Các chuyên gia y tế thế giới cảnh báo, sự lây lan của Covid-19 là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta cần chuẩn bị cho mình những phương án ứng phó trong trường hợp xấu nhất. Nhưng sự chuẩn bị nên như thế nào? Những khuyến cáo của Bộ Y tế sẽ phần nào giải đáp thắc mắc trên.
Những đồ dùng cần để cách ly
Bạn cần chuẩn bị giường, bàn ghế, nhà vệ sinh riêng có xà phòng, khăn tắm riêng, giấy vệ sinh, giấy lau tay, túi nilon đựng rác. Trong trường hợp không có nhà vệ sinh riêng, đi vệ sinh chung cần khử khuẩn sau khi người bệnh sử dụng nhà vệ sinh xong.
Bát, cốc, đĩa, thìa riêng (hoặc đồ dùng 1 lần) để ăn uống; Khăn riêng; Khẩu trang y tế; Thùng rác bọc nilon đựng rác; Tivi để giải trí, đồ chơi nếu cách ly trẻ con (Đặc biệt chú ý: Điều khiển TV, điện thoại di động bỏ trong túi khóa ziplock hoặc túi nilon để tiệt khuẩn cho dễ).
Ngoài phòng cần có 1 diện tích trống để khử khuẩn trước khi ra khu sinh hoạt chung. Cần sắp xếp các sinh hoạt trong gia đình sao cho khoảng cách giữa người được cách ly và những người khác trong gia đình tối thiểu 2m.
Đồ sát khuẩn cho người chăm sóc
Dung dịch xịt khử khuẩn có clo hoạt tính 0.5% vào nhà vệ sinh, khu vực thay quần áo bảo hộ, xung quan nhà; và cồn từ 60-70% trở lên để khử khuẩn các đồ dùng bằng da, kim loại.
Xà phòng, nước sạch và giấy để lau khô tay. Dung dịch rửa tay khô có cồn từ 60-70% trở lên. Kính bảo hộ (hoặc bất kỳ loại kính nào). Găng tay y tế (hoặc thay bằng găng tay nấu ăn buộc chun cổ tay, găng cao su).
Khẩu trang N95 (hoặc thay bằng khẩu trang y tế và tấm che mặt). Quần áo 3M bảo hộ có mũ (hoặc thay bằng áo mưa giấy). Ủng bảo hộ (hoặc thay bằng túi nilon buộc chun cổ chân).
Nước Javen 0.5% để lau chùi bề mặt sàn và các vật dụng sinh hoạt. Cách pha: pha 1 phần nước Janven 5% mua ở chợ với 9 phần nước sạch.
Chlorin hoặc Chloramin B để khử khuẩn các dụng cụ đựng chất tiết của người cách ly (thùng rác đựng khẩu trang, giấy lau, chất tiết khi khạc nhổ…). Túi nilon đựng rác thải, khăn lau, giấy vệ sinh để thấm hút lau chùi.
Ngoài ra, bạn nên thường xuyên liên hệ với bác sĩ để báo cáo tình hình và xin lời khuyên.
Người cách ly cần làm gì
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người cách ly tại nhà luôn đeo khẩu trang, không ăn chung với người thân và không nên tiếp xúc gần với thú cưng. Người cách ly tốt nhất nên sử dụng phòng ngủ và phòng tắm riêng. Lý tưởng nhất là có phòng riêng. Nếu không có, sắp xếp để người được cách ly nằm riêng 1 góc và cách mọi người trong nhà ít nhất 2m. Nên chọn phòng hoặc vị trí cách ly ở cuối chiều gió lưu thông trong nhà để hạn chế phát tán vi rút đến các vị trí khác trong nhà.
Người cách ly tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần mỗi ngày, ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày. Cần thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở.
Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.
Người tự cách ly không dùng chung bát đĩa, ly uống nước, dụng cụ ăn uống, khăn tắm với người khác và kể cả vật nuôi. Rửa sạch những đồ vật này sau khi sử dụng. Mặt bàn, tay nắm cửa, dụng cụ trong phòng tắm, nhà vệ sinh, bàn, tủ cạnh giường ngủ... nên được lau chùi thường xuyên bằng chất tẩy rửa gia dụng.
Các thành viên khác trong gia đình có người tự cách ly cần tạo điều kiện, giúp đỡ để quá trình cách ly 14 ngày diễn ra thuận lợi. Ngoài việc cung cấp thức ăn, nhu yếu phẩm cho người cách ly, người nhà nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa, chủ động trình báo cơ sở y tế khi người cách ly có các triệu chứng nhiễm bệnh.
Dinh Dinh
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng