Một thiếu niên chậm tiến bày tỏ nguyện vọng với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh
Sáng 12-7, một buổi tham quan trại giam Hòa Sơn và đối thoại trực tiếp với Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã được Thành đoàn phối hợp với Công an, Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng tổ chức lần thứ 2 cho 176 thanh thiếu niên chậm tiến của TP.
Giúp các em tìm lại bản thân
Những thanh thiếu niên trên được coi là chậm tiến vì đã có những hành vi sai trái như trộm cắp, đánh nhau, nghiện game online, bỏ nhà đi lang thang... Ông Lương Minh Triết, Bí thư Thành đoàn TP Đà Nẵng, nhấn mạnh: “Mục đích và ý nghĩa của chương trình là nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác quản lý, giáo dục và cảm hóa các em chậm tiến. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm công dân của các em, từng bước kiềm chế, ngăn ngừa và tiến tới đẩy lùi tệ nạn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình “5 không, 3 có” do TP Đà Nẵng đề ra”.
Theo ông Lương Minh Triết, trong số 287 thanh thiếu niên chậm tiến mà TP Đà Nẵng đã tổ chức gặp mặt lần đầu tiên vào năm 2010, đến nay đã cảm hóa được 198 em trở thành người tốt. Vì vậy, cuộc gặp mặt 176 thanh thiếu niên chậm tiến lần này cũng không nằm ngoài mục đích mong muốn các em nhận thức được hành vi sai trái của mình, trở thành người tốt.
Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho rằng cuộc gặp gỡ các thanh thiếu niên chậm tiến là việc làm mang tính nhân văn sâu sắc, giúp các em tìm lại được bản thân, đồng thời kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay đón nhận để các em có cơ hội trở thành người tốt.
Trong quá trình tham quan trại giam Hòa Sơn, các thanh thiếu niên chậm tiến đã được tìm hiểu những cơ sở sản xuất, nơi sinh hoạt và cải tạo của phạm nhân; tận mắt thấy các phạm nhân lao động tập trung và bị quản lý gắt gao bởi các giám thị. “Vào đây mới biết cuộc sống mất tự do khổ sở thế nào. May mà mình chưa vi phạm nghiêm trọng. Lần này về nhà mình không trộm cắp nữa” - em Trần Đình Thiện (ngụ quận Thanh Khê), từng có hành vi trộm cắp, bày tỏ.
Cùng nhau xây dựng quê hương
Cùng ngày, các thanh thiếu niên này đã có buổi trò chuyện với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Tại buổi trò chuyện, ông Nguyễn Bá Thanh mong muốn các em tiến bộ, trở thành người có ích cho xã hội và góp phần xây dựng TP Đà Nẵng giàu mạnh trong tương lai. “Các em sẽ có sự sửa đổi để trở thành người tốt, góp phần xây dựng quê hương” - ông Nguyễn Bá Thanh tin tưởng.
Ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng có thể hoàn cảnh gia đình khiến các em suy nghĩ tiêu cực nhưng không nên vì thế mà buông xuôi rồi bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo vào các hành vi phạm pháp. Hậu quả của việc vi phạm pháp luật thì không chỉ có các em mà cả gia đình và xã hội phải gánh chịu. Hơn nữa, Đà Nẵng đang hướng đến phát triển thành một TP du lịch mà các hành động cướp giật, nghiện hút... sẽ khiến du khách quay lưng với TP.
Em Trần Ngọc Đại Dương (ngụ quận Thanh Khê) cho biết khi đang học lớp 10 thì bạn bè rủ rê trốn học, quậy phá nên bị đuổi học và có hành vi vi phạm pháp luật. “Cháu mong muốn được tạo điều kiện để đi học trở lại” - Dương nêu nguyện vọng. Còn em Phạm Vũ Công Anh (quận Thanh Khê) thì mong muốn được hỗ trợ chiếc xe đạp làm phương tiện đi học nghề để kiếm tiền chân chính và hứa sẽ từ bỏ con đường trộm cắp trước đây.
Làm người lương thiện
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho biết từ ngày 16-7 sẽ phân chia 176 thanh thiếu niên chậm tiến về cho lực lượng Công an, Thành đoàn và Hội Cựu chiến binh TP giám sát, theo dõi. Trường hợp nào có hoàn cảnh khó khăn, nếu cam kết không tái phạm tội và mong muốn học nghề để bảo đảm cuộc sống thì TP sẽ tạo điều kiện giúp đỡ. Còn những trường hợp tiếp tục vi phạm thì sẽ bị đưa đi giáo dục tại trại giáo dưỡng. Ông Nguyễn Bá Thanh cũng yêu cầu UBND TP Đà Nẵng tổ chức cuộc thi cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến cho 3 đơn vị: Công an, Thành đoàn và Hội Cựu chiến binh.
Ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh: “TP luôn mở rộng vòng tay với các em và mong muốn các em có cuộc sống ổn định, làm người lương thiện”.
|
theo NLĐ