Ngoài “tiêu chuẩn” trên của người cán bộ, các giải pháp khác nhằm nâng cao uy tín, chất lượng cán bộ mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất còn có: Rà soát văn bản pháp luật về tuyển dụng, đánh giá; Loại bỏ cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín trước Đảng và nhân dân; Thực hiện đúng Luật cán bộ, công chức Nhà nước; Thực hiện thanh tra công vụ thường xuyên; Đổi mới cơ chế tiền lương; …
Trong phiên chất vấn sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời một loạt vấn đề bức xúc, xuất hiện nhiều lần trong các phiên họp trước của Quốc hội.
Vấn đề đất đai: Đảm bảo quyền lợi người dân nhưng phải giữ kỷ cương phép nước
Trước hết, một loạt vấn đề đất đai như thu hồi, giải tỏa, đền bù… lại được hâm nóng trở lại trong câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM). Theo đó, các chính sách trong thu hồi đất trong thời gian vừa qua đã đ ảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư hay chưa? Vì sao người dân còn bức xúc khiếu nại kéo dài và có vụ rất căng thẳng?
Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, đảm bảo quyền lợi của người dân rất quan trọng, chúng ta nói chính quyền do dân, vì dân, chúng ta phải lo việc này trước hết tái định cư cho người dân. Cho nên thỏa thuận, hợp tác giữa nhà đầu tư với người dân rất quan trọng để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ thêm, một quan điểm mới đặt ra là đền bù cho người dân phải khác với giá thị trường, Thông tư hướng dẫn vấn đề này rất chặt chẽ, nhưng chúng ta cũng phải khẳng định rằng đất đai của đất nước chúng ta trước hết là sở hữu Nhà nước, sở hữu toàn dân. Chính vì vậy khi thảo luận giải quyết thỏa mãn quyền lợi người dân rồi thì chúng ta phải thực hiện quy hoạch để xây dựng công trình mới, đô thị hóa, công nghiệp hóa cho đất nước, không vì một số hộ không thực hiện kỷ cương, phép nước mà chúng ta không thực hiện những định hướng quy hoạch đã được các cấp phê duyệt.
“Chúng tôi muốn nói dân chủ, công khai, tạo thuận lợi tối đa cho người dân nhưng những người dân nào cố tình vi phạm, không chấp hành luật pháp quy định trên thái độ cầu thị của chính quyền thì chúng ta có biện pháp cương quyết để giữ kỷ cương phép nước”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Một con tàu bị chìm cũng liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ
Vấn đề kiểm soát hoạt động các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được các đại biểu hết sức quan tâm. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) đều đặt câu hỏi chất vấn trách nhiệm của chính phủ đối với các “quả đấm thép” này của nền kinh tế. Trong đó, đại biểu Đồng Hữu Mạo còn thắc mắc về sự chối đẩy trách nhiệm của một số bộ liên quan. “Cuối năm 2010, khi trả lời chất vấn đồng chí Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư nói là vô can trong thất thoát ngân sách nhà nước tại Vinashin. Ngày hôm qua, đồng chí Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư trả lời cũng nói là Bộ Kế hoạch đầu tư không nắm được thất thoát của Vinaline. Xin hỏi đồng chí Phó Thủ tướng, vậy thì trách nhiệm của các bộ kinh tế tổng hợp và các bộ chuyên ngành trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung của các tập đoàn, tổng công ty cũng như kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty như thế nào và các bộ có hay không có trách nhiệm gì?”, đại biểu Đồng Hữu Mạo đặt câu hỏi.
Trả lời về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, “một con tàu đang đi ngoài khơi bị chìm, đến những máy bay bị nổ đều liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ, đến các bộ, ngành liên quan rất rõ”. Đồng thời, theo quy định của pháp luật thì các bộ tổng hợp và các bộ chuyên ngành đều có trách nhiệm trong vấn đề thất thoát tài sản, vốn của Nhà nước không phải tất cả nhưng quy định pháp luật hiện hành đã làm rõ vấn đề này.
Chính phủ nhận thức được vấn đề này và đã phân công, phân cấp trong quá trình xử lý giải quyết, đặc biệt đã có một chương trình như Quốc hội đã biết, đã báo cáo trong báo cáo lúc nãy, là sẽ có một chương trình quản lý tốt hơn, có hiệu quả hơn các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước để phát huy nguồn lực quan trọng này trong xây dựng đất nước, chống thất thoát, lãng phí trong thời gian tới.
Phí xây dựng đường bộ là đúng pháp luật!
Về câu hỏi liên quan đến phí đường bộ do đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) đặt ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, phí xây dựng đường bộ không phải là một loại phí mới. Việc phí xây dựng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông đường bộ chỉ thay đổi phương thức thu, chế độ thu so với hiện thành. Ngoài ra, mức phí sử dụng đường bộ được xác định trên cơ sở tải trọng của phương tiện tác động lên cầu, đường, không căn cứ vào giá trị phương tiện, do đó phí sử dụng đường bộ không phải là một thứ thuế đánh vào tài sản là phương tiện cơ giới. Kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Nghị định 18 của Chính phủ là đúng pháp luật”.
Góp ý thêm về vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị, Chính phủ nên nghiên cứu kỹ lại phương thức thu bằng đánh vào phương tiện xe cơ giới. “Dù hợp lý nhưng không hợp tình. Tôi kiến nghị tha thiết Chính phủ xem lại phương thức thu này để được lòng dân”, đại biểu Trần Du Lịch nói.
Cũng liên quan đến vấn đề giao thông, đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi về việc Quốc lộ 1 nhiều chỗ xuống cấp, chất lượng đường không đảm bảo, khi nào việc nâng cấp mở rộng quốc lộ hoàn tất?
Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Tỷ lệ tai nạn giao thông tại Quốc lộ 1 chiếm tỷ lệ cao nhất, có thể hơn một nửa so với tổng số vụ tai nạn trên toàn quốc cho nên Chính phủ đồng ý phải làm nhanh Quốc lộ 1. Hiện nay, một số gói thầu quan trọng đã được triển khai như Hà Nội - Ninh Bình - Cầu Giẽ, Ninh Bình - Thanh Hóa... sẽ được hoàn thành vào 2016 với tiêu chuẩn, quy mô 4 làn xe. Đồng thời, Chính phủ đề nghị, chủ đầu tư và địa phương hỗ trợ cao nhất trong đền bù, giải phóng mặt bằng, đồng thời giám sát cùng để công trình đạt chất lượng như mong muốn.