Đã có rất nhiều các start-up không gian Nhật đang nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều nước Đông Nam Á bởi sức hút từ các cơ hội và thị trường đang rộng mở hơn bao giờ hết.
Thị trường dịch vụ không gian tại Đông Nam Á đang cung cấp rất nhiều cơ hội kinh doanh đa dạng so với ngành công nghiệp vũ trụ do chính phủ Nhật Bản kiểm soát hiện nay. Bên cạnh đó, thị trường dịch vụ không gian tại Đông Nam Á cũng ít bị quân đội hay chính phủ kiểm soát chặt chẽ như Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này tạo ra một môi trường thu hút đối với nhiều công ty không gian Nhật Bản.
Infostellar, một start-up không gian tại Tokyo thành lập năm 2016 với nhiệm vụ cung cấp dịch vụ chia sẻ ăng-ten, cho phép các nhà khai thác vệ tinh thương mại có thể sử dụng ăng-ten của nhiều tổ chức khác nhau.
Theo Nikkei, các nhà khai thác dữ liệu từ vệ tinh có thể sử dụng dịch vụ chia sẻ ăng-ten của Infostellar để kéo dài thời gian hàng ngày nhận hình ảnh và dữ liệu từ vệ tinh. Một ăng-ten có thể nhận dữ liệu từ vệ tinh chỉ trong khoảng 10 phút/ngày.
Ngoài ra, Infostellar cũng phát triển một nền tảng đặc biệt cho phép các trường đại học, viện nghiên cứu và các chủ sở hữu ăng-ten vệ tinh khác có thể bán thời gian sử dụng ăng-ten. Infostellar nhận lại nguồn thu từ phí dịch vụ của các nhà khai thác vệ tinh, đồng thời trả một phần cho các chủ sở hữu ăng-ten. Nói cách khác, Infostellar hoạt động như một công ty trung gian giữa các nhà khai thác vệ tinh và người sở hữu ăng-ten.
Infostellar lần đầu tiên ra mắt dịch vụ tại Thái Lan vào tháng 5/2017. Tiếp đó, công ty sẽ tiếp tục mở rộng sang thị trường Việt Nam và Philippines vào tháng 6/2017. Hiện nay, Infostellar chỉ có 5 hợp đồng ăng-ten, tuy nhiên số lượng này sẽ sớm tăng lên hơn 100 hợp đồng vào cuối năm nay. Công ty đang hy vọng sẽ chiếm được trên 90% lượng thuê bao dịch vụ tại các thị trường ngoài Nhật Bản, chủ yếu ở Đông Nam Á.
Vệ tinh giá rẻ - điều kiện quan trọng để phát triển công nghiệp vũ trụ
Space Shift, một start-up không gian tại Tokyo, thành lập hồi năm 2009 cũng tham gia thị trường dịch vụ không gian Đông Nam Á với việc cung cấp vệ tinh nhỏ giá rẻ. Một vệ tinh cỡ nhỏ khoảng lòng bàn tay hiện được Space Shift bán ra có giá khoảng 8.008 USD.
Công ty đang lên kế hoạch sẽ bán khoảng 10 vệ tinh trong năm nay, ba trong số đó tại thị trường nước ngoài. Space Shift cũng đang cung cấp hệ thống phân tích hình ảnh vệ tinh sử dụng trong nông nghiệp và quy hoạch đô thị.
Giám đốc điều hành Space Shift, ông Naruo Kanemoto cho biết, công ty hy vọng có thể dựa vào ngành kinh doanh vệ tinh để quảng bá cho các chương trình giáo dục không gian cùng nhiều sản phẩm khác của Space Shift.
Ngoài Space Shift hay Infostellar, một số start-up kinh doanh vệ tinh khác của Nhật Bản cũng đặt trụ sở tại Đông Nam Á còn có Astroscale. Công ty Astroscale chuyên bán các công nghệ loại bỏ mảnh vụn không gian được thành lập tại Singapore vào năm 2013.
Theo đánh giá của Miki Ito, chủ tịch Astroscale, Singapore có môi trường phát triển thuận lợi, ngoài các biện pháp cắt giảm thuế, môi trường chính trị trung lập chính là điều kiện lý tưởng để nhiều công ty không gian tiếp cận quốc gia này.
Do đặc điểm nằm gần vị trí xích đạo, Đông Nam Á có lợi thế địa lý rất lớn đối với các công ty kinh doanh vệ tinh. Vệ tinh phóng từ khu vực này lên quỹ đạo Trái Đất chắc chắn sẽ ít tốn kém hơn việc phóng từ các khu vực Nam Á, Châu Phi hay Nam Mỹ.
Đông Nam Á đang nổi lên như một thị trường kinh doanh dịch vụ không gian hàng đầu với tiềm năng tăng trưởng cao, mang lại cơ hội kinh doanh tốt cho rất nhiều các công ty kinh doanh vệ tinh, thiết bị giám sát thiên tai hay biên giới.
Trái ngược lại, Nhật Bản có thị phần dịch vụ và sản phẩm không gian chỉ chiếm 1% thị phần toàn cầu. Các nhà phân tích chỉ ra, Nhật Bản có rất ít hy vọng để mở rộng ngành công nghiệp vũ trụ do sự can thiệp khá sâu của chính phủ. Mặc dù, chính phủ Nhật Bản đã có nhiều chính sách mới nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư tư nhân. Tuy nhiên vì nhiều lý do, đặc biệt là bài toán phát triển nóng, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn cách chuyển trọng tâm chiến lược sang các thị trường nước ngoài, cụ thể là thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển nền tảng công nghiệp vũ trụ. Quốc gia này đang tham gia hỗ trợ sản xuất vệ tinh LOTUSat-1 cho Việt Nam và dự kiến sẽ phóng lên quỹ đạo vào năm 2019.
Tiến Thanh
Theo VnReview/ Diễn đàn Đầu tư