Cất bốc 3 ngôi mộ được cho là hài cốt liệt sỹ dưới lòng hồ Kẻ Gỗ. Ảnh: Văn Vỵ
Quá khứ hào hùng nơi tuyến lửa
Năm 1966, miền Trung trở thành “chảo lửa túi bom”, là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Lúc đó, tại thượng nguồn hồ Kẻ Gỗ, chúng ta cho xây dựng sân bay Li Bi nhằm chống lại chiến dịch Lam Sơn 719 của đế quốc Mỹ. Trung đoàn thép Thủ đô, Trung đoàn tên lửa (Bộ Tư lệnh Phòng không không quân); Tiểu đoàn pháo binh Nguyễn Viết Xuân (QK4); Tiểu đoàn 8 (Bộ chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh), Tổng đội TNXP 353, 355, các đơn vị công nhân quốc phòng, dân quân tự vệ xã Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, Cẩm Bình... đã được điều động bảo vệ, phục vụ sân bay.
Ngã ba Thình Thình- Điểm giao nhau giữa QL 21A và QL 22A, giáp ranh giữa xã Thạch Điền (Thạch Hà) với Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên) bắt đầu là Km 0 của đường 22A xuyên rừng Trường Sơn qua Kỳ Anh vượt Đèo Ngang vào Quảng Bình khoảng 66km là nơi đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Cũng chính nơi đây, các cán bộ, chiến sỹ, TNXP, dân công đã viết lên khúc tráng ca bất hủ. Cung đường 21A, 22A, ngã ba Thình Thình, sân bay Li Bi đã trở thành huyền thoại...
Ông Dương Hữu Sơn (nguyên xạ thủ Tiểu đoàn pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân) kể: “Ngày 2/9/1969 máy bay Mỹ đánh đúng trận địa, đơn vị có 34 chiến sỹ hy sinh, 18 chiến sỹ bị thương. Ngày 28/12/1972 địch cho B52 rải thảm khiến gần 400 người thương vong”.
Ông Phan Khắc Lịch (xã Cẩm Duệ) nguyên là Đội trưởng đội khai thác Lâm trường Cẩm Xuyên đã cùng đơn vị bắc cầu cho xe qua nhớ lại: “Hồi đó, chiến tranh ác liệt lắm, tôi và đồng đội đã chôn cất hàng trăm người ở khu vực này”.
Tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc
Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976, hồ Kẻ Gỗ với sức chứa hơn 300 triệu khối nước với chiều dài gần 30km được khởi công xây dựng. Bốn năm sau (năm 1980) công trình hoàn thành. Nhiều đoạn của đường 22A huyền thoại cũng như nghĩa trang liệt sỹ nằm ở bìa rừng đã bị ngập trong nước.
Ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ, UBND huyện Cẩm Xuyên đã có Quyết định 4176/QĐ-UBND thành lập “Ban biên tập lịch sử, di tích và vận động xây dựng, quản lý miếu thờ các Anh hùng liệt sỹ tại vùng lòng hồ Kẻ Gỗ”.
Từ năm 1997 tới nay, nhờ sự giúp đỡ của nhân dân, chính quyền địa phương đã cất bốc 3 đợt được 90 bộ hài cốt (vô danh) về quy tập, an táng tại Nghĩa trang Cẩm Xuyên.
Ngày 17/7 /2013, Bộ chỉ huy Quân sự huyện Cẩm Xuyên đã lập Đoàn công tác đặc biệt cất bốc và an táng mộ liệt sỹ. Đoàn được chia làm hai tổ và đã tìm kiếm được 7 ngôi mộ ở khu vực hồ Kẻ Gỗ. Tổ 1 cất bốc 4 hài cốt liệt sỹ tại ngã ba Thình Thình nơi giao nhau giữa QL 21A và QL 22A. Tổ 2 cất bốc 3 ngôi mộ dưới lòng hồ tại Km17 đến Km 19+500. Việc cất bốc mộ diễn ra suôn sẻ. Đến 16 h cùng ngày, 3 bộ hài cốt (vô danh) đã được quy tập và an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Cẩm Xuyên.
Như vậy, cho đến nay đã có 97 bộ hài cốt ở khu vực hồ Kẻ Gỗ được cất bốc và an táng chu đáo. Cho đến bây giờ không ai biết được dưới lòng hồ còn bao nhiêu hài cốt của những người đã ngã xuống vì hòa bình của dân tộc!
Công việc quy tập hài cốt của anh hùng liệt sỹ không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý, lương tri của hậu thế với các bậc tiền bối đã hy sinh vì Tổ quốc...
Lê Văn Vỵ
theo GĐ&XH