Cơ quan công an đã có công văn chỉ rõ 3 công chức vi phạm nghiêm trọng, “cần phải được xử lý kỷ luật nghiêm minh”, Cục Hải quan cũng 3 lần yêu cầu việc này. Thế nhưng ông Đỗ Thanh Quang đã phớt lờ và còn “chế” ra hai hình thức kỷ luật chưa từng có...
Cơ quan cảnh sát điều tra yêu cầu xử lý kỷ luật
Cuối năm 2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh từng có công văn gửi Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh yêu cầu xử lý công chức hải quan. Theo công văn, qua điều tra vụ án Phạm Quang Vinh cùng đồng phạm can tội buôn lậu xảy ra tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đã phát hiện một số sai phạm của các công chức, cụ thể:
Ông Đỗ Thanh Quang
Đối với Nguyễn Thị Phong Lan, Đội phó đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu được phân công phụ trách ngày 14/1/2015 đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát công chức kiểm hóa, hồ sơ chứng từ nhưng chưa phát hiện Lan có sự móc nối, ăn chia tiền với các đối tượng khác…
Đối với Mai Thị Cẩm Vân: Theo kết quả giám định chữ viết từ ô số 7 đến ô số 13 thuộc các tờ khai hải quan số 02405, 02406, 02407 ngày 14/1/2015 là do Vân viết. Việc viết hộ khách hàng là không được phép theo quy định tại Luật Hải quan năm 2014 và Thông tư số 190/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, quá trình điều tra chưa phát hiện Vân có sự móc nối, ăn chia tiền với các đối tượng.
Đối với Nguyễn Thị Huyên, nhân viên viết biên lai thuế, được phân công viết biên lai thuế và thu thuế hàng nhập khẩu nhưng đã không làm đúng trách nhiệm của mình. Sau khi biết được 3 tờ khai hải quan ngày 14/1/2015 chưa có biên lai thuế nhập khẩu, đến ngày 16/1/2015, Huyên mới viết 3 biên lai nhưng đề ngày 14/1/2015 và ký giả chữ ký của thủ quỹ Nguyễn Văn Đức là sai nguyên tắc ,vi phạm nghiêm trọng quy định của ngành. Tuy nhiên, quá trình điều tra xét thấy Huyên không có sự móc nối, bàn bạc với các bị can để hưởng lợi, do vậy cơ quan điều tra không đưa vào diện phải xử lý trong vụ án này.
“Tuy nhiên, với các công chức Mai Thị Cẩm Vân, Nguyễn Thị Huyên, Nguyễn Thị Phong Lan đã thực hiện các công việc không được phép, không đúng quy định, không kiểm tra sâu sát, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trên, các sai phạm này cần phải được xử lý kỷ luật nghiêm minh.
Vậy cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất căn cứ vào các sai phạm nêu trên của các công chức hải quan, có hình thức kỷ luật theo quy định”. – công văn của Cơ quan cảnh sát điều tra nêu rõ.
“Sáng chế” ra hai hình thức kỷ luật “nhẹ hều”
Sai phạm rành rành, nghiêm trọng như vậy nhưng bất chấp công văn kiến nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra và công văn nhiều lần chỉ đạo của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, ông Đỗ Thanh Quang, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn phớt lờ không thực hiện, coi thường ý kiến của cơ quan chức năng và của cấp trên.
Ông Đỗ Thanh Quang (giữa) đón tiếp giao lưu khách người Hoa Kỳ
Mãi đến hơn 6 tháng sau, gần đây, được biết, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất mới có công văn gửi cơ quan chức năng báo cáo về sự việc. Tuy nhiên, theo nguồn tin phản ánh của bạn đọc, nội dung báo cáo của Chi cục này tiếp tục thể hiện sự dối trên lừa dưới khi cho biết đã xem xét lại toàn bộ sự việc và kiểm điểm, đánh giá lại quá trình thực hiện nhiệm vụ của ba công chức có tên nêu trên, Chi cục đã có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp bao gồm: “Phê bình trước tập thể và điều chuyển đi đơn vị khác”.
“Nghe thông tin về sự việc trên, chúng tôi hết sức sững sờ, kinh ngạc vì ông Đỗ Thanh Quang và lãnh đạo chi cục đã “một tay che mặt trời”, gian dối trong báo cáo. Thực tế suốt 6 tháng qua, không thấy có cuộc kiểm điểm, phê bình trước tập thể nào đối với 3 công chức như báo cáo của lãnh đạo” – một công chức hải quan xin được giấu tên cho biết.
Cần xử lý kỷ luật chính cán bộ bao che
“Tôi không hiểu một lãnh đạo có bằng tiến sĩ như ông Quang và đã làm chi cục trưởng nhiều năm lại có nhận thức mơ hồ đến mức khôi hài như vậy về kỷ luật. Tôi được biết theo điều 79 Luật Cán bộ, công chức thì chỉ có 6 hình thức kỷ luật đối với công chức gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương;Giáng chức;Cách chức; Buộc thôi việc; hoàn toàn không có hình thức kỷ luật nào mang tên “phê bình trước tập thể” và “chuyển đi đơn vị khác”.
Qua sự việc trên, một lần nữa chứng tỏ cung cách quản lý coi trời bằng vung, ngang nhiên bảo kê, tiếp tay cho sai phạm nghiêm trọng. Dư luận trong công chức cũng không đồng tình vì trong số rất nhiều lô hàng trước đây của các đối tượng Vinh, Hương đã mở tờ khai trót lọt qua sân bay phần lớn do đội phó Cẩm Châu phân công kiểm hóa. Vì vậy, khi xem xét bổ nhiệm theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan, công chức phải không liên quan đến các vụ việc vi phạm pháp luật trong vòng 5 năm gần đây. Khi vụ án chưa kết thúc, ông Đỗ Thanh Quang và lãnh đạo Cục đề xuất bổ nhiệm cho đội phó Cẩm Châu khiến dư luận bất bình là có cơ sở.
Theo một số cán bộ, nguyên tắc chung thì hàng quà biếu thường không thể quá nhiều kiện và trọng lượng nhiều đến 13 kiện. Bởi vì, bà con Việt kiều gửi biếu về trong nước thường thì là bánh kẹo, lốc dầu gió, ít quần áo, vài chai mỹ phẩm dầu gội sữa tắm... và thường thì từ Mỹ gửi về Việt Nam cho nên lô hàng từ Hong Kong gửi về với số kiện nhiều (13 kiện) và trọng lượng nặng (gần 900 cái iphon và ipad) quả là một sự bất thường. Tại sao lãnh đạo đội lại phân công chỉ cho một kiểm tra viên kiểm hoá? Đây quả là một vấn đề cần tiếp tục làm rõ trách nhiệm.
Đó là chưa kể Chi cục Tân Sơn Nhất có cho rà soát tất cả các tờ khai nhập khẩu của những lô hàng có xuất xứ từ Hong Kong gửi về theo dạng quà biếu tương tự không? Có phát hiện hay đặt vấn đề nghi vấn trách nhiệm của lãnh đạo Đội trong giai đoạn này không? Dư luận cũng hết sức bất bình vì sự coi thường dư luận và coi thường cả lãnh đạo Cục khi Cục 3 lần có công văn yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm nhưng Chi cục Tân Sơn Nhất không thực hiện? Việc này cần được làm rõ và xử lý kỷ luật đối với ông Đỗ Thanh Quang vì đã bao che cho các công chức sai phạm.
Hồng Quang/Công lý