Các dự án nước sạch ở Hà Nội được nhà đầu tư đánh giá là "màu mỡ" bởi thị trường rộng lớn, đầu ra được bao tiêu toàn bộ, rủi ro gần như không có trong khi biên lợi nhuận cao hơn đáng kể nhiều ngành nghề khác.
Vụ lùm xùm Nhà nước Nước mặt Sông Đuống vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Bắt nguồn từ một quyết định của UBND Hà Nội về việc mua nước từ Nhà máy Sông Đuống với giá tối đa 10.246 đồng/m3, gấp đôi giá bán của Nhà máy nước Sông Đà và cao hơn giá các công ty kinh doanh nước bán lại cho người dân. Cùng với đó là chi phí đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng, với suất đầu tư cao hơn nhiều Nhà máy Sông Đà.
Hệ quả là Liên ngành các Sở kiến nghị UBND TP. Hà Nội cấp bù phần chênh lệch, lên tới gần 200 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư vay tới 4.000 tỷ đồng, tức là 80% tổng vốn dự án khiến người dân phải gánh 20% lãi vay trên mỗi một m3 nước.
Các bên liên quan sau đó lần lượt lên tiếng. Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định chưa và sẽ không bù giá cho Nhà máy Sông Đuống, và cũng bác bỏ những thông tin về lợi ích nhóm.
Chủ tịch Tập đoàn Aqua One Đỗ Thị Kim Liên ("Shark" Liên) - nhà đầu tư dự án bày tỏ sự bức xúc khi cho rằng mình đang làm phúc nhưng lại phải chịu cái nhìn tiêu cực của công luận.
Một số thông tin được nhà đầu tư, thông qua một vài cơ quan truyền thông cho biết họ không phải những người đầu tiên "vào" dự án. Trên thực tế dự án nước Sông Đuống đã được khởi động từ thập kỷ trước, và từng được giao cho liên danh Việt Nam - Nhật Bản, trước khi thương vụ không thành. Dự án sau đó được UBND TP. Hà Nội kêu gọi đầu tư và nhóm nhà đầu tư Aqua One đã được chấp thuận triển khai.
"Shark" Liên khẳng định việc đầu tư dự án là hướng tới lợi ích cộng đồng, của người dân, bản thân chủ đầu tư chỉ nhận được mức lợi nhuận "vừa đủ để vui vẻ".
Siêu lợi nhuận nhìn từ thương vụ "1 vốn 5 lời"
Lợi nhuận "vui vẻ" là bao nhiêu thì không được bà Kim Liên đề cập cụ thể. Song phân tích cơ cấu hoạt động của một nhà máy tương tự là Nước sạch Sông Đà sẽ mang tới những so sánh có giá trị.
Nhà máy Nước sạch Sông Đà công suất 300.000 m3/ngđ, giai đoạn 1 hoàn thành và bắt đầu hạch toán doanh thu từ năm 2010. Trong gần 10 năm, từ năm 2010 tới tháng 9/2019, chủ đầu tư CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) ghi nhận 3.540 tỷ đồng doanh thu và 1.037 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Nếu trừ đi gần 550 tỷ đồng doanh thu được trợ giá, thì khoản lợi nhuận sau thuế là gần 500 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính công bố cho thấy biên lợi nhuận của Viwasupco ngày càng tăng thêm khi giá nước tăng và chi phí khấu hao giảm dần, trong khi định phí không chiếm tỷ trọng lớn. Kết quả là 9 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ lãi sau thuế trên doanh thu (ROS) lên tới xấp xỉ 50%, tức là cứ bán được 2 đồng thì Viwasupco thu về 1 đồng lãi thực nhận sau khi trừ đi tất cả các chi phí.
Với Nhà máy Sông Đuống, giai đoạn 1 đã hoàn tất vào đầu tháng 9/2019 với công suất 300.000 m3/ngđ. Giả định giá nước là 10.246 đồng/m3, nhà máy nước lớn nhất Hà Nội sẽ thu về 1.122 tỷ đồng doanh thu và nếu các điều kiện tương đồng với Viwasupco, lãi sau thuế ở năm thứ 10 có thể vượt mốc 500 tỷ đồng. Con số thực tế có thể còn tăng lên theo giá bán, dự kiến theo lộ trình tăng 7%/năm.
Tất nhiên, đây chỉ là một phép so sánh mang tính tương đối. Song phải khẳng định khả năng sinh lợi của dự án là rất lớn, thể hiện rõ nhất qua việc tập đoàn WHA vừa qua đã bỏ hơn 2.000 tỷ đồng mua 34% vốn Nhà máy Sông Đuống với đơn giá lên tới 60.000 đồng/CP, gấp 6 lần mệnh giá, dù rằng nhà đầu tư lọc lõi Thái Lan chắc hẳn thừa hiểu được những "ngóc ngách" trong các dự án hạ tầng ở Việt Nam, mà lùm xùm công ty của chồng bà Kim Liên làm tổng thầu cho dự án Nhà máy nước Sông Đuống của vợ mình là một ví dụ.
Thương vụ "1 vốn 5 lời" của nhóm Aqua One chỉ sau 3 năm đầu tư cho thấy mức độ ảnh hưởng cũng như "biệt tài" kinh doanh của vợ chồng "Madam" Liên.
Ở chiều ngược lại, nó cũng đặt ra một câu hỏi lớn là vì sao không đấu thầu dự án? Câu trả lời có thể là chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách (theo Luật Đấu thầu), song rõ ràng là với một dự án "màu mỡ", tỷ lệ rủi ro rất thấp, không ít nhà đầu tư ở Việt Nam đủ khả năng tham gia dự án, qua đó có thể kéo chi phí và giá bán đi xuống đáng kể.
Trao đổi với người viết, lãnh đạo một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nước cho biết họ không có "cửa" tham gia các dự án "béo bở" như Nhà máy Sông Đuống. Vị này khẳng định dự án kiểu này gần như không thể thua lỗ, vì thị trường đầu ra rộng lớn và được đảm bảo bao tiêu toàn bộ.
Thêm một dự án chỉ định thầu?
Ngoài dự án Nước mặt Sông Đuống, website chính thức của Aqua One Group cho biết tập đoàn này đã được giao triển khai một nhà máy nước rất lớn khác là Nhà máy nước mặt Xuân Mai - Hoà Bình.
Nhà máy quy mô vùng có công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngđ hoàn thành năm 2023 và lên tới 900.000 m3/ngđ sau năm 2030 sẽ cung cấp nước sạch cho quận Hà Đông, một phần quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức; Phía Nam: Từ vành đai 3 theo quốc lộ 1A về phía Nam gồm huyện Thường Tín và Phú Xuyên; Phía Tây và Tây Nam: huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa; Phía Đông: bổ sung cho các quận nội thành cũ và một số huyện tỉnh Hòa Bình (Kỳ Sơn, Lương Sơn, một phần thành phố Hòa Bình) dọc tuyến ống.
Đáng chú ý, khác với Nhà máy Sông Đuống, dự án Xuân Mai không nằm trong quy hoạch cấp nước Hà Nội theo Quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/3/2013. Bởi vậy, không rõ Hà Nội căn cứ vào quy định nào để tiếp tục chỉ định cho Aqua One ở dự án có vốn đầu tư gần 4.300 tỷ đồng này?!
Xuân Tiên
Theo Nhà đầu tư