Thông tư 02/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực: 01/6/2013. Theo đó tổ chức tín dụng (TCTD) phải tiến hành phân loại chính xác tỷ lệ nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro tương ứng.
Thông tư 02/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực: 01/6/2013. Theo đó tổ chức tín dụng (TCTD) phải tiến hành phân loại chính xác tỷ lệ nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro tương ứng.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc lộ trình triển khai Thông tư này trong điều kiện cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp đều đang gặp nhiều khó khăn, khi mà thời gian đã cận kề.
Lo tăng nợ xấu
Tại buổi tham vấn và trao đổi thông tin với báo chí do NHNN vừa tổ chức, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, cho rằng nếu phân loại thẳng thừng ngay thì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng lên nhanh, kéo theo tỷ lệ phải trích lập dự phòng rủi ro tương ứng, đồng nghĩa với việc nguồn vốn tín dụng bị giảm đi.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, việc ban hành Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là một bước tiến quan trọng trong việc đánh giá chính xác tín dụng của các TCTD. Tuy nhiên, lộ trình triển khai cần có sự cân nhắc thận trọng, tránh gây sốc cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp (DN) vay nợ cũng như các ngân hàng cho vay đang gặp khó khăn.
Đại diện một số ngân hàng tán thành việc triển khai Thông tư 02 là bước đi đúng, hướng chất lượng tín dụng tới chuẩn mực quốc tế, song việc áp dụng đúng lộ trình đã định sẵn của Thông tư này sẽ làm nợ xấu tăng lên đột ngột, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng sẽ tăng lên.
Cùng với đó, chính bản thân các DN sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng, gạo, sắt thép… sẽ gặp khó khăn vì khi chuyển sang nợ xấu, nhiều khoản vay của DN (thời điểm hiện tại thì vẫn tốt) sẽ buộc phải dừng lại, tạo thêm khó khăn cho DN. Đại diện Ngân hàng Vietcombank đề xuất có thể áp dụng Thông tư 02 vào năm 2014.
Phân tích thêm về sự khó khăn của DN, đại diện LienViet Post Bank cho rằng chắc chắn nếu áp dụng ngay Thông tư 02 sẽ có thêm nhiều lao động mất việc.
Hơn nữa, việc quy định gia hạn lần đầu đã chuyển sang nợ xấu ngay là chưa hợp lý. Trong kinh doanh, đặc biệt tại Việt Nam, việc trả nợ chậm là bình thường, thậm chí chuyển sang nợ quá hạn sẽ thu lãi cao hơn là cách tăng lợi nhuận của ngân hàng. Có một số DN vẫn “khỏe” nhưng trả chậm một chút, gia hạn nợ là bình thường, nhưng nếu quy ngay vào các loại nợ xấu, phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn, chi phí vay cao hơn thì ngân hàng sẽ càng xa DN hơn.
Phó Tổng Giám đốc Techcombank, ông Phạm Quang Thắng cho biết, trong năm 2011 và 2012, để kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã có chủ trương cắt giảm đầu tư công nên nhiều nơi, công trình đã hoàn thành nhưng Nhà nước chậm thanh toán, DN cần có thời gian thu xếp dòng tiền, thay vì ngừng hoàn toàn việc cấp tín dụng.
Để kịp thời “điều trị”
Đánh giá về Thông tư 02, Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, một số mục trong Thông tư có quy định khá chặt chẽ ở mức tương đương, thậm chí chặt hơn cả việc đánh giá chất lượng tín dụng một số nước phát triển có ngành ngân hàng phát triển. Ví dụ ở Mỹ, các ngân hàng tự phân loại nợ theo chỉ tiêu của ngân hàng mình, còn quy định mới ở Việt Nam, việc đánh giá tín dụng ngân hàng có căn cứ vào dữ liệu của Trung tâm Thông tin Tín dụng Ngân hàng (CICB) theo quy định mới là hết sức hợp lý.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc triển khai Thông tư 02 thật sự là cuộc “cách mạng” để ngành Ngân hàng Việt Nam hướng tới chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, cần nhìn rõ mức độ “bệnh tật” để tìm cách cứu chữa, chứ không nên trì hoãn. Theo ông Hiếu, với DN yếu kém, trì hoãn một thời gian việc phân loại nợ một vài tháng nữa, tiếp tục bơm vốn tín dụng cũng khó giải quyết được vấn đề gì.
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, việc triển khai Thông tư 02 có thể hoãn lại đến hết năm 2013, nhưng trong lúc đó, các ngân hàng, các DN và người dân vay vốn cần phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp giải quyết nợ xấu, tăng cường chất lượng tín dụng, để đến khi triển khai chính thức thì các ngân hàng đáp ứng tốt yêu cầu.
Chánh Văn phòng NHNN, Nghiêm Xuân Thành cho biết, cơ quan này vẫn đang tiếp tục đánh giá tác động của Quyết định 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, và Thông tư 02.
NHNN sẽ tiếp thu các ý kiến tham vấn và xem xét việc hoãn lộ trình đảm bảo giải quyết hài hòa việc lành mạnh hóa tín dụng ngân hàng đồng thời chia sẻ tháo gỡ khó khăn hỗ trợ DN phát triển bền vững.
Tiếp xúc cử tri Hải Phòng chiều 11/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện tại tình hình xử lý nợ xấu vẫn chậm, lãi suất tín dụng cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất vay. Thủ tướng cũng khẳng định chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục những biện pháp xử lý nợ xấu, giảm giãn, miễn thuế cho doanh nghiệp trong cả năm 2013 khoảng 38.000 tỷ đồng. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải quyết nợ xấu. Sau lần tiếp xúc này, Thủ tướng cho biết, sẽ ký ngay nghị định về việc cho ra đời công ty quản lý, xử lý nợ xấu. |
H.Thắng
theo Thanh tra