 2010, NAV của các quỹ này đã mất hơn 140 triệu USD.
Một lãnh đạo của Dragon Capital cho biết, suốt 3 năm nay, họ rất cố gắng mà không huy động thêm được vốn mới vào Việt Nam. Công ty quản lý quỹ chỉ có cách tạo tiền mặt bằng cơ cấu danh mục đầu tư. Sự buồn nản đang đến với những người kiên nhẫn nhất.
Nếu như năm 2011, chuyện cắt giảm lương mới ở ý tưởng và kế hoạch thì đến năm 2012 này, mức giảm 30% từ đội ngũ nhân sự cấp cao trở xuống buộc phải thực hiện. Còn tiền thưởng... đành chờ ở thì tương lai.
Anh Việt
Theo Dau tu chung khoan