Sự kiện hot
11 năm trước

Cần có cơ chế đặc thù bán nợ xấu cho khối “ngoại”

Nhiều nhà đầu tư quốc tế đánh tiếng sẵn sàng mua nợ xấu ở Việt Nam nhưng điều băn khoăn nhất hiện nay là chúng ta chưa có được một cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài.

Nhiều nhà đầu tư quốc tế đánh tiếng sẵn sàng mua nợ xấu ở Việt Nam nhưng điều băn khoăn nhất hiện nay là chúng ta chưa có được một cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài.


Ảnh minh họa. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Có mở cửa cho khối ngoại mua nợ?

Lãnh đạo Công ty VAMC đã đánh tiếng, trong khoảng 2 tháng tới công ty này sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt cho khoảng 10 ngân hàng để đổi lấy 10.000 tỷ đồng nợ xấu (tương đương 474 triệu USD). Ngoài ra, công ty cũng có thể khai thác nguồn vốn ngoại, bán nợ xấu cho các tổ chức nước ngoài.

Thông tin này được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá, đây là giải pháp duy nhất hiện nay mà Việt Nam có thể áp dụng để xử lý dứt điểm nợ xấu, bởi thường chi phí giải quyết cần một khoản tiền vô cùng tốn kém, đắt đỏ trong khi nguồn lực của nhà nước lại có hạn. Nhưng cản trở là hiện nay Việt Nam chưa có được một cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài.

Với kinh nghiệm nhiều năm “chinh chiến” nợ xấu tại các thị trường mới nổi, bà Karin Finkelston, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) châu Á Thái Bình Dương cho rằng, sự ra đời của Công ty Khai thác và Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) là một tín hiệu tốt và IFC đang cân nhắc phương án để có thể hỗ trợ VAMC.

Theo bà Karin Finkelston, để VAMC quốc gia hoạt động hiệu quả, kinh nghiệm các nước đã chỉ ra rằng, trước hết, VAMC phải xác định rõ mục tiêu và kế hoạch kinh doanh một cách dài hạn, rõ ràng nhằm tạo khuôn khổ cho hoạt động của Công ty; xác định vai trò của VAMC là thúc đẩy nhanh quá trình chuyển nhượng tài sản, xử lý nợ xấu hoặc tối đa hóa giá trị tài sản; xây dựng phương án kinh doanh ban đầu; xác định chiến lược cho các tài sản sau thu hồi…

Lãnh đạo IFC cũng cho rằng Việt Nam không cần sáng tạo thêm trong việc chọn lựa phương thức ‘dọn dẹp’ nợ xấu. "VAMC chỉ cần nhìn vào những bài học, kinh nghiệm mà các nước trên thế giới đã làm và nhiều nước cũng thành công trong suốt một thập kỷ qua để lựa chọn đâu là điều tốt nhất cho riêng mình," bà Karin Finkelston chia sẻ.

Ông Robert Young, Giám đốc bộ phận tư vấn các tổ chức tài chính của Công kiểm toán Deloitte cũng đồng tình và đưa quan điểm, các nhà đầu tư quốc tế đã sẵn sàng mua nợ xấu ở Việt Nam nhưng vấn đề quan trọng là Việt Nam đã sẵn sàng hay chưa mà thôi.

"Phải giải quyết yếu tố bao trùm nhất là sự rõ ràng, sự chặt chẽ, minh bạch và sự ổn định để các nhà đầu tư hiểu rõ quy trình khi họ tham gia thị trường mua bán nợ xấu. Ngoài ra, vấn đề xác định giá như thế nào cũng là yếu tố quan trọng," ông Robert Young nhấn mạnh.

Một trong những trở ngại hiện nay là thủ tục xử lý tài sản đảm bảo khiến bản thân các ngân hàng trong nước còn lúng túng, thậm chí mất nhiều năm trời mới xử lý xong một món nợ. Để đẩy nhanh tiến trình này, IFC cho biết đã hợp tác với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính cũng như Ngân hàng Nhà nước để góp ý hoàn thiện Luật phá sản cũng như các quy định liên quan khác.

Tránh "chuyển nợ" không minh bạch

Đồng tình với các nhận định trên, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Lienvietpostbank cũng ủng hộ việc bán nợ cho nước ngoài vì họ dồi dào tài chính. Nhưng theo ông Hưởng, để việc này thành công thì phải mở một số cơ chế. Ví dụ, nước ngoài mua nợ Việt Nam thì họ phải được phép sở hữu tài sản, sở hữu nợ và xử lý nợ như một công ty mua bán nợ Việt Nam. Hiện nay, việc sở hữu nói trên phải qua nhiều cầu cấp trung gian.

Ngược lại, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu thì lại cho rằng: Tôi không nghĩ các nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng mua, bán nợ xấu ở Việt Nam khi mà việc đó chưa có tiền lệ. Chưa kể, mua rồi nhưng thanh lý nợ, đặc biệt là đối với tài sản bất động sản với vô số rắc rối vì tính minh bạch thấp mà họ chưa gặp bao giờ.

Ông Hiếu gợi ý, để thị trường nợ xấu Việt Nam được “quốc tế hóa” thì đầu tiên là phải thay đổi khung pháp lý để cho những người mua nợ có thể thanh lý được nợ, nhất là với tài sản bảo đảm của khoản nợ. "Thậm chí, có được bản án tòa tuyên có lợi cho mình rồi nhưng cả năm trời cũng chẳng thể nào bán được, đừng nói đến là nước ngoài," ông Hiếu lo ngại.

Vấn đề thứ hai theo ông Hiếu, với những tài sản là bất động sản, được đánh giá lên một cách rất cao để được vay, nay giá đi xuống, trong khi thiếu những công ty định giá độc lập hành xử một cách khách quan...

Ông Hiếu cho biết thêm, ở Việt Nam đang có tình trạng mua hộ nợ lẫn nhau. Ví dụ, Ngân hàng A bán nợ cho Ngân hàng B theo kiểu thống nhất với nhau một mức giá, thời gian sau A có thể mua lại cho B, mục đích là giúp nhau xóa nợ xấu để làm đẹp bảng cân đối tài sản.

“Đáng lẽ, những công ty kiểm toán khi gặp những trường hợp như thế thì phải có chú thích trong bảng kiểm toán. Thực tế, những công ty kiểm toán vào Việt Nam đều sử dụng những thủ thuật từ các kẽ hở luật pháp Việt Nam, quên hẳn những chuẩn mực quốc tế khi đánh giá bảng tổng kết tài sản của một ngân hàng,” chuyên gia này phân tích.

Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Can-co-co-che-dac-thu-ban-no-xau-cho-khoi-ngoai/20138/211693.vnplus

Minh Thúy
theo Vietnam+

Từ khóa: